Đọc sách: “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ”

Đọc sách: “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ”

NDO - Như một cách nói ẩn dụ và trực diện, dòng Mekong hùng vĩ chảy trong tác phẩm của Brian Eyler (Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson tại Washington, DC) là một thực thể sống động, đầy suy tư.

“Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” (NXB Phụ nữ và Phanbook” ấn hành, được nhiều người đọc ưa trải nghiệm và người làm nghiên cứu phải lưu tâm, kể từ khi tác phẩm ra đời năm 2019. Bởi lẽ câu chuyện vượt lên những chiều kích địa lý của một dòng sông vĩ đại trải hơn 4.300km, chạy qua hay tạo thành đường biên giới của Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Một câu chuyện chung cho người khám phá và giới hàn lâm

Sông không chỉ gợi về cái nôi văn minh nhân loại mà vốn là một hấp lực tự nhiên với loài người. Kể về sông như kể về nguồn sống-vừa hoang dã, mạnh mẽ vừa âm thầm, bất lực trước sự tác động ghê gớm của con người.

Brian Eyler có chất giọng của một nhà khảo cứu điềm đạm mà khúc chiết, cuốn hút. Ông dẫn người đọc đi từ thượng nguồn đến hạ lưu của Mekong với trái tim của một người lắng nghe, quan sát. Cùng tác giả, người đọc bước đi dài hơn khỏi vùng không gian địa lý để chạm tới những tha thiết sống còn của vấn đề di cư, của biến đổi khí hậu, của du lịch, của quản lý tài nguyên thiên nhiên và văn hóa với trọng tâm là nước, đầm lầy, rừng…

Đó là “Vũ Băng: Thiên đường hạ giới cuối cùng”, “Tộc Akha-người Zomia hiện đại”, “Tam giác vàng đang thay đổi”, “Hồ Tonle Sap”, “Tương lai đồng bằng sông Cửu Long”…

Brian Eyler kể chuyện với “sự thấu hiểu thế lưỡng nan trong phát triển” của các quốc gia mà dòng Mekong bồi đắp. Chính vì thế mọi diễn giải của ông trở nên sâu sắc và mời gọi sự lắng nghe, suy tư của người đọc.

Thiên phóng sự của tác giả đã chỉ ra việc xây đập ngăn sông ồ ạt dưới áp lực của kinh tế. Khi đó “Dòng sông không còn là sông nữa mà là một loạt hồ chứa”.

Đọc sách: “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” ảnh 1

Và hệ quả thì vô cùng đa đạng: Biến động mực nước sông khiến một loại cỏ sông ở Thái Lan tên là klainam không còn. Không có klainam, cá không có thức ăn cần thiết, mất nơi trú ẩn và sinh sản nơi bộ rễ của cỏ. Nước sông dâng cao đột ngột còn khiến hoa màu mùa khô của người dân trôi theo dòng…

Còn vào năm 2005, có một sự kiện là nhóm ngư dân Thái Lan đã đánh bắt được con cá trê Mekong khổng lồ nặng 293kg, dài 2,7m. Song ít ai biết rằng kể từ năm 2000, quần thể của loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới này đã giảm 80% và được xem là loài cực kỳ nguy cấp.

Brian Eyler cũng rong ruổi với các nhà khoa học ở đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam – nước xa nhất phía hạ nguồn sông Mekong, để chỉ ra điểm nóng toàn cầu về dịch chuyển dân số tiềm năng – một biến động tất yếu của thâm canh quá mức dẫn đến môi trường bị đẩy đến cùng cực. Thí dụ như việc nuôi tôm ồ ạt khiến rừng đước bị chặt sạch làm ao nuôi. Mất rừng đước là mất tấm áo bảo vệ bờ biển, bờ sông trước những cơn bão và nước dâng do bão. Chưa kể, nhiều loài động vật có vú, chim và bò sát thường làm tổ ở những phần cây rậm trên mặt nước; cá và các loài thủy sinh khác tìm thấy môi trường sống và dinh dưỡng trong hệ thống rễ chìm dưới nước… cũng lao đao vì rừng đước mất dần.

Là người trực tiếp dẫn nhiều đoàn tham quan học tập trên khắp khu vực sông Mekong, Brian Eyler có lợi thế sống trải về suốt một dải sự sống gắn liền với con sông. Và ông luôn tìm kiếm những mối gắn kết giữa thực thể này với hơn 60 triệu người sống trong lưu vực sông Mekong. Để cuối cùng, nỗ lực tìm kiếm những giải pháp từ ngay chính cộng đồng.

