Ám ảnh. Sống lại một miền ký ức. Ký ức Trường Sơn. Ký ức chiến tranh. Ký ức làng quê. Ðó là tâm trạng của tôi khi đọc tập sách này, một trường ca không dài về số trang nhưng lại mang chiều dài của lịch sử. Những kỷ niệm tưởng đâu ngủ quên trong một binh trạm, một cung đường, một cánh rừng nào đó, bỗng thức dậy cồn cào, mãnh liệt. Những nữ thanh niên xung phong, những cô gái của châu thổ sông Hồng vừa bước ra từ bùn quê lấm láp, từ điệu chèo văn, giờ trở thành những người lính mở đường "Chọc thủng Trường Sơn/Nối Ðông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn". Hành trang của các chị, các anh không chỉ có súng, cuốc, choòng, xẻng mà còn có: "Ống coóng ruốc pha thuốc tê phù sốt rét/Chưa gặp địch đã có thể chết vì kiệt sức". Nhưng ký ức như một vệt sáng xuyên ngày xuyên đêm, xuyên năm xuyên tháng là Gương - mặt - đàn - bà nơi hòn tên mũi đạn. Những ký ức bén bùng như lửa, nặng đầy yêu thương và nước mắt: Những con đường rung bom tọa độ; những cung đường sốt rét; bầy tiên nữ ra mặt đường; chiếc hôn vội giữa đại ngàn hoang dại; xe chở thương binh chở cả quan tài; có trung đội chuyên đào huyệt; bầu vú em trắng ngần bị viên 20 ly xé toác… Gian khổ, hy sinh nhưng những tiên nữ của Trường Sơn vẫn đứng lên làm cọc tiêu dẫn đường, vẫn đứng trên cao điểm đếm loạt bom chưa nổ. Thật là một bức tranh lẫm liệt của đức hy sinh và lòng quả cảm vì khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Nếu không phải là người trong cuộc - nữ phóng viên mặt trận - Phạm Hồ Thu khó có thể khắc họa được những hình ảnh như những nét chạm khắc ấn tượng về bức tượng đài lịch sử Trường Sơn, mà trung tâm là những người đàn bà vô cùng đáng yêu, đáng kính. Bấy lâu có quan niệm nữ nhi thường viết thơ tình đắm đuối. Với trường ca này, Phạm Hồ Thu đã xác định một "căn cước công dân đích thực" khi nói đến một vấn đề lớn là lòng yêu Tổ quốc, lẽ sống - những vấn đề "phái mày râu" thường quan tâm và có thế mạnh hơn. Ðây cũng là cái làm nên sự khác biệt so với nhiều cây bút nữ khác.
Ðã có những trường ca viết về chiến tranh, viết về Trường Sơn huyền thoại. Nhưng viết riêng về những nữ thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn thì đây là trường ca đầu tiên. Thủ thỉ kể chuyện với những người cùng mắc võng, ngủ hầm một thuở. Lắng lòng với những "cổ tích" làng quê, những năm Thị Màu, anh Nô, Thị Kính cũng rời chiếu chèo ra mặt trận. Bùi ngùi nhớ về những người mẹ đồng chiêm Hà Nam, Nam Ðịnh, Thái Bình… đêm đêm đếm từng chiếc lá rơi cho vơi nỗi nhớ, người con ngoài mặt trận chỉ khát khao "con trở về trước hết là ôm mẹ".
Ký ức sẽ chẳng là gì nếu không muốn làm một việc hết sức bình thường và lương thiện rằng: Hãy đừng bao giờ quên quá khứ. Ðừng bao giờ quên những người đàn bà ra mặt trận! Thông điệp mà nhà thơ gửi đến không đọc thấy trong một tuyên ngôn to tát, thậm chí trong câu, trong chữ, mà nó lấp lánh, xuyên thấm phía sau mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ. Những câu chuyện, những chi tiết, những cảm nhận tinh tế, đọc mà ứa nước mắt, bởi đâu đó, lúc nào đó ta dễ vô tình đi qua, bỏ qua. Trong tập sách, tác giả nhiều lần dùng ngôn ngữ phản tư, nêu những câu hỏi, như một day dứt, một nỗi xa xót, và câu trả lời dành cho người đọc: Ai còn nhớ chăng? Có nơi đâu như dải đất này? Ðất nước sẽ thế nào nếu không có dãy Trường Sơn? Anh ở đâu rồi - người tình duy nhất của em?... Lòng không khỏi vân vi nhưng khi bom thù trút xuống, thì các chị lại sẵn sàng ra nơi lửa đạn ngút trời, bởi sự sống con đường cao hơn hết thảy. "Chiến trường cần quân/Chiến trường cần đạn/Chiến trường cần những đoàn xe lăn bánh/Chúng tôi quên chúng tôi cho sự sống con đường".
Có một câu hỏi mà sau chiến tranh "phía bên kia" đã mất nhiều công sức để tìm câu trả lời: Vì sao Việt Nam thắng Mỹ? Lời đáp của chính các học giả từng là người lính ngoài mặt trận: Việt Nam đã chiến thắng bằng đường lối chiến tranh nhân dân, bằng sức mạnh văn hóa. Ðọc Chiến tranh trên gương mặt đàn bà, tôi có thêm những minh chứng xác thực cho điều này. Những người con gái đồng chiêm vào Trường Sơn mang theo cả văn hóa làng quê ra trận. Còn ở làng quê cũng thiếu vắng một phần vẻ đẹp, tâm hồn thiếu nữ. Mạch trữ tình truyền thống của trường ca xuyên suốt năm chương, nhưng đậm đà nhất là ở chương hai "Khúc từ biệt mái đình". Một khung cảnh làng quê thuần hậu, sống động trong buổi chia ly: "Hội hè chưa tan/Chiến tranh đã tới/Người người đi vội/Bỏ mặc trúc xinh đứng ở đầu đình". Văn hóa làng quê như một dòng chảy âm thầm trong mạch sống, trong tâm hồn những cô gái, chàng trai là sức mạnh tinh thần quý giá đã biến thành sức mạnh vật chất to lớn trước những cuộc đọ sức, trước những thử thách nghiệt ngã của văn hóa Việt…