Đổi mới cây trồng chủ lực ở Trấn Yên

NDO -

Là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, Trấn Yên có diện tích tự nhiên gần 63.000 ha, với 21 xã, thị trấn. Hệ thống thủy lợi được đầu tư nâng cấp bảo đảm tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai; hệ thống chợ nông thôn được xây dựng đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân. Đây là kết quả của nhiều năm Trấn Yên kiên trì ban hành nhiều chính sách khuyến nông, ngoài cây lúa truyền thống đã vận động nông dân tập trung trồng mới, thâm canh, sản xuất sáu loại cây chủ lực: Quế, dâu, măng tre Bát độ, chè, cây dược liệu, cây lâm nghiệp.

Giới thiệu sản phẩm quế xuất khẩu.
Giới thiệu sản phẩm quế xuất khẩu.

Cùng kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Mạnh về xã Việt Thành, dọc bên bờ sông Hồng là một màu xanh mướt mắt của dâu đang kỳ thu hoạch, xác định được cây trồng chủ lực của địa phương, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng trồng dâu nuôi tằm gần 200 ha, vùng trồng quế hơn 600 ha. Thành lập hai doanh nghiệp, bốn hợp tác xã và 38 tổ hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,12%; 100% các tuyến đường liên thôn được bê-tông cứng hóa, 100% các tuyến đường trục thôn đều có điện chiếu sáng, công tác môi trường có bước đột quá chuyển đổi ý thức của người dân trong thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ba cây ở Trấn Yên -0
 Kiểm tra sinh trưởng của tằm ăn lá dâu.

Nông dân Nguyễn Thế Ngữ, thôn Lan Đình cho biết: "Gia đình gắn bó với cây dâu tằm gần 20 năm, gia đình có 18 sào dâu, làm dâu cho thu nhập cao hơn làm lúa gấp ba lần. Hiện, vụ nay kén đang đứng giá 110.000 đồng/kg, dân chúng tôi phấn khởi hơn vụ trước, bởi dịp Covid-19 giá kén có xuống. Từ diện tích ruộng một vụ kém hiệu quả, diện tích soi bãi hai ven sông Hồng, hàng nghìn hộ dân chuyển đổi sang trồng dâu. Nhờ đất tốt, lá dâu to như lá ngõa rừng, con tằm ăn lá đã nhả tơ đem lại thu nhập cho người dân nơi này".

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Trấn Yên đã xác định và xây dựng phát triển sáu cây trồng chủ lực, trong đó cây tre măng Bát độ là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao đã được khẳng định qua thực tiễn. Từ những đồi tre măng được trồng đầu tiên ở xã vùng cao Kiên Thành, hết năm 2020, Trấn Yên đã mở rộng diện tích trồng ở 12 xã lên 3.565 ha, trong đó diện tích kinh doanh 1.900 ha, diện tích đang chăm sóc, kiến thiết cơ bản 1.665 ha. Sản lượng măng năm 2020 đạt hơn 70.000 tấn, tăng 50.400 tấn so năm 2015. Nông dân thu được hơn 100 tỷ đồng, thu nhập trên một đơn vị canh tác đạt 35 - 40 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm măng tre Bát độ Trấn Yên có thị trường tiêu thụ ổn định xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.

Thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân, Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty CP Yên Thành đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm măng cho nông dân các xã trồng tre Bát độ. Công ty đã phối hợp tốt với UBND các xã vùng nguyên liệu làm tốt việc đặt các điểm cân, thông báo giá thu mua, mở rộng mua măng tươi tại các xã giúp người dân thuận tiện hơn trong tiêu thụ sản phẩm.

Ngay từ đầu vụ, đơn vị đã triển khai thu mua đến các thôn bản và sơ chế tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân khai thác sản phẩm. Giá thu mua bảo đảm theo giá thị trường. Có sự liên kết trong sản xuất, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, bền vững, khẳng định được hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập ổn định người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã nâng cao giá trị trên diện tích đồi rừng, giải quyết việc làm, nâng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là nền tảng, là cơ sở để hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

DSC_3577-1617954080164.JPG
 Sản xuất chế biến măng Bát độ xuất khẩu tại Công ty CP Yên Thành.

