Ngày nào cũng thế, ăn cơm tối xong, Đội trưởng Đội Cứu hộ Hà Nội Nguyễn Thọ Quyền vội vàng sắp xếp công việc để đến “trụ sở” chính của Đội Cứu hộ tại nút giao Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Cùng lúc ấy, hàng chục thành viên khác cũng “xuất quân” đến các địa điểm trực cứu hộ, bắt đầu từ 21 giờ…
Những “hiệp sĩ” bóng đêm
Đồng hồ chuyển dần đến mốc 0 giờ. Vào ban ngày, đây là khu vực có mật độ phương tiện đông đúc nhất của Thủ đô, nhưng lúc này nút giao Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến trở nên tĩnh lặng. Thi thoảng mới có một chiếc xe vụt qua. Mấy bạn trẻ Đội Cứu hộ Hà Nội cùng chờ đợi… Bất ngờ chuông điện thoại reo lên. Một ca thủng săm xe máy ở khu vực hồ Tây báo về. Nguyễn Văn Sơn là người được “điều phối” cho ca sửa xe này. Từ tối đến giờ đã làm mấy ca, cho nên Sơn kiểm tra lại túi đồ nghề với chiếc máy vặn bu-lông, ốc vít chạy pin, bộ móc lốp và cả chiếc săm xe mới… rồi lên đường. Chạy xe được vài ki-lô-mét, trời bất ngờ đổ mưa nặng hạt. Sơn mặc áo mưa, gọi điện thoại nhắc chủ xe ở nguyên vị trí…
Khi chiếc xe được sửa xong cũng là lúc đồng hồ báo chuyển ngày mới. Công việc của một “ca” tình nguyện kết thúc. Nguyễn Văn Sơn năm nay 25 tuổi, đã sáu năm gắn bó với Đội Cứu hộ Hà Nội. Sơn bảo, chưa bao giờ em có mặt đủ 365 đêm của một năm, nhưng chắc chắn năm nào cũng có hơn 300 đêm em tham gia cứu hộ.
“Đó là câu chuyện về sự đồng cảm. Trước khi tham gia Đội Cứu hộ, em cũng hay giúp đỡ người khác. Khi biết có Đội Cứu hộ hoạt động, em đã đăng ký tham gia, được các anh chị hướng dẫn thêm để biết các kỹ thuật sửa chữa xe máy cơ bản. Mỗi khi giúp được ai đó em thấy vui. Đó là cái được nhất sau sáu năm gắn bó với đội”, Nguyễn Văn Sơn chia sẻ. Gần 2.000 đêm ấy, hầu như mỗi “ca” sửa xe đều là những kỷ niệm khó phai.
Nhưng có một kỷ niệm mà Sơn nhớ nhất. Đó là một lần, khi đã hơn 2 giờ sáng, Sơn nhận được một cuộc gọi sửa xe ở quận Long Biên. Lúc đó các thành viên của Đội đều đã kết thúc ca làm việc. Đúng hôm đó Sơn về nhà ở Đan Phượng. “Em quyết định phóng xe từ Đan Phượng xuống Long Biên. Khi gần đến nơi không may em bị ngã xe. Mình ngã thì lại có một số bạn đến giúp đỡ. Lúc đó em rất xúc động, thêm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Người hỏng xe là một phụ nữ, cô ấy đã đi bộ một đoạn dài trong đêm hôm. Khi giúp cô ấy sửa xe xong, cô ấy xúc động rơm rớm nước mắt” - Nguyễn Văn Sơn nhớ lại.
Những câu chuyện như thế, tưởng chừng không dễ gặp lại là chuyện thường ngày với các thành viên Đội Cứu hộ Hà Nội. Ai cũng bảo, đến với Đội, họ “được” rất nhiều. Và người trao cho họ cơ hội là Đội trưởng Nguyễn Thọ Quyền.
