Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San hiện là bảo tàng tư nhân đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật, nhất là hội họa. Nằm trong khuôn viên hơn 2.000 m2, bảo tàng có ba tầng, được thiết kế và bày trí vô cùng ấn tượng nhằm thể hiện rõ nhất những nét nổi bật trong suốt hành trình phát triển của nghệ thuật hội họa Việt Nam.
"Để có bộ sưu tập tranh này, chúng tôi dành nhiều thời gian tìm kiếm, đến nhà từng họa sĩ nổi tiếng, đi đấu giá tranh tại nước ngoài. Ban đầu, sưu tầm là cho bản thân nhưng khi bộ sưu tập ngày càng lớn, chúng tôi nghĩ nếu cứ giữ cho riêng mình thì thật lãng phí cho nên mở bảo tàng để đưa tranh quý đến gần với mọi người. Ngoài việc trưng bày, giới thiệu tranh của các họa sĩ nổi tiếng, chúng tôi còn muốn bảo tàng sớm trở thành điểm giao lưu văn hóa với nhiều hoạt động thú vị", bà Phùng Minh Nguyệt phấn khởi cho hay.
Không trưng bày cùng lúc hơn 1.000 bức tranh và rất nhiều tác phẩm điêu khắc, gia đình ông Quang chọn lọc tranh theo chủ đề để luân phiên giới thiệu đến người xem. Hiện tại, bảo tàng trưng bày gần 300 bức tranh quý, đều là những tác phẩm rất tiêu biểu cho các trường phái hội họa Việt Nam. Tầng đầu tiên trưng bày tác phẩm của những danh họa và nhà điêu khắc có cống hiến lớn trong quá trình phát triển của mỹ thuật Việt Nam.
Từ những họa sĩ và giảng viên người Pháp tới Đông Dương đầu thế kỷ XX đến các thế hệ học sinh những khóa đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (giai đoạn từ năm 1925 đến năm 1945). Tầng tiếp theo, không gian bên trái nối tiếp chủ đề về các họa sĩ xuất thân từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ quan trọng khác chung thời kỳ này; không gian bên phải tập trung vào thời kỳ lịch sử 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975).
Các tác phẩm tập trung khai thác chủ đề chiến tranh và cách mạng của lớp họa sĩ gắn bó với chiến trường, quân ngũ. Tầng trên cùng trưng bày các tác phẩm thuộc thời kỳ hậu chiến tranh, hòa bình-thống nhất đất nước (1975) và bắt đầu chính sách Đổi mới (1986). Đây cũng là không gian tự do cho các triển lãm chuyên đề và sự kiện mỹ thuật.
Việc bố trí không gian trưng bày hợp lý, giúp khách tham quan dễ dàng cảm nhận dòng chảy lịch sử của hội họa Việt Nam khi đến với Bảo tàng Nghệ thuật Quang San. Rất nhiều người xúc động khi lần đầu tiên đứng trước những tuyệt tác hội họa mà trước đây chỉ có thể tìm hiểu, nghiên cứu qua tài liệu, sách vở hoặc thông tin trên mạng.
Điều hành Bảo tàng Nghệ thuật Quang San là anh Nguyễn Thiều Kiên, con trai của nhà sưu tầm Nguyễn Thiều Quang. Anh Kiên cho biết, được chia sẻ niềm đam mê của ba mẹ với những người có cùng sở thích là điều thú vị nhất khi đảm nhận vai trò giám đốc bảo tàng.
"Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và các nội dung trưng bày tại bảo tàng cũng là cách để tôi học thêm nhiều kiến thức hội họa. Tại đây, tôi gặp gỡ và trao đổi với rất nhiều họa sĩ, nhà phê bình nghệ thuật và tích lũy thêm khá nhiều thông tin mới, cần thiết cho quá trình phát triển nội dung hoạt động của bảo tàng. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ và thích thú nhất là ngoài giới chuyên môn, các họa sĩ, rất nhiều bạn trẻ tìm đến đây để tiếp cận với hội họa Việt Nam qua các thời kỳ", anh Kiên cho biết thêm.
Ngoài hoạt động trưng bày tranh từ kho sưu tầm cố định, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San còn dành không gian phối hợp tổ chức các triển lãm chuyên đề của nhiều họa sĩ trong nước như một cách quảng bá nghệ thuật đến cộng đồng. Cùng với đó, các chương trình giao lưu, giới thiệu về nghệ thuật hội họa, những sân chơi nghệ thuật theo chủ đề, trong đó chú trọng việc truyền tải thông điệp ý nghĩa của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng đến giới trẻ.