Độc đáo Lễ hội Bàn Vương

Tục thờ Bàn Vương và Lễ hội Bàn Vương là một lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao ở huyện Ba Chẽ nói riêng và người Dao ở Quảng Ninh nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ cúng Bàn Vương được các thầy mo thực hiện trang trọng và đầy đủ các nghi lễ.
Lễ cúng Bàn Vương được các thầy mo thực hiện trang trọng và đầy đủ các nghi lễ.

Lễ cúng Bàn Vương là nghi lễ mang đậm tính nhân văn và luôn hướng con người nhớ về nguồn cội của dân tộc mình. Nghi lễ còn là sợi dây liên kết cộng đồng, dòng họ, làng bản ngày càng đoàn kết, bền chặt cùng nhau xây dựng quê hương.

Theo truyền thuyết, Bàn Vương là người có công lao to lớn giết được Cao Vương cho nên được vua Bình Vương trọng thưởng và gả công chúa cho. Vợ chồng Bàn Vương sinh được 12 người con gồm sáu con trai và sáu con gái, đều được vua Bình Vương ban sắc thành 12 họ. Bàn Vương là người luôn giữ nếp sống giản dị, dạy người Dao cách trồng lúa, dệt vải… Sau khi Bàn Vương qua đời, bao đời nay, người Dao vẫn tưởng nhớ và coi ông là thủy tổ của các dòng họ người Dao. Trong các ngày lễ, Tết, cấp sắc, đồng bào người Dao đều thành kính cúng Bàn Vương.

Lễ hội Bàn Vương được lưu truyền qua nhiều năm nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách những đặc trưng văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng của dân tộc Dao trên địa bàn huyện Ba Chẽ, nhất là việc tái hiện lại một số nghi lễ quan trọng như hành trình “Vượt biển” của 12 dòng họ người Dao trên 12 con thuyền đến vùng đất mới để lập nghiệp; dâng các lễ vật, cây đặc sản lên cúng ông tổ Bàn Vương tại Miếu Bàn Vương và một số nghi lễ tiêu biểu của dân tộc Dao cầu cho mưa thuận gió hòa, hoa màu tươi tốt, cho con cháu ấm no, hạnh phúc.

Lễ cúng Bàn Vương được các thầy mo thực hiện một cách trang trọng và đầy đủ các bước. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn, hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội và luôn được trấn an về mặt tâm linh bởi bên cạnh mình đã có ông tổ Bàn Vương linh thiêng phù hộ, độ trì. Nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản, cầu mong cho con cháu người Dao mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Chị Lý Thị Trang ở xã Nam Sơn cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì Lễ hội Bàn Vương là hoạt động văn hóa lớn nhất của dân tộc Dao. Trước lễ hội, chúng tôi đã tích cực tập luyện văn nghệ, nhất là tham gia chuẩn bị các mâm lễ để dâng lên ông tổ Bàn Vương, cầu cho sức khỏe, mùa màng tươi tốt, bội thu. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Trong Lễ hội Bàn Vương, đáng chú ý nhất là nghi lễ nhảy lửa, đây là hoạt động mang đậm bản sắc truyền thống, giá trị văn hóa tâm linh của đồng bào Dao. Theo quan niệm của người Dao, ngọn lửa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt và văn hóa tâm linh. Lửa được coi là vị thần giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật, mang lại sự ấm áp và cuộc sống no đủ, thịnh vượng.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Sơn Phạm Văn Đăng khẳng định: Thông qua lễ hội nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Dao tới du khách thập phương; đồng thời tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc; động viên, khích lệ các nghệ nhân, đồng bào các dân tộc huyện Ba Chẽ tiếp tục nâng cao ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm, thu hút khách du lịch đến với huyện Ba Chẽ.

Những năm qua, huyện Ba Chẽ đã nỗ lực gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của các tộc người, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

Lễ hội Bàn Vương nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng; đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch thông qua truyền thống văn hóa và nét đẹp trong trang phục, nghi lễ tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc thiểu số của huyện Ba Chẽ nói chung.