Độc đáo Bảo tàng gốm Bát Tràng

NDO -

Được xây dựng lấy cảm hứng từ những đường cong của đất làm gốm trên bàn xoay, Bảo tàng gốm Bát Tràng đang trở thành một trong những địa điểm tham quan mới của người dân Hà Nội.

Dù chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng có rất nhiều bạn trẻ đến thăm quan chụp ảnh.
Dù chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng có rất nhiều bạn trẻ đến thăm quan chụp ảnh.

Bảo tàng gốm Bát Tràng toạ lạc tại thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 15km, được khởi công xây dựng vào năm 2018 trên một khu đất rộng 3.700 m2. Công trình nằm trong dự án "Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt" của công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và hiệp hội làng nghề Hà Nội nhằm mục đích phát triển làng nghề. Từ Bảo tàng có thể phóng tầm mắt nhìn ra dòng kênh Bắc Hưng Hải phía đối diện. Bảo tàng có số vốn đầu tư lên đến hơn 150 tỷ đồng, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 6 tới.

Bảo tàng được tạo dựng với bảy vòng xoáy ốc khổng lồ lấy ý tưởng từ những bàn xoay vuốt gốm, với những mặt cong đa diện uốn lượn mềm mại, tự do và quấn quýt lấy nhau, tạo thành một công trình độc đáo. Cấu trúc của Bảo tàng theo lối lớn dần lên phía trên, nhưng vẫn tạo thế vững chãi và chắc chắn.

Công trình được lấy cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay - một công cụ quen thuộc và không thể thiếu đối với người dân làng gốm. Ở một góc nhìn khác lại thấy đây giống như hình ảnh lò bầu nung gốm cổ khổng lồ của người Bát Tràng xưa. 

Được biết, để làm nên bảy vòng xoáy độc đáo đó, những người thợ đã phải sử dụng bê-tông cốt thép sợi tuyến tính mỏng có tải trọng không lớn nhưng có thể chịu được lực một cách hiệu quả. Đồng thời, công trình cũng tận dụng tối đa những nguyên liệu cổ của làng như: gạch gốm cổ truyền, gạch men mosaic và ngói nung… để tạo nên màu sắc chân thực nhất cho Bảo tàng...

Độc đáo Bảo tàng gốm Bát Tràng -0
 Showroom trưng bày và bán các sản phẩm về gốm trong bảo tàng. 

Bảo tàng có ba tầng trưng bày. Tầng 1 là nơi dành riêng cho các nghệ sĩ trưng bày những những tác phẩm giá trị nhất của mình, qua đó kết nối khách tham quan với các nghệ nhân. Tầng 1 cũng là nơi phù hợp với các hoạt động, sự kiện lớn về gốm. Bên cạnh đó, do không gian mở ở đây rất rộng nên rất thích hợp cho các chương trình, sự kiện lớn hay các festival văn hóa cổ truyền… 

Tầng 2 và tầng 3 - khu trung tâm của bảo tàng gốm Bát Tràng là nơi trưng bày các sản phẩm gốm nghệ thuật xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển làng gốm Bát Tràng, gồm các dòng men từ cổ đến hiện đại, với sự thay đổi về màu sắc, hình dáng và các họa tiết trang trí trên gốm… giúp du khách có cái nhìn tổng quan về lịch sử làng nghề.

Tầng trên cùng - tầng thượng là nơi ngắm cảnh, với không gian đầy cây xanh mát.

Không chỉ vậy, bảo tàng làng nghề gốm Việt này còn có cả khu vực dành cho các không gian trình diễn văn nghệ, khu thương mại, nhà hàng ẩm thực và các phòng nghỉ của các chuyên gia, nghệ nhân… 

Ngoài ý tưởng tạo ra một triển lãm trưng bày các sản phẩm thủ công làng nghề và là nơi kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống, đây còn là nơi tôn vinh những người thợ làng nghề. Bảo tàng như một ngôi nhà truyền thống, nơi lưu giữ tất cả những giá trị văn hoá của làng gốm Bát Tràng để du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, thưởng thức. 

Mặc dù chưa chính thức đưa vào hoạt động nhưng Bảo tàng đã thu hút rất nhiều bạn trẻ đến tham quan bởi kiến trúc độc đáo của nó. Bạn Dương Thị Nga (sinh viên Đại học Hà Nội) chia sẻ: “Mình rất thích kiến trúc độc đáo của bảo tàng này. Những lốc xoáy được thiết kế to dần lên trên, tạo cảm giác như đang đi lạc vào hẻm núi kỳ vĩ nào đó. Chắc chắn tháng 6 mình sẽ quay lại”.