Đốc thúc tiến độ vận hành hệ thống thu phí không dừng

Được triển khai từ năm 2015, đến thời điểm này, cả nước đã có 118 trạm thu phí với 575 trong tổng số 821 làn được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng (ETC), chỉ để một làn hỗn hợp thu phí một dừng tại mỗi trạm; tỷ lệ phương tiện dán thẻ đạt khoảng 57%. Một số trạm có tính chất đặc thù chậm hoặc lùi thời gian triển khai đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Làn thu phí không dừng tại trạm BOT cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: ĐỖ PHƯƠNG)
Làn thu phí không dừng tại trạm BOT cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: ĐỖ PHƯƠNG)

Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn bộ 821 làn trong năm nay.

Triển khai chậm

Trước năm 2015, các trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 đều thu phí theo hình thức thủ công, lái xe qua trạm phải dừng xe mua vé, trả tiền mặt. Cách thức này thường gây ùn tắc và xảy ra tình trạng gian lận, quay vòng vé giấy tại một số trạm. Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ áp dụng công nghệ ETC tại các trạm BOT nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế gian lận doanh thu dự án BOT. Năm 2015, dự án thu phí không dừng đầu tiên (BOO1) do Công ty Thu phí tự động (VETC) triển khai, đầu tư 35 trạm BOT trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 với tổng vốn khoảng 1.500 tỷ đồng, áp dụng công nghệ của Đài Loan (Trung Quốc).

Sau 5 năm triển khai, tỷ lệ phương tiện dán thẻ của VETC chưa tới 30% số phương tiện nên không phát huy được hiệu quả ETC. Người dân không mặn mà sử dụng dịch vụ do còn thói quen dùng tiền mặt, không "bơm tiền" vào tài khoản. Thời gian đầu, tình trạng lỗi thẻ ETC rất phổ biến, phương tiện bị trừ tiền nhiều lần, barrier không mở vẫn trừ tiền, barrier đóng mở chậm, gây hư hỏng phương tiện, thẻ không tích hợp nếu đi qua trạm của đơn vị ETC khác,...

Đầu năm 2020, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đấu thầu đơn vị thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2) với 35 trạm. Công ty cổ phần Giao thông số được chọn, lắp đặt toàn bộ 35 trạm BOT trong bốn tháng và cung cấp thẻ Epass cho chủ xe. Chỉ trong hơn một năm (từ giữa năm 2020), đơn vị này đã dán được 1,3 triệu thẻ Epass, tương đương lượng thẻ của VETC dán trên phương tiện trong 5 năm. Cuối năm 2020, hai dự án BOO1 và BOO2 đã lắp ETC gần 80 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Các tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình cũng hoàn thành lắp đặt ETC. Riêng 4 trạm trên các tuyến cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) chưa lắp đặt ETC do thiếu vốn đầu tư. Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị lùi triển khai tại các dự án này để chờ nguồn vốn.

Vụ trưởng Khoa học, công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Tô Nam Toàn cho biết, hiện có hơn 2,7 triệu trong số gần 5 triệu phương tiện trên cả nước được dán thẻ ETC, nhưng cũng chỉ có khoảng 60% trong số này nạp tiền vào tài khoản. Phương tiện dán thẻ nhưng không nạp tiền để sử dụng dịch vụ thì ETC cũng không phát huy hiệu quả.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng nhận xét, việc thanh toán không tiện lợi khiến doanh nghiệp vận tải không hào hứng tham gia. Đơn vị có nhiều đầu xe phải nạp số tiền khá lớn vào tài khoản giao thông và khoản này bị tồn đọng trong tài khoản nếu chủ xe không sử dụng. Trường hợp tài khoản hết tiền chưa kịp nạp cũng gây khó cho lái xe, doanh nghiệp đề nghị có tích hợp trả phí tự động qua tài khoản ngân hàng thay vì trả qua tài khoản giao thông nhưng đơn vị dịch vụ thu phí lại không phải tổ chức tín dụng nên không được trả lãi cho số tiền của chủ xe trong tài khoản giao thông.

Các ngân hàng vì lý do bảo mật nên không cho phép trừ tiền phí trực tiếp từ tài khoản ngân hàng. Để tăng số phương tiện dán thẻ không dừng, các đơn vị cung cấp dịch vụ đã kết nối tự động tài khoản giao thông với một số ngân hàng lớn và tiến tới liên thông toàn bộ ngân hàng. Tài khoản giao thông hết tiền sẽ được nạp tự động từ ngân hàng với số tiền mà chủ tài khoản đặt.

