Theo đó, nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc đạt mức doanh thu 85,58 tỷ nhân dân tệ (13,45 tỷ USD) trong quý kết thúc vào ngày 31/12 năm ngoái, so 70,46 tỷ nhân dân tệ cùng kỳ năm 2020.
Trong khi theo dữ liệu của công ty phân tích tài chính Refinitiv, các nhà phân tích kỳ vọng doanh thu quý IV/2021 của Xiaomi đạt 81,80 tỷ nhân dân tệ.
Với phần lớn doanh thu đến từ mảng bán thiết bị di động, Xiaomi cho biết, các lô hàng điện thoại thông minh xuất bán đã tăng 4,4% lên 44,1 triệu chiếc trong quý, giúp hãng thu về khoản lợi nhuận ròng 4,47 tỷ nhân dân tệ, tăng 39,6% và cũng cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.
Báo cáo của Xiaomi cũng cho thấy, doanh thu từ mảng điện thoại thông minh của hãng đã tăng 18,4% lên 50,5 tỷ nhân dân tệ (7,94 tỷ USD) trong quý IV năm ngoái.
Tính cả năm 2021, Xiaomi báo cáo doanh thu tăng 33,5%, đạt 328,3 tỷ nhân dân tệ (51,59 tỷ USD), cao hơn so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 325,862 tỷ nhân dân tệ.
Chủ tịch Xiaomi, ông Wang Xiang cho biết, trong năm 2021, Xiaomi đã trải qua 1 năm “rất phức tạp”, khi nguồn cung ở tình trạng rất khan hiếm và bị tác động bởi địa chính trị. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của Xiaomi đã cho thấy khả năng phục hồi của hãng.
Ông Wang cũng nói thêm rằng việc bảo đảm nguồn cung chip ổn định vẫn còn là thách thức trong quý đầu tiên của năm 2022, nhưng dự kiến tình hình sẽ được cải thiện vào tháng 6 tới.
Theo công ty phân tích thị trường Canalys, các lô hàng điện thoại thông minh trong quý IV/2021 của Xiaomi xuất bán tại Trung Quốc đã tăng 10%. Trên toàn cầu, doanh số bán hàng cho dòng sản phẩm này của hãng cũng tăng 5%.
Trong bối cảnh nhu cầu điện thoại di động chậm lại ở Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Xiaomi, hãng này đang xúc tiến tìm kiếm những cơ hội mới.
Công ty dự kiến sẽ đầu tư 10 tỷ USD trong vòng 10 năm tới vào sản xuất ô-tô điện, và kỳ vọng sẽ đưa ra thị trường sản phẩm đầu tiên vào năm 2024.
Xiaomi cũng tăng cường đầu tư vào sản xuất chip, đánh dấu bằng việc đã ra mắt thiết bị đầu tiên của mình có gắn bộ xử lý tín hiệu hình ảnh do hãng tự phát triển.
Theo ông Wang, các khoản đầu tư của Xiaomi vào sản xuất chip sẽ đi vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến trải nghiệm người dùng, chẳng hạn như sạc nhanh.
Xiaomi cũng đã mở rộng phạm vi bán lẻ truyền thống của mình, với hy vọng thu hút nhiều khách hàng hơn.
Năm ngoái, Xiaomi đã giành lại thị phần tại thị trường quê nhà Trung Quốc từ tay đối thủ Huawei, công ty đã “hụt hơi” trong mảng điện thoại thông minh sau khi Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các nhà cung cấp của hãng.
Tuy nhiên, với doanh số bán hàng ấn tượng từ dòng sản phẩm Honor, Huawei cũng đã trở lại mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2021, để kết thúc quý IV với thị phần chiếm 16% tại Trung Quốc - ngang với Xiaomi, theo dữ liệu từ Canalys.