Cây tre măng Bát độ gần như không có sâu bệnh, đầu tư một lần, thu hoạch nhiều năm, thị trường ổn định lâu dài; dễ tính, dễ làm, phù hợp với trình độ sản xuất và tập quán canh tác của đồng bào Tày, Dao, H’Mông các xã Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh, Tân Đồng. Để cây tre măng Bát độ trở thành cây trồng chủ lực, năm 2025 Trấn Yên trồng mới, trồng thay thế 500 ha, đưa diện tích vùng nguyên liệu hơn 4.000 ha.

Gia đình nông dân Hà Đình Thao ở thôn 1, xã Hưng Khánh có ba ha tre măng Bát độ trồng năm 2018, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch măng. Sau khi khai thác diện tích cây nguyên liệu giấy, gia đình tiếp tục trồng mới 1ha. Được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ củ giống, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp đến tận nơi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng tre bảo đảm trong khung lịch thời vụ.

Anh Thao cho biết: "Được cán bộ xã tuyên truyền, cán bộ khuyến nông xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, nên gia đình rất yên tâm. Tôi và các hộ dân trong xã tin tưởng vào loại cây trồng này vì cho thu hoạch thường xuyên, cây tre già bán cho các cơ sở sản xuất giấy đế, măng tươi có tổ thu mua tại chỗ, giá cả ổn định. Công ty CP Yên Thành đang hoàn thiện xây dựng nhà máy chế biến, kinh doanh măng ở đây, người dân các xã chung quanh an tâm phát triển cây này".

Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, Nguyễn Đức Mầu cho biết: Do Trấn Yên chú trọng xây dựng mối liên kết bền vững giữa “bốn nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, huyện triển khai nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, tất cả các sản phẩm chủ lực của Trấn Yên như: Măng tre Bát độ, quế, dâu tằm, chè, gia cầm… đều có thị trường tốt, dân có thu nhập ổn định, phấn khởi làm ăn và tham gia xây dựng NTM.

Hoạt động sản xuất đều tổ chức theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết, hợp tác trong sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ nông sản, tạo thành chuỗi liên kết, giá trị phát triển bền vững. Đến nay, Trấn Yên hình thành vùng sản xuất hàng hóa với tre măng Bát Độ hơn 3.565 ha, sản lượng măng thương phẩm trên 70.000 tấn/năm; vùng trồng dâu nuôi tằm 600 ha, sản lượng kén 700 tấn/năm; vùng trồng quế gần 17.000 ha, trong đó có 6.000 ha quế hữu cơ.

Hiệu quả của cây quế đã rất rõ, nông dân miền núi Trấn Yên đang giàu lên từ loại cây đa chức năng này vì trồng ra chẳng bỏ đi thứ gì: Lấy vỏ, lấy lá, lấy thân, còn được tính tăng độ che phủ rừng. Một đánh giá khách quan được Bộ trưởng NN và PTNT, Nguyễn Xuân Cường trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp rằng: Một điểm nữa là lâm sản ngoài gỗ và kinh tế rừng chưa nhiều, chưa phản ánh đúng tiềm năng. Phải khẳng định, tiềm năng này rất lớn, một huyện Trấn Yên của tỉnh Yên Bái chỉ có 17.000 ha quế nhưng mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng, giúp người dân có thu nhập ổn định, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Với phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”, khuyến khích nông dân làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, đưa các loại cây chủ lực vào sản xuất, nông dân Trấn Yên đã không còn cảnh “Trồng cây gì, nuôi con gì”. Đó là hướng đi mới của huyện NTM đầu tiên của vùng Tây Bắc cần được nhân rộng và làm theo.