Đốc thúc tiến độ vận hành hệ thống thu phí không dừng -0
Trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, tuyến đường được chọn thí điểm chỉ thu phí không dừng.  

Đẩy nhanh tiến độ

Cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện đốc thúc triển khai dán thẻ đối với phương tiện để sử dụng dịch vụ ETC, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ tổ chức tốt việc dán thẻ cho phương tiện và có giải pháp xử lý ngay các lỗi kỹ thuật phát sinh của hệ thống ETC; đồng thời, làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, hệ thống ETC được đưa vào hoạt động đã góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, tạo thuận tiện cho người tham gia giao thông, số lượng phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ ngày càng tăng cao, doanh thu thu phí ETC tại các trạm cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, do hệ thống lần đầu tiên được triển khai, việc quản lý vận hành liên quan nhiều đối tượng, vì vậy vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện.

Về lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng ETC, trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và thống nhất của nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn cao tốc Hà Nội-Hải Phòng để thí điểm, dự kiến sẽ chính thức áp dụng trong tháng 6 tới. Việc thí điểm ETC trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là tiền đề cho các trạm thu phí trên toàn quốc không còn barrier. Việc lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng để triển khai thí điểm đã được nghiên cứu kỹ, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới phương án tài chính các dự án BOT, quyền đi lại của chủ phương tiện khi tuyến cao tốc có quốc lộ 5 chạy song hành.

Về cơ sở pháp lý thực hiện thí điểm, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ điều kiện cụ thể tại từng trạm thu phí xem xét, quyết định thực hiện thu phí toàn bộ theo hình thức ETC. Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án ETC và các dự án BOT, vì thế việc Bộ quyết định lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thí điểm là phù hợp quy định pháp luật.

Đến nay, phương án tổ chức giao thông, xử lý các tình huống, sự cố đã được các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất. Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp nhà đầu tư, Cục Cảnh sát giao thông tuyên truyền tới chủ phương tiện trên địa bàn tuyến cao tốc đi qua, kịp thời cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc của chủ phương tiện. Trường hợp phương tiện không đủ điều kiện đi nhầm vào tuyến cao tốc sẽ có bộ phận hỗ trợ quay đầu xe hoặc dán thẻ ngay tại các trạm thu phí.

Hệ thống biển báo, chỉ dẫn từ xa đã được hoàn thiện; phần mềm đã bổ sung tính năng cảnh báo số dư tài khoản cho phương tiện trước khi đi vào tuyến cao tốc, hạn chế việc xe không đủ điều kiện đi nhầm vào cao tốc. Hiện nay, tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ tại các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua đạt trung bình 65%, tăng hơn 20% so thời điểm chưa có chủ trương thí điểm trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Bộ phấn đấu hoàn thành mục tiêu hơn 80% số lượng các phương tiện được dán thẻ và tham gia dịch vụ trong năm 2022.

Việc đẩy mạnh dán thẻ cho phương tiện để phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống ETC là cần thiết, tuy nhiên do nhiều yếu tố đặc thù, khách quan, một số phương tiện chỉ di chuyển trong thành phố, ở vùng không có trạm thu phí hoặc ít đi qua trạm thu phí nên không có nhu cầu dán thẻ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm việc cụ thể với từng địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình và mục tiêu dán thẻ, phấn đấu trong năm nay, lượng giao dịch thông qua hệ thống ETC tại các trạm thu phí đạt 80-90%.

Qua tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ các nước, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng lộ trình triển khai hệ thống thu phí ETC theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, các trạm thu phí vẫn có barrier và vẫn tồn tại hình thức thu phí một dừng (MTC). Barrier mở cho xe qua trong trường hợp có thông tin thẻ dịch vụ hợp lệ, có đủ số dư tài khoản thu phí; nếu xe chưa dán thẻ, hoặc dán nhưng không đủ tiền trong tài khoản, hệ thống sẽ chuyển sang MTC.

Giai đoạn 2, các trạm thu phí không còn barrier, chỉ duy trì dải phân cách các làn, phương tiện lưu thông tự do theo làn qua trạm thu phí (không còn thu phí MTC). Giai đoạn 3, tại trạm thu phí chỉ duy trì giá long môn và thiết bị thu phí gắn trên giá, phương tiện lưu thông tự do đa làn qua trạm. Thực tế hiện nay, hệ thống ETC của Việt Nam đang dừng ở giai đoạn 1. Việc thí điểm ETC là bước chuẩn bị chuyển lộ trình vận hành hệ thống ETC từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2, tiến tới xây dựng hoàn thiện hệ thống đồng bộ, hiện đại trên toàn quốc.