Ðọc sách: Nguyễn Khắc Phi tuyển tập

GS.NSƯT Nguyễn Khắc Phi.
GS.NSƯT Nguyễn Khắc Phi.

GS.Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Khắc Phi sinh ngày 2-5-1934 tại xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh trong gia đình một nhà nho đại khoa. Anh trai của ông là bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện.

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn ÐHSP Hà Nội năm 1957, ông được giữ lại trường, là giảng viên của các Trường ÐH Tổng hợp, ÐH Sư phạm Hà Nội, ÐH Sư phạm Vinh từ đó đến năm 1999, trước khi chuyển sang Nhà xuất bản Giáo dục.

Trải qua những chức vụ quản lý như Phó chủ nhiệm Khoa Văn ÐHSP Hà Nội, ÐHSP Vinh, Tổng biên tập NXB Giáo dục đồng thời trọn đời ông vẫn là một người thầy đứng lớp, đào tạo nghiên cứu sinh với tấm lòng dạy người không biết mệt.

Ðóng góp về mặt khoa học mà từ nhiều năm nay, được tuyển tập thể hiện, theo tôi, của GS Nguyễn Khắc Phi là ở trên hai bình diện chính:

Một là, ông là một trong những người đi đầu trong văn học so sánh về mặt lý luận. GS Phương Lựu trong cuốn Từ văn học so sánh đến thi học so sánh khẳng định: "Lý thuyết văn học so sánh văn học vào Việt Nam có phần chậm, nhưng hoàn toàn không phải được mở đầu bằng Văn học so sánh ở Hungari của S.Lazlo (Tạp chí Văn học, số 3-1979) như có ý kiến đã khẳng định. Trước đó mười năm đã có bài Nghiên cứu văn học so sánh của Nguyễn Khắc Phi (Thông báo khoa học, ÐHSP Vinh, số đặc biệt năm 1969) và tiếp theo là Về việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các nền văn học của Nguyễn Ðức Nam (Tạp chí Văn học, số 2-1972).

Ngoài bài viết trên Thông báo khoa học của ÐHSP Vinh, sau này Nguyễn Khắc Phi còn có những công trình dày dặn hơn về vấn đề này như Văn học so sánh - những bước đi đầu tiên và đáng quý của văn học so sánh Pháp; Về việc vận dụng phương pháp so sánh loại hình trong nghiên cứu văn học ở Liên Xô...

Tại sao lại Nguyễn Khắc Phi chứ không phải là một ai khác ? Là vì, trong khi làm lịch sử văn học, vào thời điểm trước và vào đầu những năm bảy mươi, ông vừa có kiến thức cụ thể chắc chắn về văn học Việt Nam, văn học Trung Quốc, văn học Nga và văn học phương Tây, vừa đã từng làm thao tác so sánh trong khi giảng dạy và nghiên cứu. Với vốn ngoại ngữ phong phú, ông sớm đọc và tiếp thu tinh hoa lý luận nước ngoài, lúc đó chưa được dịch rộng rãi ra tiếng Việt.

Những nghiên cứu, tiếp thu và áp dụng vào thực tiễn nghiên cứu văn học trong các trung tâm văn học thời đó như ÐHTH, ÐHSP Hà Nội, Viện Văn học về loại hình học, về so sánh, về chủ nghĩa cấu trúc... đã góp phần thúc đẩy đổi mới tư duy lý luận văn học trước cả ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Hai là, tuy được đánh giá là một trong những người có công xây dựng bộ môn văn học Trung Quốc ở ÐHSP Vinh và ÐHSP Hà Nội và là một chuyên gia hàng đầu, nhưng ông vẫn dành mối quan tâm lớn và có nhiều thành tựu trong nghiên cứu văn học dân tộc. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh; về các tác phẩm Chinh phụ ngâm (Ðặng Trần Côn - Ðoàn Thị Ðiểm), Cảm hoài (Ðặng Dung)...

Dù là nghiên cứu về một tác phẩm, tác giả hay một chữ như chữ đàn trong câu thơ Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo, ông đều có ý thức về việc đạt đến sự tận cùng của vấn đề.

Các công trình của GS Nguyễn Khắc Phi luôn cuốn hút bạn đọc trên nhiều phương diện. PGS.TS Vũ Thanh (Viện Văn học) nhận định: "Ðọc Nguyễn Khắc Phi, độc giả có hứng thú được thưởng thức những bài viết của một người hay chữ mà sự uyên bác hiện lên sau mỗi trang viết, hứng thú được cùng tác giả tìm tòi, suy ngẫm và học được từ đó nhiều điều bổ ích".