Câu chuyện về Đội Cứu hộ Hà Nội bắt đầu từ cả chục năm trước. Khi đó, Nguyễn Thọ Quyền còn là một chàng trai rất trẻ. Công việc thường phải đi về lúc đêm khuya. Nhiều lần Quyền thấy có người dắt bộ xe trên phố trong đêm khuya vì không thể tìm được hiệu sửa xe. Nếu may mắn tìm được, thì “khổ chủ” cũng phải trả một cái giá “cắt cổ”. Nghĩ đi nghĩ lại, Quyền sắm bộ đồ nghề sửa xe, thường đem theo bên mình. Hễ gặp người nào dắt bộ vì hỏng xe, Quyền dừng lại đề nghị giúp đỡ. Thấy hành động của Quyền có ý nghĩa, mấy người bạn xung phong tham gia.
Đến năm 2017, nhóm bạn nhận thấy cần phải “chính thức hóa” hoạt động - Đội Cứu hộ Hà Nội ra đời với ba thành viên. “Trụ sở” chính là quán trà đá nơi góc đường Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến, khung giờ thực hiện cứu hộ từ 21 giờ đêm hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau. Từ ba người ban đầu với một địa điểm, hiện giờ, Đội Cứu hộ Hà Nội đã nhân lên nhiều địa điểm. Những thành viên thuộc diện tối nào cũng có mặt là hơn 10 người, chưa kể những thành viên không thường xuyên khác. Khi tham gia Đội Cứu hộ, các thành viên phải tự trang bị dụng cụ sửa xe. Những người có thâm niên kinh nghiệm sẽ tập huấn những kỹ thuật sửa xe cơ bản cho những người mới.
“Có những hôm cao điểm, chúng tôi giúp sửa chữa được hơn 50 xe. Còn bình thường, mỗi tối dao động từ 10 đến 20 xe. Thời gian đầu, mọi người vừa tự sắm đồ, vừa tự “học nghề”. Chúng tôi mày mò xem các clip trên YouTube về sửa chữa xe máy để làm theo. Có những bạn trước đây không biết đến công việc chân tay bao giờ, nhưng khi thấy ý nghĩa việc mình làm, đã tìm tòi để có thể sửa chữa nhiều loại hỏng hóc nhất. Làm công việc này, chúng tôi mong mình luôn “thất nghiệp”. Nhưng hôm nào ít cuộc gọi lại cũng băn khoăn, hay là có những người hỏng xe mà chưa biết đến Đội Cứu hộ”, Nguyễn Thọ Quyền cho biết.
Là một người từng bị hỏng xe trong đêm, Nguyễn Đức Minh, sinh viên Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhớ lại: “Em đang trên đường từ chỗ làm thêm về thì không may xe bị xịt lốp. Em đã dắt bộ hàng ki-lô-mét mà không tìm được cửa hàng sửa xe nào. May sao lúc đó bạn em gửi cho số điện thoại Đội Cứu hộ Hà Nội. Em rất xúc động vì chỉ ít phút sau khi gọi điện, các anh ấy đã có mặt vá xe giúp mà không lấy tiền công”.
Lan tỏa những điều tử tế
Như bất kỳ ai khác, những thành viên Đội Cứu hộ Hà Nội đều phải mưu sinh cuộc sống hằng ngày, mỗi người một công việc, với biết bao bộn bề, từ công việc làm ăn đến gia đình… Thức đêm thức hôm triền miên từ ngày này qua ngày khác, vất vả là điều đương nhiên. Có những hôm mưa rét, ngồi “đợi khách”, anh em gà gật ngủ ngay bên cạnh chiếc xe, nhưng nghĩ đến cảnh có người hỏng xe phải dắt bộ trên phố khuya mà họ thường là những người có hoàn cảnh khó khăn chạy xe dịch vụ, người đi lấy hàng đêm, hoặc công nhân làm ca về khuya…, mọi người lại có thêm động lực để cố gắng.
