Đọc sách: “Niên lịch miền gió cát”

Đọc sách: “Niên lịch miền gió cát”

NDO - Cuốn sách với hơn 250 trang, tràn ngập những câu chuyện dí dỏm, sâu sắc và đầy trắc ẩn về thiên nhiên sống động và minh triết - là tác phẩm có thể nằm trong ba-lô cùng độc giả trong một hành trình du lịch, làm việc.

Tác giả cuốn sách là Aldo Leopold (1887-1948), một nhà địa chất học, nhà triết học và nhà môi trường học người Mỹ. Tác phẩm “Niên lịch miền gió cát” kể trên của ông ra đời năm 1948 đã được Hiệp hội Nghiên cứu Tự nhiên Mỹ bầu chọn cùng với “Mùa xuân vắng lặng” của Rachel Carson là “2 cuốn sách đáng trân trọng và đáng chú ý nhất về chủ đề môi trường trong thế kỷ XX”.

Đến nay, ít nhất đã có hơn 2 triệu bản của “Niên lịch miền gió cát” được bạn đọc lựa chọn.


Theo bước chân nhà tự nhiên học

Aldo Leopold viết lời tựa cho cuốn sách này cách nay hơn 70 năm nhưng cứ như thể vẫn như đang nói với chúng ta hôm nay.

  • Phần I kể về những gì gia đình tôi thấy và làm trong những buổi cuối tuần đi trốn khỏi thế giới hiện đại ngột ngạt bủa vây, khi chúng tôi lánh tới “túp lều”. Trang trại trên miền gió cát này ở Wisconsin, mới đầu là một nơi xập xệ bị xã hội quên lãng, chúng tôi đã cố gắng xây dựng lại, với xẻng và cưa, những gì mà chúng tôi đã đánh mất ở nơi khác
  • Phần II, “Những phác họa đó đây”, hồi tưởng lại những trải nghiệm trong đời đã khiến tôi dần dần nhận ra một cách chua xót rằng xã hội của chúng ta đang ngày càng đi lệch quỹ đạo...
  • Phần III, “Buổi yến tiệc”, bày biện theo trình tự logic một vài ý tưởng mà nhóm thiểu số chúng tôi dùng để minh chứng cho ý kiến bất đồng của mình. Chỉ có những người đọc với sự đồng cảm sâu sắc mới muốn thử thách mình bằng những câu hỏi triết lý ở phần III. Tôi nghĩ rằng những bài viết trong phần này sẽ gợi dẫn cho chúng ta cách để đưa xã hội quay trở về quỹ đạo”.

Điều dễ chịu là độc giả có thể tiếp cận từ bất cứ chương nhỏ nào trong các phần của ông mà vẫn cảm nhận được không khí của cả cuộc thám du thiên nhiên.

Trong đó, riêng phần I “Niên lịch miền gió cát” được chia thành 12 chương với tên gọi tương ứng 12 tháng trong năm. Tháng Giêng là “Tháng tuyết tan”, Tháng Hai: “Gỗ sồi”, Tháng 3: “Bầy ngỗng trở về”, Tháng 4: “Mùa nước nổi”, “Hoa cải báo xuân”, “Cây sồi trắng”…

Bây giờ là tháng 7, có thể bắt đầu từ ngay chương Tháng 7 để xem nhà tự nhiên học nói gì với chúng ta.

Đọc sách: “Niên lịch miền gió cát” ảnh 1

Trong câu chuyện “Những của cải quý giá”, ông viết: “Dù có sổ sách hay không, vẫn tồn tại một sự thật hiển nhiên với cả tôi và chú chó của tôi, là khi bình minh hé rạng, thì tôi là chủ sở hữu độc nhất của mọi héc-ta đất đai mà tôi có thể đi qua… Những vùng trời chưa được lưu lại bằng văn kiện hay bản đồ này mở ra ngút tầm mắt trong buổi bình minh, và sự tĩnh mịch, tưởng như không còn tồn tại nơi hạt tôi ở, thì giờ đây bao trùm lên đất trời còn đọng sương đêm…”

Aldo Leopold đã hé lộ tiếp cho chúng ta việc một nhà khoa học làm việc như thế nào trên toàn bộ “sở hữu” thiên nhiên quý giá vốn không lệ thuộc gì vào giấy tờ nhà đất.

“Vào lúc 3 giờ 30 phút sáng, với tất cả vẻ đạo mạo mà tôi có thể trưng ra được vào một sáng tháng 7, tôi bước ra khỏi cửa chòi gỗ, trong tay là 2 vật biểu trưng cho chủ quyền tối cao của mình: 1 ấm cà phê và 1 cuốn sổ tay. Tôi ngồi xuống một băng ghế, mặt hướng về phía ánh sáng trắng của ngôi sao mai. Tôi đặt cái ấm bên cạnh mình. Tôi rút trong túi áo ngực ra một cái cốc… Sau đó, tôi lấy đồng hồ đeo tay ra, rót cà phê và đặt cuốn sổ lên đùi. Đây là ám hiệu bắt đầu các diễn văn tuyên bố chủ quyền”.

Và những buổi sớm tinh sương của nhà tự nhiên học đã mở ra biết bao bất ngờ về thế giới quanh ta, về sự giản dị cũng như bí ẩn của thiên nhiên mà con người có thể phải học hỏi suốt đời. Tất cả được tái hiện bằng một giọng văn tuyệt đẹp:

“Trên nền một hồ nước cổ xưa, lớp than bùn cứ thế bồi tích viết nên lịch sử khu đầm lầy, còn những con sếu thì vẫn đứng trên những trang sử sũng nước ấy tự ngàn xưa”.

