Độc đáo hương vị cà-phê mắm

Vị mặn của nước mắm truyền thống và vị đắng thanh của cà-phê tưởng chừng chẳng thể hoà hợp; tuy nhiên, nước mắm Nam Ô đã trở thành hương vị phối trộn, tăng thêm nét thú vị cho tách cà-phê. Anh Bùi Thanh Phú, chủ cơ sở nước mắm Hương Làng Cổ (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) là “cha đẻ” thức uống độc đáo này.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách nước ngoài thưởng thức vị cà-phê mắm Nam Ô. (Ảnh NVCC)
Du khách nước ngoài thưởng thức vị cà-phê mắm Nam Ô. (Ảnh NVCC)

KHI HAI VỊ MẶN-ĐẮNG HÒA QUYỆN

Nước mắm Nam Ô được người làng ủ chượp theo cách truyền thống trong lu sành với độ đạm 30 độ. Thời gian qua, nhận thấy trên thị trường có các sản phẩm cà-phê muối thu hút nhiều khách hàng, anh Phú quyết định thử nghiệm đưa mắm Nam Ô vào thức uống này.

Bản thân vị mắm nguyên chất có mùi hương thơm nồng, khi cho vào cà-phê giúp cân bằng độ chua thanh của món uống. Trải qua ba tháng thử nghiệm với nhiều tỷ lệ pha chế, tách cà-phê mắm đạt chuẩn của anh đã ra đời.

“Thành phố Đà Nẵng thường tổ chức nhiều sự kiện lễ hội quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, tôi chưa thấy có sản phẩm nào mang đặc trưng ẩm thực của Đà Nẵng được lồng ghép vào các sự kiện đó.

Mặt khác, gia đình tôi đang sản xuất nước mắm, các đoàn khách đến xem và trải nghiệm câu chuyện làng nghề chỉ trong thời gian ngắn cho nên khi được thưởng thức tách cà-phê chứa một chút vị mặn, du khách càng dễ hình dung, ấn tượng hơn về câu chuyện văn hóa của nước mắm Nam Ô, và sản phẩm cà-phê mắm chính là phương tiện kết nối mọi người với nhau”, anh Phú cho biết.

Theo đó, nước mắm nhĩ được cô đặc bằng nhiệt độ cao, khi giọt mắm sánh lại, sấy khô là bước cuối cùng để từng hạt mắm tách rời nhau ở dạng bột li ti. Yếu tố quan trọng để cho ra tách cà-phê mắm đạt chuẩn là khi cô đặc mắm nhĩ sẽ không sử dụng thêm các phụ phẩm khác.

Giai đoạn thử nghiệm đã cho ra kết quả như mong đợi. Hiện tại anh Phú đặt mua một số máy chuyên dụng dùng để sấy nước mắm nhằm tăng sản lượng bột mắm, đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường trong tương lai.

Sinh ra và lớn lên cùng với nghề làm nước mắm, anh Phú luôn dành sự trân trọng đặc biệt cho nghề truyền thống của cha ông để lại. Có những giai đoạn con cá, lu mắm đã giúp dân làng Nam Ô sống tốt về cả vật chất lẫn tinh thần. Dẫu vậy, thực tế xã hội hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho sự tồn tại của sản phẩm nước mắm truyền thống.

NHỚ MÃI KHÔNG QUÊN...

Khi làm về các làng nghề, cụ thể là ẩm thực thì không cần "đi" quá nhanh. Qua mỗi ngày, sự thay đổi, sáng tạo trong sản phẩm là cần thiết để nghề xưa sống trong lòng người dân.

Đó là quan điểm xuyên suốt của anh Bùi Thanh Phú khi quyết tâm gắn bó với nước mắm Nam Ô. Khi du khách vừa đặt chân đến thành phố Đà Nẵng sẽ nhớ đến làng Nam Ô vì chính tại đây đã cho ra đời loại cà-phê có một chút vị mặn của biển, hương vị của cá cơm, muối mặn. Giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất được gói gọn chỉ trong tách cà-phê như sợi dây gắn kết khách thập phương với dân làng.

Mới đây, chương trình Một ngày trải nghiệm làm cà-phê mắm dành cho các bạn trẻ làm sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đã được gia đình anh Phú tổ chức.

Từ 5 giờ sáng, các TikToker tập trung đi mua nguyên liệu cá mới vào bờ, thực hành ủ cá trong lu, tách nước mắm để chuẩn bị chế biến cô đặc thành dạng bột. Hiện tại, anh Phú đang sử dụng loại cà-phê trồng ở vùng đất Khe Sanh (Quảng Trị). Thời gian tới, ông chủ cơ sở nước mắm Hương Làng Cổ dự tính tìm đúng loại cà-phê mang thương hiệu của Đà Nẵng nhằm hoàn thiện câu chuyện thức uống đặc trưng cho thành phố.

Không gian giao lưu văn hóa, sáng tạo ngay tại làng nghề qua góc nhìn của những bạn trẻ là bước đi phù hợp trong xu hướng ẩm thực hiện nay. Thông qua những trải nghiệm thưởng thức cà-phê mắm, thương hiệu từ địa phương Nam Ô dần được lớp trẻ tìm đến.

Cùng với đó, tính sáng tạo văn hóa ẩm thực ở Nam Ô sẽ thúc đẩy các bạn trẻ tìm lại câu chuyện truyền thống của quê hương nơi mình sinh sống, phát triển đột phá hơn các giá trị vốn có. Vòng tròn lợi ích kinh tế của người dân được khép kín ngay trên chính tiềm năng, lợi thế của làng nghề đang tồn tại.

Đứng trước thực tế hiện nay của làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô, anh Phú nhận thấy, tỷ suất lợi nhuận từ sản xuất sản phẩm rất thấp. Việc đầu tư mở rộng diện tích nhà xưởng, nơi sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

“Hướng tới mục tiêu để làng nghề ngày càng phát triển thì trong thời gian tới có thể tạo thêm những không gian trình diễn nghề kết hợp du lịch làng nghề. Bài toán giữa không gian trình diễn với nơi sản xuất cần rõ ràng, không thể dồn tại một điểm”, anh Phú nhìn nhận.