Mười tác phẩm sân khấu của mười đơn vị nghệ thuật bao gồm sáu vở kịch nói, hai vở chèo, hai vở cải lương được giới thiệu đến công chúng trong liên hoan đều là những tác phẩm đặc sắc, thể hiện nỗ lực đầu tư của những người làm sân khấu Thủ đô trong sáng tạo và biểu diễn. Bên cạnh chủ đề về con người, TP Hà Nội, nhiều vở diễn đã chạm đến những xung đột mang tính thời sự của cuộc sống đương đại hôm nay, với những mâu thuẫn tốt - xấu trong cơ chế thị trường, từ đó hướng đến đề cao giá trị nhân văn, vẻ đẹp đích thực của chân - thiện - mỹ.
Nếu Ngôi nhà trong thành phố (Nhà hát Kịch Hà Nội) hấp dẫn người xem bởi mạch kịch nhẹ nhàng, gần như không có xung đột để khắc họa cuộc sống chân thực, giàu tình người, giàu hy sinh của những người Hà Nội giữa đạn bom khói lửa, thì Mùa hoa sữa (Nhà hát Kịch nói Quân đội) lại tái hiện nỗ lực của những người Hà Nội trước nguy cơ đánh mất những giá trị truyền thống do cám dỗ của đồng tiền. Trong khi đó, Bão của hoàng hôn (Nhà hát Công an nhân dân) hướng đến chủ đề chống tham nhũng thông qua bi kịch của một gia đình, Họa tình (Trung tâm Sân khấu và phát triển) hướng đến triết lý khi tài năng bị lợi dụng để làm thương mại nghệ thuật sẽ dễ dàng bị thui chột, khiếm khuyết. Hai vở cải lương Ðen trắng vòng đời (Nhà hát Cải lương Hà Nội) và Lý triều dựng nghiệp (Nhà hát Cải lương Việt Nam), một về đề tài hiện đại, một về đề tài lịch sử đều là cuộc đấu tranh chống cái ác, cái xấu nhưng một vở khắc họa cái xấu bị che đậy, lẩn khuất, còn một vở thì khắc họa cái xấu lộ rõ, được tô đậm, đẩy đến tận cùng. Hai vở chèo Cô Son (Nhà hát Chèo Hà Nội), Thị Hến (Nhà hát Chèo Việt Nam) cũng mang đến nhiều xúc cảm thú vị khi đi theo con đường phục dựng các tích truyện dân gian...
Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao sự tìm tòi trong cách thể hiện mới lạ, đầy nghịch lý nhưng ẩn chứa những suy nghĩ nghiêm túc về cuộc sống với cái nhìn hài hước, châm biếm. Các vở như Tôi đẹp tôi có quyền (Nhà hát Tuổi trẻ), Họa tình đã thể hiện xu thế dàn dựng rất gần với sân khấu hiện đại phương Tây...
Ðiểm sáng của liên hoan là dấu ấn diễn xuất của nhiều nghệ sĩ trẻ. Ấy là vai cô phóng viên trong Bão của hoàng hôn, anh bảo vệ trong Tôi đẹp tôi có quyền; là nhân vật Nguyên trong Mùa hoa sữa, Khánh trong Họa tình, Lý Công Uẩn trong Lý triều dựng nghiệp, Nguyễn Hữu Chỉnh trong Thế sự (Nhà hát Kịch Việt Nam)... Có những vai diễn chỉ xuất hiện rất ít song để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Sự xuất hiện và khẳng định tài năng của phần lớn các diễn viên trẻ là dấu hiệu tích cực hứa hẹn nhiều đổi mới cho sân khấu Hà Nội.
Bên cạnh những tín hiệu vui, những dấu ấn nghệ thuật, liên hoan cũng bộc lộ ít nhiều hạn chế trong sáng tác, dàn dựng tác phẩm. Theo đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan, ở một số vở khai thác đề tài lịch sử, dù các tác giả đã có những nỗ lực đáng trân trọng để tạo nên vở diễn bề thế, ấn tượng, nhưng vẫn còn vấp một vài sai sót về kiến thức lịch sử và phương pháp thực hiện đề tài qua các nhân vật. Ông lưu ý: "Khai thác những góc khuất của con người lịch sử, phải có thái độ cẩn trọng, nghiêm túc và có căn cứ, không nên có sai sót". Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cũng thẳng thắn đánh giá: Có những vở diễn, các đạo diễn còn sơ hở trong lý giải kịch bản, tỏ ra lúng túng trong xử lý các miếng diễn. Và điều đáng tiếc là một số vở đạt đến trình độ chuyên môn cao nhưng rơi vào trạng thái kết thúc theo kiểu công thức phương Ðông, tức phải có hậu, cái thiện phải thắng, cái ác phải thua. Ðành rằng, nhìn chung câu chuyện phải được kết thúc một cách ổn thỏa, nhưng cuộc sống luôn vận động và nghệ thuật cũng đòi hỏi phải có cái nhìn rộng, thoáng và nhiều cách để mở ra những chân trời mới. NSƯT Trần Minh Ngọc nhận xét: "Rất tiếc một vài vở có cái kết chưa ổn như Họa tình, Bão của hoàng hôn, Thị Hến... Ngay trong Ngôi nhà trong thành phố, ở đoạn kết, nếu đạo diễn xử lý tốt hơn về cái chết của chàng trai Hà Nội thì tư tưởng của vở kịch sẽ được nâng cao hơn về ý nghĩa".
Dù Liên hoan Sân khấu Thủ đô đã được tổ chức tới lần thứ ba, nhưng vẫn còn một số hạn chế trong các sáng tác về đề tài Hà Nội, thiếu các kịch bản mới về cả hình thức lẫn nội dung. Chỉ có ba trong số mười vở diễn có đề tài về Thăng Long - Hà Nội, nhiều vở diễn dựng lại trên các kịch bản cũ đã quen thuộc cho nên chưa tạo nhiều đột phá cảm xúc cho người xem. Nhận xét về điều này, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu cho biết: Hướng tới Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ tư năm 2020, sắp tới, Hội sẽ trao đổi với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội dành thời gian, kinh phí phối hợp mở trại sáng tác kịch bản sân khấu về Thủ đô Hà Nội, tránh tình trạng thiếu kịch bản mới như tại Liên hoan năm nay.