Đọc sách: “Niên lịch miền gió cát” ảnh 2

“Trong lúc lớp phù sa này dần khô dưới ánh nắng, bầy sẻ cánh vàng tắm gội trong vũng nước trên bãi sông trong khi hươu nai, chim diệc, chim choi choi, gấu trúc Bắc Mỹ và các con rùa dệt những vết chân trên nền vải sa-tanh của bãi bồi.”

“Tôi chợt nhận ra rằng, trong khi tôi phải viết một bài thơ thì mới ca tụng được vẻ đẹp nơi đây, con chim dẽ chân vàng lại chỉ cần duyên dáng nhấc một chân lên là đã làm được điều đó”.

Ông nhân cách hóa các loài cầm điểu và muông thú trong rừng như thể nhắc nhở chúng ta về sự hiện hữu và chủ nhân thực sự của thiên nhiên. Đó là loài ngỗng với mạng lưới không vận quốc tế của chúng, là những ngọn thông biết “kể” những thông tin về thị trấn, những con sẻ đồng với giọng nam cao tuyên bố chủ quyền của mình, một con chuột hươu nhỏ bé có khả năng nhận biết về sự giàu có của thảo nguyên…

Aldo Leopold cứ thế khiến người đọc không dừng được việc liên tục theo bước chân ông để lắng nghe “sự thông thái ẩn trong sắp đặt của hoang dã”.


Quyết liệt và không khoan nhượng

Nhưng đâu chỉ có thơ mộng, đẹp đẽ, Aldo Leopold đầy quyết liệt và không khoan nhượng khi phô bày toàn bộ tình thế gay cấn của con người khi thiếu đi sự thấu hiểu và trân trọng với thế giới hoang dã. Mà sự hoang dã thì vĩ đại một cách thật giản dị, bởi nó là “chất liệu thô sơ mà con người đã dùng để rèn giũa nên tạo vật gọi là văn minh nhân loại”.

Đọc sách: “Niên lịch miền gió cát” ảnh 3

Ông soi chiếu vào tình thế này bằng rất nhiều góc độ. Đó là “Thẩm mỹ của bảo tồn” mà trong đó chỉ riêng câu chuyện của ngành giải trí ngoài trời cũng đầy những phân tích tỉnh táo, sắc sảo.

“Khi chúng ta nói đến đường sá, khu cắm trại, lối đi xuyên rừng, và nhà vệ sinh như những thành tựu của ngành công nghiệp giải trí, chúng ta đang đi ngược lại mong muốn tìm chốn riêng tư trong hoang dã”. Và “Việc phát triển ngành giải trí ngoài trời vì thế không đơn thuần là xây những con đường đến miền đồng quê thanh bình, mà quan trọng hơn là kiến tạo nhận thức trong đầu óc vẫn còn tù mù của nhân loại”.

Một chương khác, “Thiên nhiên trong văn hóa Mỹ”, ông đi từ những cái cụ thể để chỉ ra những cái toàn thể, gốc rễ.

“Không ai có thể cân đo, đong đếm được văn hóa”, ông nhấn mạnh, và có 3 nhóm giá trị văn hóa tồn tại trong các hoạt động trải nghiệm về với thiên nhiên của con người. Thứ nhất là, trải nghiệm có tính nhắc nhở về cội nguồn quốc gia và khuấy động nhận thức về lịch sử. Thứ hai là trải nghiệm nhắc nhở chúng ta về sự phụ thuộc của mình vào chuỗi thức ăn đất-cây-thú-người. Thứ ba là trải nghiệm giúp con người thực hiện những tiết chế mang tính đạo đức trước thiên nhiên.

Nhưng ông cảnh báo không phải bất cứ nền văn hóa nào cũng tìm kiếm được 3 loại dưỡng chất sẵn có cho cội rễ trong văn hóa thiên nhiên, bởi lẽ:

Đọc sách: “Niên lịch miền gió cát” ảnh 4

Tác giả cũng chẳng cực đoan khi thừa nhận không thể ngăn chặn 2 quá trình thay đổi đáng kể diễn ra trong thế giới loài người là “sự cạn kiệt của tính hoang dã trong những khu vực mà con người có thể sinh sống trên trái đất và sự lai tạo toàn cầu giữa các nền văn hóa thông qua giao thông và công nghiệp hóa”. Nhưng ông đặt câu hỏi:

Đọc sách: “Niên lịch miền gió cát” ảnh 5

Câu trả lời dường như cũng luôn quay về với thiên nhiên. Hãy “suy nghĩ như một ngọn núi” - nơi những mắt xích sinh tồn được gắn kết chặt chẽ. Một khi sự tùy tiện tiêu diệt một mắt xích thì sự sống của cả chuỗi sinh vật sẽ bị đe dọa. “Khi người chăn bò xóa sổ loài sói khỏi cánh đồng chăn thả, anh ta không nghĩ tới chuyện mình sẽ phải thay thế nhiệm vụ của bầy sói là giữ cho số lượng đàn bò cân xứng với khả năng cung cấp cỏ của cánh đồng. Anh ta chưa học được cách suy nghĩ như một ngọn núi”.

Hơn 250 trang sách là quá cô đọng với cả một câu chuyện lớn. Nhưng tác giả, nhà khoa học với ngòi bút đầy chất thơ đã bằng những hiện hữu để chỉ ra một lay động vô hình. Đó là sự biến mất của thiên nhiên, muôn loài có thể không chỉ nằm trong cái gọi là “hữu khả cảm”, mà còn là “bất khả cảm”. Nó vượt xa hơn, sâu sắc hơn cái ta có thể nhìn thấy.

back to top