Ông viết: “Sự hào phóng của dòng sông là điều làm nó vĩ đại, và địa lý cùng sản vật tự nhiên của nó mang lại những trải nghiệm sống không nơi nào trên thế giới có được”.

Đọc sách: “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” ảnh 2

Nhưng điều quan trọng là “Trong bối cảnh đó, không nghi ngờ gì nữa, các con đập, các tuyến đường sắt và đường cao tốc mới, và hệ thống mang lại kiểu phát triển mới này cho lưu vực sông Mekong sẽ làm thay đổi hẳn môi trường văn hóa và sự phong phú sinh thái vẫn còn được thấy trong những ngày cuối này của dòng Mekong hùng vĩ, nếu chúng ta không nhanh bắt tay hành động”.

Sách của Brian Eyler đã cho thấy ông làm được như ông mong muốn: “Tôi cố gắng tìm hiểu lịch sử và văn hóa địa phương các nơi được nói đến trong sách, chú ý đến thực phẩm và các địa điểm quan trọng làm nổi bật các kho báu độc đáo của sông Mekong, và tìm hiểu các kho báu này đang gặp nguy thế nào”.


Ẩn trong truyền thống những triết lý bảo tồn

Không chỉ lý giải nguồn cơn sự tàn phá do đánh bắt quá mức, tác động của các con đập thượng nguồn, chính sách về dân cư, du lịch…, ông mang đến cho người đọc câu chuyện những mô hình bảo tồn của cộng đồng.

“Người dân Chiang Khong ở Thái Lan đã lập các khu bảo tồn cá ở những khu vực được cho là nơi sinh sản của cá. Họ cũng xây ao nuôi các loài cá bản địa để thả ra sông và bán ra thị trường. Các làng trong mạng lưới cộng đồng đồng ý đặt giới hạn về độ lớn của cá được phép đánh bắt, xác định loại cá nào bị cấm đánh bắt và thời điểm bắt đầu và kết thúc mùa đánh bắt cá…”. Họ biết giữ gìn những không gian sinh hoạt công cộng, từ đó dễ dàng kết nối cá nhân với thiên nhiên, giữa người tiêu dùng với “hệ thống siêu thị rừng, sông và đầm lầy” quý giá.

Đọc sách: “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” ảnh 3

Qua câu chuyện của người dân, Brian Eyler chỉ ra sự kết hợp kiến thức truyền thống với công tác bảo tồn. Và triết lý bản địa về sự khai thác bền vững ở nhiều vùng đất đáng để cho chúng ta phải suy nghĩ.

“Văn hóa người Akha mô tả các khu rừng ngoài làng là vùng đất của những linh hồn tự do rong ruổi và những con vật hoang dã mạnh mẽ do những linh hồn đó làm chủ. Người Akha chỉ có thể tiếp cận không gian đó để săn những loài thú hoang “an toàn” và có nhiều như lợn rừng, hươu và gấu. Chỉ thấy thôi, chưa nói đến chuyện giết, các động vật hoang dã quý hiếm như trâu rừng, báo hay tê giác, là người đó và gia đình sẽ gặp bất hạnh lớn…”.

Đọc sách: “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” ảnh 4

Mỗi nơi đi qua, Brian Eyler đều tìm kiếm các mô hình, trả lời cho câu hỏi về sự tồn tại của hệ sinh thái sông Mekong. Ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là câu chuyện của GS Dương Văn Ni và học trò của ông là PGS Nguyễn Minh Quang (người lớn lên ở rừng U Minh). Đó là quá trình chuyển đổi sản xuất lúa gạo sang các hoạt động khác có khả năng chống chịu được biến đổi khí hậu và có mức thu nhập tương đối cao hơn, hay mô hình đa canh rừng ngập mặn…

Có thể nói, toàn cầu hóa đã đến tận cửa nhà với nhiều thách thức về kinh tế, xã hội. Những dự báo của các nhà khoa học, chuyên gia… về tương lai thảm khốc cho hệ thống sông và những người dựa vào tài nguyên sông đã hiện hữu trong đời sống và thúc giục mạnh mẽ việc tìm ra các phương án thay thế để tránh cú sốc đó.

Brian Eyler nhắc lại lời GS Dương Văn Ni rằng:

Dòng sông tự nó không có thượng hay hạ Mekong. Cả hệ thống này là một… Nếu chúng ta muốn bảo tồn dòng Mekong hùng vĩ này, chúng ta phải nhìn vào tất cả các phần của dòng sông vốn được kết nối thành một hệ thống

Đọc sách: “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” ảnh 5

Vẫn nghe những sóng ngầm dữ dội và trầm tích dòng Mekong dội vào tiềm thức từ hơn 400 trang sách của Brian Eyler.

back to top