Đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công

Rút kinh nghiệm từ việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư trong năm 2022, thành phố Hà Nội đang quyết liệt triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, nhất là các dự án trọng điểm, dân sinh bức xúc.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được các đơn vị khẩn trương thi công. (Ảnh TUẤN ANH)
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang được các đơn vị khẩn trương thi công. (Ảnh TUẤN ANH)

Dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô đang được cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội vào cuộc triển khai nghiêm túc, tích cực, phấn đấu hoàn thành trước tiến độ đề ra. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, Nguyễn Chí Cường, đến nay, thành phố đã di chuyển được 5.448 ngôi mộ trong tổng số 10.912 ngôi mộ để giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, đạt gần 50%. Thành phố cũng đã phê duyệt và thu hồi đất đạt 39,45%. Tổng số tiền đã phê duyệt chi trả là hơn 2.713 tỷ đồng.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung đôn đốc triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm hoàn thành 70% khối lượng trong tháng 6/2023 để có thể khởi công dự án. Mới đây, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cấp thành phố. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô được bố trí 3.840 tỷ đồng.

Sau hai lần lùi tiến độ, đến nay, cầu vượt nút giao thông Phạm Ngọc Thạch-Chùa Bộc trên địa bàn quận Ðống Ða (Hà Nội) cũng đã đạt được 80% khối lượng. Ðơn vị thi công đã hợp long đốt dầm cuối cùng tại điểm cong nối phố Chùa Bộc và Phạm Ngọc Thạch, gấp rút triển khai các hạng mục tiếp theo, phấn đấu hoàn thành công trình vào cuối tháng 4/2023.

Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội, nhiều dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, dân sinh bức xúc trên địa bàn thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công Trung ương giao cho thành phố Hà Nội là 46.956 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, thành phố đã phân bổ toàn bộ kế hoạch vốn Trung ương. Trong đó, ngân sách cấp thành phố hơn 26.000 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện gần 20.000 tỷ đồng; chi đầu tư trở lại cho các quận, huyện, thị xã từ tiền thuê đất trả tiền một lần là 900 tỷ đồng. Ðến đầu tháng 3, thành phố Hà Nội giải ngân được khoảng 3.900 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch năm 2023.

Khối lượng các công trình, dự án là rất lớn, nhiều việc khó, phức tạp. Nhưng bên cạnh những dự án đang “tăng tốc” để về đích đúng hẹn, thì vẫn còn những dự án chậm các thủ tục, quy trình triển khai. Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội, trên địa bàn thành phố còn 173 dự án sử dụng vốn đầu tư công đã hoàn thành, nhưng chậm nộp hồ sơ quyết toán so với quy định, trong đó có 74 dự án cấp thành phố, 89 dự án cấp huyện.

Một số đơn vị của thành phố còn nhiều dự án chậm quyết toán là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp; Ủy ban nhân dân các huyện Quốc Oai, Gia Lâm, Chương Mỹ , Phú Xuyên… Trong số này, một số đơn vị còn tồn đọng dự án chậm quyết toán từ các năm trước.

Nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội trong năm 2022, đồng thời, đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 2/3/2023. Kế hoạch này yêu cầu các đơn vị hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, kéo dài sang năm 2023; phấn đấu hoàn thành giải ngân hết Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo quy định của Luật Ðầu tư công.

Trong kế hoạch, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo chức năng, nhiệm vụ được giao, coi đây là một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ.

Thành phố Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo Sở Kế hoạch và Ðầu tư và các sở chuyên ngành theo dõi ngành, lĩnh vực về tiến độ thực hiện các dự án, kết quả giải ngân, ước giải ngân của tháng phải báo cáo định kỳ trước ngày 5 hằng tháng. Thành phố cũng giao Sở Tài chính xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn thành phố năm 2023.

Trong đó, tập trung kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư còn nhiều dự án chậm quyết toán; đẩy nhanh việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án theo quy định; công khai tình hình quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên trang thông tin điện tử của Sở Tài chính. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải chủ động chỉ đạo rà soát, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp thực hiện điều chỉnh kịp thời vốn của các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt.

Bên cạnh những giải pháp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trần Sỹ Thanh cũng kiến nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ vấn đề về bố trí vốn như yêu cầu phải có đủ vốn mới được phê duyệt dự án theo Luật Ðầu tư công; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương để đẩy mạnh đầu tư công. “Các đơn vị cần xác định việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư phục vụ phát triển toàn diện kinh tế-xã hội. Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài và phấn đấu hoàn thành giải ngân hết Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.