Ngay từ đầu năm 2020, khi Covid-19 bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực ở nước ta, Hội DNT Việt Nam đã nhanh chóng kêu gọi doanh nghiệp hội viên quyên góp gần 8,5 tỷ đồng chuyển tặng các lực lượng tuyến đầu ở các điểm nóng dịch bệnh. Ngay sau đó, T.Ư Hội DNT Việt Nam đã thành lập “Quỹ Trang thiết bị và vật dụng y tế cứu trợ khẩn cấp Covid-19”, trở thành nguồn lực thường xuyên, chia sẻ với các địa phương có dịch bùng phát. Qua các chương trình sáng tạo, hiệu quả của Hội, những nguồn lực đóng góp vào Quỹ ngày càng phát huy vai trò của lực lượng DNT cả nước trong đồng hành với tuyến đầu và nhân dân chống dịch.
Khởi động đầu tháng 8/2021, chỉ trong 30 ngày, “ATM oxy” đã thành lập, vận hành hơn 20 trạm lưu trữ, cung cấp oxy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, phục vụ công tác cấp cứu cho các bệnh viện, cơ sở y tế và người dân hoàn toàn miễn phí. Để nâng cao hiệu quả của chương trình, Hội đã phối hợp Thành đoàn TP Hồ Chí Minh lập các đội tình nguyện tiếp nhận thông tin, kiểm tra, phân loại nhu cầu người bệnh.
Nhờ đó, “ATM oxy” đã hỗ trợ cấp cứu, chuyển tuyến trên kịp thời nhiều trường hợp khẩn cấp, cứu sống không ít người bệnh nguy kịch. Mới đây, nhằm bổ sung nguồn lực cho các “ATM oxy”, Hội đã chuyển đổi công năng một số phân xưởng sản xuất thép của các doanh nghiệp hội viên Hội DNT Việt Nam thành cơ sở sản xuất oxy y tế miễn phí. Cuối tháng 8 vừa qua, hai “trạm bơm” oxy y tế đã được thành lập theo mô hình trên. Hoạt động 24 giờ mỗi ngày, các “trạm bơm” đạt công suất tổng cộng khoảng 32 nghìn lít oxy y tế/ngày.
Chương trình “ATM túi thuốc cứu người” và “ATM F0 chống dịch” cũng góp phần kéo giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh F0 và giảm tải cho các cơ sở y tế. Với sự phối hợp từ Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh, “ATM túi thuốc cứu người” tập trung huy động dược phẩm đặc trị Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trao tặng người bệnh F0 điều trị tại nhà.
Quá trình điều trị có sự đồng hành sát sao của các y sĩ, bác sĩ, chuyên gia. Trong khi đó, “ATM F0 chống dịch” tạo nguồn lực tiếp sức lực lượng y tế tuyến đầu, đồng thời trực tiếp hỗ trợ sinh kế cho những người đã chiến thắng Covid-19. Các trường hợp F0 đã khỏi bệnh được tập huấn, trở thành một đội hình đặc biệt, tình nguyện hỗ trợ các cơ sở y tế, bệnh viện, khu cách ly... Mỗi tình nguyện viên được hỗ trợ kinh phí từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng.
Sinh viên Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Thắng, từng nhiễm Covid-19 và đã khỏi bệnh, nay tiếp tục tham gia chương trình “ATM F0 chống dịch”, chia sẻ: “Có sẵn thế mạnh về chuyên môn, cho nên tôi được phân công hỗ trợ Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Hồ Chí Minh). Với mong mỏi cứu người thường trực, tôi tự tin sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, san sẻ bớt nhọc nhằn của lực lượng tuyến đầu”.
Trong cuộc chiến chống dịch ở nước ta, có nhiều sáng kiến hiệu quả và giàu tính nhân văn, không chỉ trực tiếp hỗ trợ tuyến đầu, mà còn thiết thực đồng hành với người dân, người bệnh về cả vật chất lẫn tinh thần. Có thể nói, chuỗi chương trình “ATM gạo”, “ATM khẩu trang” và mới đây là “ATM oxy”, “ATM túi thuốc cứu người”, “ATM F0 chống dịch” đã góp phần định nghĩa lại khái niệm ATM. Từ một thiết bị vô tri, nay ATM đã trở thành hành động thấm đẫm tình người, cùng bảo vệ sức khỏe toàn dân, giúp cộng đồng vượt qua giai đoạn khó khăn.