Nhiều thành viên của Đội Cứu hộ Hà Nội chính là những người từng được giúp đỡ trong quá khứ. Nguyễn Công Dũng là một trong số đó. Hiện giờ Dũng là một trong những thành viên tích cực của Đội. Nguyễn Công Dũng nhớ lại: “Có lần hỏng xe, em phải dắt bộ và rồi sau đó các anh trong Đội Cứu hộ đến giúp đỡ. Trải qua rồi mới biết nếu bị hỏng xe trong đêm thì vất vả thế nào. Bởi vậy, sau đó em đã xin tham gia Đội Cứu hộ và được các anh trong đội hướng dẫn để có thể giúp đỡ những người khác”.
Các trường hợp hỏng xe mà Đội Cứu hộ có thể xử lý gồm: Vá săm, thay săm, sửa bu-gi, kích ắc-quy, mở khóa, đấu điện… Đôi khi không giải quyết được thì thành viên trong đội sẽ giúp mọi người đẩy xe về tận nhà. Từ một địa điểm ban đầu, bây giờ, Đội Cứu hộ Hà Nội đã mở rộng thêm nhiều địa điểm khác như: Khu vực hồ Thạch Bàn (quận Long Biên), Khu công nghiệp Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), Khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) và hai địa điểm khá xa trung tâm nữa là thôn Long Phú (xã Thạch Hòa) và chùa Thầy (xã Sài Sơn) đều ở huyện Quốc Oai.
Đội Cứu hộ Hà Nội sử dụng mạng xã hội Facebook để giới thiệu, công bố hoạt động, thông tin liên lạc của mình, giúp mọi người tương tác một cách thuận lợi. Sau khi tiếp nhận thông tin, các thành viên sẽ chia sẻ, điều phối người gần nhất đến trợ giúp. Mặc dù vậy, những “trường hợp đặc biệt” vẫn thường xuyên xuất hiện. “Có hôm Đội nhận được điện thoại từ Như Quỳnh (tỉnh Hưng Yên). Lúc đó đã gần hết ca trực của anh em, địa điểm người bị hỏng xe lại cách chúng tôi tới 30 km. Hôm đó trời còn mưa. Cuối cùng chúng tôi quyết định lên đường”, Đội trưởng Nguyễn Thọ Quyền chia sẻ. Anh cho biết thêm, Đội Cứu hộ không dừng lại ở các địa điểm trên khi tiếp tục có thêm những tình nguyện viên mới.
Quán nước bên góc đường Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến của bà Nguyễn Thị Bảo Hoa. Đêm xuống, bà dọn hàng về nghỉ ngơi. Nhưng bà không quên để lại mấy cốc nước cho anh em Đội Cứu hộ uống trong đêm.
Bà tâm sự: “Tôi chứng kiến hoạt động của các cháu từ những ngày đầu thành lập Đội. Đáng quý lắm! Nắng hay mưa thế nào cũng không vắng mặt. Các cháu còn tặng cả công làm, cả phụ tùng cần thay thế. Có những người thấy tấm lòng các cháu nên đã ủng hộ tiền, vật chất để các cháu đỡ phải bỏ tiền túi ra, để giúp đỡ mọi người tốt hơn”.
Đêm càng lúc càng khuya, ở “trụ sở” chính chúng tôi bắt gặp nụ cười tươi rói của Lê Văn Lực, một chàng trai từ Thừa Thiên Huế ra Hà Nội làm ăn. Lực vừa mới chân ướt, chân ráo gia nhập đội được hơn ba tháng. “Nếu ai hỏi chúng em là có vất vả không, có mệt mỏi không, thì chắc chắn là có rồi. Nhưng khi mình làm được việc có ích thì mình sẽ cố gắng để vượt qua. Trong đội có nhiều tấm gương để những thành viên mới như chúng em học tập”, Lê Văn Lực chia sẻ.