Văn hóa - Dân tộc

Ðộc đáo "Tết té nước" của người Lào huyện Ðiện Biên

Lễ Bun huột nặm (Tết té nước) là tết truyền thống của dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên (Ðiện Biên), được tổ chức vào khoảng thời gian từ ngày 13 đến 15-4 theo Phật lịch hằng năm, với ý nghĩa đón mừng năm mới.

Tết té nước của người dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên (Ðiện Biên).
Tết té nước của người dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên (Ðiện Biên).

Bun huột nặm có ý nghĩa là để tẩy rửa "môn thín" (những điều xui xẻo) gặp phải trong năm cũ. Trong lễ hội, người dân té nước cho nhau với mong muốn người được té nước năm tới sẽ gặp nhiều điều tốt lành. Ngoài ra, Lễ hội Té nước chính là mong muốn tống tiễn mùa khô, cầu mong mùa mưa trở lại để người dân bắt đầu vụ gieo trồng mới.

Trải qua thời gian, trước những đổi thay của đất nước, Bun huột nặm vẫn giữ nguyên giá trị là một lễ hội có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Lào. Ðó là những nét đặc sắc trong văn hóa được thể hiện qua mỗi nghi lễ mang đậm hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc thù và tính cộng đồng cao. Tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian hai ngày, nhưng từ lễ căm bản, lễ cúng tổ tiên đến lễ cầu mưa, đều thu hút đông đảo người dân và du khách.

Tham gia vào Bun huột nặm, bất cứ ai cũng sẽ được sống lại những nghi thức truyền thống của người Lào tại Na Sang. Từ nghi thức trong lễ căm bản với những vật hiến sinh như gà, lợn… đến chuẩn bị chín mâm lễ đặt vào chín ngăn trong miếu thờ để cúng tế thần linh có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người Lào tại Na Sang 1. Sau lễ cúng, mọi người quây quần bên nhau, vui vẻ ăn uống và chúc nhau những điều tốt đẹp.

Sau lễ căm bản đến lễ châu xửa (lễ đổi tên). Ðây là nghi thức để người Lào tại Na Sang 1 đoạn tuyệt với tên do ông bà cha mẹ đặt để lấy theo một tên chung là Sen Khăm, Tạo, Kẻo nhằm đánh dấu sự trưởng thành của mỗi cá nhân trong cộng đồng người Lào. Sau lễ căm bản, châu xửa, người Lào tổ chức Lễ Bun huột nặm. Trong ngày này, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm gồm: Gà, bánh tráng, hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá, chè… dâng thắp hương tổ tiên, mời các đời tổ tiên từ quê cũ về ăn tết, sau đó đến nhà nhau chúc tết và té nước...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên vào danh sách bảy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần được bảo vệ. Ðây cũng là niềm vui và trách nhiệm của người Lào ở xã Na Sang 1 nói riêng và tỉnh Ðiện Biên nói chung trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng.