Nghi thức lễ cúng Trăng mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, thể hiện tình cảm của con người đối với thiên nhiên, là dịp chúc nhau sức khỏe dồi dào, cầu mưa thuận, gió hòa để năm sau mùa màng tốt tươi.
Theo vị Acha (chủ lễ), cách trang trí bàn cúng mang ý nghĩa tâm linh của đồng bào Khmer. Hai cây trụ làm cổng tượng trưng cho vũ trụ, cái bàn là Trái đất, hai cây mía thể hiện sự sinh sôi nảy nở, 12 lá trầu tượng trưng 12 tháng trong năm, bảy trái cau tượng trưng bảy ngày trong tuần và 30 lá trầu tượng trưng cho một tháng. Vật cúng chính là cốm dẹp đầu mùa được làm từ nếp mới thu hoạch. Vật cúng phụ gồm các loại khoai, dừa, chuối và một số loại bánh, kẹo. Những sản vật trên được bày ra là để cúng dâng và tưởng nhớ công ơn thần mặt Trăng, được người Khmer xem là vị thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, giúp cho người dân được làm ăn khá giả, sung túc trong năm.
Phần lễ cúng Trăng được thể hiện trang nghiêm, mọi người ngồi chắp tay quay mặt về bàn lễ. Khi trăng lên cao, mặt trăng tỏa sáng, mọi người sẽ thắp hương, đốt đèn làm lễ. Vị Acha bắt đầu nghi thức lễ và thỉnh các vị sư đọc kinh cầu phúc. Trong tiếng kinh cầu, mọi người lắng lòng, thành tâm biết ơn nhà nông đã làm ra lương thực và cảm tạ thần mặt trăng. Sau đó là nghi thức đút cốm dẹp. Người cao tuổi sẽ đút từng miếng cốm vào miệng các em nhỏ kèm theo những câu hỏi về ước mong, hoài bão và cầu chúc lời ước thành hiện thực. Kết thúc nghi lễ đút cốm, mâm cúng được dọn xuống, mọi người quây quần cùng nhau thưởng thức các vật lễ đã cúng và xem trình diễn nhạc ngũ âm, múa hát mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer.
Việc khôi phục lễ cúng Trăng truyền thống không chỉ bảo tồn nét văn hóa dân tộc mà còn góp phần quan trọng phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lý cho biết: “Lễ cúng Trăng trong khuôn khổ lễ hội Oóc Om Bóc không chỉ bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành điểm nhấn văn hóa du lịch của địa phương để thu hút du khách đến với Sóc Trăng”.