Nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện đã viết cuốn sách "Việt Nam, một thiên lịch sử" bằng tiếng Pháp. Nhà xuất bản Ngoại văn - Hà Nội in lần đầu năm 1987 và Nhà xuất bản Thế giới tái bản vào năm 2000. Cuốn sách được đông đảo bạn đọc tiếng Pháp rất hoan nghênh, được giải thưởng Nhà nước năm 2000.
Lịch sử Việt Nam trải qua nhiều nghìn năm, có rất nhiều sự kiện phong phú, phức tạp, đa dạng, phải viết nhiều vạn trang sách vẫn chưa thể gọi là đầy đủ được. Tuy nhiên, chỉ gói gọn trong 500 trang, viết rất súc tích, ngắn gọn, sáng rõ, tư liệu chính xác, phân tích sự kiện trên cơ sở khoa học, tác giả đã giúp người đọc nhìn một cách tổng quát về lịch sử Việt Nam, đồng thời hiểu rõ những sự kiện trọng đại và rất nhiều việc cụ thể quan trọng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, từ thời các vua Hùng cho đến những năm cuối thế kỷ 20.
Ðối tượng nhằm đầu tiên là người nước ngoài muốn nghiên cứu lịch sử Việt Nam, chủ yếu là thời cận đại và hiện đại, cho nên tác giả đã dành hơn hai phần ba cuốn sách để trình bày về thời Tây Sơn, nhà Nguyễn, và đặc biệt là về nước Việt Nam ngày nay. Tác giả đã phân tích lịch sử một cách sắc bén, trông cả rừng mà vẫn chủ ý đến từng cây, tôn trọng sự thật khách quan, không né tránh những vấn đề còn tranh cãi, có những đánh giá dứt khoát, bảo vệ chân lý, chính nghĩa, lẽ phải, có tính chiến đấu cao.
Thí dụ như về Tây Sơn, Nguyễn Huệ, tác giả viết: "Nhờ những chiến thắng lớn do có thiên tài Nguyễn Huệ, tình trạng chia cắt bắc nam được xóa bỏ, các cuộc xâm lược của quân Xiêm và quân Thanh bị đẩy lùi. Thế nhưng cái gia tài một đất nước thống nhất và độc lập có chủ quyền, sau cái chết của vị anh hùng lại rơi vào tay địch thủ của ông ta là Nguyễn Ánh...". Tác giả đánh giá "Gia Long đã thiết lập một chế độ quân chủ độc đoán với bộ máy quan lại được tuyển lựa bằng thi cử, chọn đạo Khổng làm quốc giáo với những quy chế bảo thủ và hình thức chủ nghĩa nhất". Nói về thủ đoạn xâm lược của đế quốc Pháp và sự nhu nhược của triều đình Huế, tác giả viết: "Pháp lấn tới, triều đình nhân nhượng ký hiệp ước, địch vi phạm hiệp ước, xâm lược, triều đình lại nhân nhượng, lại có hiệp ước mới, rồi lại vi phạm mới, chinh phục mới, cứ thế, kịch bản diễn đi diễn lại nhiều lần cho đến khi đất nước bị thôn tính hoàn toàn... Sự đào nhiệm của một chế độ quân chủ bị tê liệt vì bộ máy quan liêu quan lại và hệ ý thức Khổng giáo đã tước đi khả năng hành động thống nhất trên quy mô cả nước của phong trào kháng chiến...".
Về chính phủ Trần Trọng Kim do phát-xít Nhật lập ra sau ngày đảo chính Pháp 19-3-1945, tác giả viết: "Chính phủ Trần Trọng Kim tỏ ra bất lực hoàn toàn trong việc giải quyết những vấn đề lúc đó: nạn đói tiếp tục hoành hành, không một thể chế mới nào được ban hành, việc ân xá tù chính trị không được áp dụng cho những người "cộng sản", tức là 9/10 số người bị giam giữ lúc đó. Một sắc lệnh ký ngày 13-6-1945 phạt tội tử hình những ai tấn công vào các đường giao thông, các kho gạo, kho hàng hóa, cấm chỉ mọi cuộc tụ họp trên mười người, một sắc lệnh ký ngày 15-7 cấm các công đoàn hoạt động chính trị. Chính phủ Trần Trọng Kim tự vạch mặt, đơn giản họ chỉ là tay sai của người Nhật".
Về cuộc đấu tranh giành độc lập, làm nên Cách mạng Tháng Tám, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ thắng lợi, tác giả đã có những trang viết rất sinh động, đưa ra nhiều dẫn chứng rất thuyết phục, có nhiều tư liệu còn ít người biết đến, nói lên những chủ trương đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam anh hùng được phát huy tối đa dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Tác giả đấu tranh thẳng thắn với ý kiến cho rằng cuộc tái thống nhất về chính trị và hành chính sau khi nước nhà hoàn toàn giải phóng đầu năm 1975 "có lẽ là quá sớm, thậm chí là bị áp đặt, bắt buộc".
Tác giả viết: "Nghĩ như thế là hoàn toàn không hiểu những nguyện vọng sâu xa của nhân dân Việt Nam nói chung, không hiểu sự đồng thuận của toàn dân dựa trên hai yêu cầu cơ bản là độc lập dân tộc và hòa bình. Những yêu cầu đó chỉ được thỏa mãn khi tất cả các lực lượng vũ trang nước ngoài rút đi".
Tác giả cũng không ngần ngại nói lên những khiếm khuyết điểm, trong một số chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Ðiều quan trọng là tìm ra nguyên nhân để khắc phục.
Ðể bạn đọc rộng đường tham khảo và thưởng thức văn phong Pháp ngữ của Nguyễn Khắc Viện, riêng bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, sách đã đăng nguyên văn bản tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện bên cạnh bản tiếng Việt của Bùi Kỷ.
Nguyễn Khắc Viện là nhà văn hóa uyên bác đã có nhiều tác phẩm đồ sộ và dịch thuật nổi tiếng, được nhiều giải thưởng lớn trong nước và thế giới. Cuốn "Việt Nam một thiên lịch sử" của ông được dịch sang tiếng Việt và xuất bản trong dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh năm nay là thêm một đóng góp thiết thực, quý giá giúp người đọc hiểu lịch sử nước nhà qua một cây bút viết sử sắc sảo, tinh tế, sinh động.