Ðọc tập Cõi lặng của nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm

Anh Duật, anh Ðiềm, anh Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Ðịnh... đều là sinh viên văn - sử của hai trường ÐHTH và ÐHSP Hà Nội - tuy hai trường nhưng xưa vốn là một. Bởi vậy, chúng tôi coi các anh như những người anh thân thiết, như một niềm tự hào chung và riêng. Thế rồi lớp lớp chúng tôi lại vào chiến trường, noi theo các anh sống và viết, và hy sinh bất cứ điều gì để vì một mục đích duy nhất, thiêng liêng nhất: giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Chỉ có điều khác nhau, là các anh đã là những nhà thơ lớn; càng về sau, càng biểu hiện rõ độ cao và tầm vóc không phải ở một thời.

Nhiều chúng tôi ra trận với những câu thơ của các anh - những câu thơ mạnh hơn bất cứ thứ vũ khí nào.

Nếu thơ anh Duật tự nhiên, đầy tự tin, hào sảng, hóa thành tiếng nói của nhân dân thì thơ anh Ðiềm những ngày chống Mỹ, cứu nước còn mang đậm dư vị ngọt ngào, lãng mạn của tâm hồn sinh viên, trí thức trẻ:

Ta lớn lên bối rối một sắc hồng

Phượng cứ nở hoài hoài như đếm tuổi

Bỗng chiều nay, một buổi chiều dữ dội

Ta nhận thấy mình đang lớn khôn...

Và thời ấy, bước một bước ra khỏi lòng mình là hòa vào đất nước. Chương "Ðất nước" trong trường ca "Mặt đường khát vọng" của anh Nguyễn Khoa Ðiềm không chỉ có sức khái quát cao mà còn chảy thấm hồn người như câu hát mẹ ru, như dòng suối mát, như cái kèo, cái cột của nhà ta sớm chiều chở che, ngồi tựa, là chính mỗi bước ta đi chập chững thành người, rồi thành tình yêu đôi lứa :

Ðất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Ðất nước là nơi ta hò hẹn,

Ðất nước là nơi em đánh rơi

chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm...

Trong anh và em hôm nay

Ðều có một phần đất nước

Khi hai đứa cầm tay

Ðất nước trong chúng ta hài hòa

nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Ðất nước vẹn toàn, to lớn...

Những câu thơ ấy đã trở thành một trong những tác phẩm hay nhất viết về đất nước.

Có thể nói, cuộc đời của Nguyễn Khoa Ðiềm, một nhà thơ kháng chiến, trước đây đã hài hòa, nồng thắm cùng đất nước. Ngày nay, dù mái tóc đã bạc, dù không còn phải gánh vác nhiều trách nhiệm xã hội thì cái con người thi sĩ trong anh lại một lần nữa bừng dậy và bản chất  người thi sĩ ấy, vẫn là hài hòa, nồng thắm cùng đất nước theo cách riêng của người thi sĩ, tức là ở nơi chân tơ kẽ tóc, trong tế bào, trong mỗi hơi thở hằng ngày.

Trở lại A Lưới, nơi có em Cu Tai, có những ngày kháng chiến, nhiều cái đổi thay nhưng máu hồng thì không thay đổi:

Em hát các ngày đau xót đó

Bây giờ dịu ngọt cứ như không

Tóc không xanh tóc ngày xưa nữa

Máu nóng trong tim máu vẫn hồng.

"Máu hồng" trước hết, trong nhân sinh quan của nhà thơ là trung hiếu. Ta thấy một Nguyễn Khoa Ðiềm nhất quán từ "Mặt đường khát vọng" thời tuổi trẻ đến lúc "túng tâm sở dục bất du củ", có thể dặn dò, nhắc nhở câu quan trọng nhất trong đạo làm người, khi là người Việt Nam:

Ông bà xưa người làm quan, làm dân, vong gia thất thổ

Dù  đói dù no, không ai làm giặc

"Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình"                     (Thăm mộ ông bà)

NÓI về tình yêu đất nước đối với một nhà thơ thì như là chưa nói về thơ, như nói về một điều quá giản đơn. Nhưng đó chính là điều giản đơn cội rễ. Nếu không có được điều này, có một cách sâu thẳm và nhất quán thì không thể thành một nhà thơ, với ý nghĩa đích thực của nó, thì còn gì để mà bàn về thơ ?

Nhưng thi sĩ không chỉ là người của một thời, chỉ thể hiện một cảm hứng. Ðộ lớn của họ được đo bằng sức phổ quát của những cảm hứng mang tính chất toàn nhân loại, trong khuôn cửa rộng thời gian.

Tập Cõi lặng của nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm, gồm 56 bài được viết trong thời gian từ 2001 đến tháng 6-2007. Ở một số bài chỉ dừng ở tâm trạng cụ thể, người thường; nhưng có một số bài đã vươn tới độ lớn mang tính phổ quát.

Có lẽ đến bây giờ chưa ai định nghĩa nhà thơ gọn, rõ và đúng như Pê-tô-phi:

          Tự do và ái tình

          Vì các ngươi ta sống

          Vì tình yêu lồng lộng

          Tôi xin hiến đời tôi

          Vì tự do muôn đời

          Tôi hy sinh tình ái...

Người thi sĩ vốn là một con người tự do. Mọi áo mũ cân đai, mọi lợi lộc đều không thắt buộc và giam hãm. Lấy trời đất làm nhà, lấy muôn năm làm chốn, lấy gió trăng làm bạn vốn là một phẩm chất trong nhiều phẩm chất. Trong Cõi lặng có mang cơn gió phóng túng mà tao nhã ấy:

Bây giờ gió gọi anh đi

Mặt trời đánh nhịp về tám hướng...

                             (Bây giờ là lúc)

Bởi thế, khi đọc thơ Ðỗ Mục, một nhà thơ tài hoa thời Vãn Ðường, ông nhận ra chân lý lịch sử trong chân lý thời đại, nhận thấy mình giữa mọi người, giữa cuộc đời rộng lớn:

Kích gãy, cát vùi tham vọng lớn

Ngàn năm xanh mãi một Trường

Giang

Chợt buồn nhẩm lại Dương Châu

mộng

Khuôn mặt thi nhân lặng trước đèn.

Thế đấy, nhiều bài học lịch sử, nhiều bài học làm người, từng được người xưa truyền lại rành rành, mà dễ mấy ai, mà đâu một chốc đã dễ dàng thấm thía !

CÕI lặng là một tập thơ làm phong phú thêm tiếng thơ Việt Nam hiện đại, tập thơ hoàn thiện hơn chân dung thơ của Nguyễn Khoa Ðiềm, làm cho ông gần gũi hơn đối với chúng ta, với cuộc sống vĩnh cửu. Bài Trong những buổi chiều ông viết:

Vì sao không thể yêu mến hơn ?

Vì sao không thể xanh tươi hơn ?

Vì sao không trong sạch hơn ?

Tôi cảm nhận trái tim yêu, trái tim thơ của ông đang đập ngược chiều sợi tóc để tơ non, trong trẻo với mùa xuân và cuộc đời.