Doanh nghiệp xuất khẩu vượt khó

Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu, giá nguyên phụ liệu tăng cao…, nhưng bằng nhiều cách làm khác nhau, các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã cố gắng linh hoạt thích ứng, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Sản xuất tại Công ty may Dony, huyện Bình Chánh.
Sản xuất tại Công ty may Dony, huyện Bình Chánh.

Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt (quận Bình Thạnh) Phạm Thị Hồng Quang nhìn nhận: “Sau dịch bệnh, nhu cầu về gỗ và nội thất đối với người châu Âu rất cao. Khác với thị trường Mỹ, xu hướng thời trang của châu Âu luôn luôn thay đổi. Một mặt hàng ít khi họ sử dụng từ hai đến ba năm. Thông thường mỗi mùa, châu Âu đều có từ hai đến ba lần để thay đổi mẫu mã sản phẩm. Đây là cơ hội lớn để những nhà máy Việt Nam đang trong trạng thái sẵn sàng, có thể đẩy mạnh tỷ trọng xuất khẩu sang châu Âu”.

Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay theo bà Quang là thiếu nguyên liệu, cước vận chuyển… tăng cao. “Để đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc nguyên liệu, chúng tôi liên kết với các làng nghề ở miền bắc, miền trung để đặt hàng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cũng như tạo đầu ra cho sản phẩm ở làng nghề. Chúng tôi cũng giải bài toán cước phí tăng cao bằng cách cải tiến thiết kế, thay đổi cách gấp xếp hoặc lồng ghép để đóng được nhiều hàng vào container. Nhờ vậy, công ty đã tăng từ 2.000 sản phẩm lên 5.000 sản phẩm/container, giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, giá vận chuyển cũng giảm đi đáng kể”, bà Quang chia sẻ. Giám đốc Công ty TNHH Bình Minh (huyện Củ Chi) Nguyễn Văn Bình, doanh nghiệp chuyên chế biến gỗ nội thất cho hay: “Những khó khăn về nguyên liệu, cước vận tải biển tăng và thiếu hụt container rỗng… là tình hình chung của ngành. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm cách vượt qua những rào cản đó để duy trì xuất khẩu.

Chúng tôi cố gắng tìm kiếm, nhập gỗ nguyên liệu từ nhiều thị trường khác như Mỹ, châu Âu hay Đông Âu và các vùng lân cận để thay thế lượng thiếu hụt nêu trên. Dù sẽ phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn nhưng chúng ta không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất. Chúng tôi cũng liên tục đàm phán với khách hàng để mức tăng giá nguyên liệu ở mức có thể chấp nhận được…”.

Khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may, da giày. Đại diện Công ty TNHH VNA (khu công nghiệp Tân Tạo), ông Trần Thanh Việt cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp vẫn sắp xếp được nguồn cung nguyên vật liệu, nhưng cũng khá lo ngại nếu tình hình nêu trên kéo dài. Để không bị động, không có cách nào khác là phải chủ động nguồn cung sản xuất trong nước, muốn làm được điều này phải có chiến lược đầu tư và cần sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước về mặt bằng, thuế, lãi vay. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Trước mắt, doanh nghiệp vừa phải cầm cự sản xuất, giữ khách hàng, vừa bảo đảm tiến độ giao hàng.

Một số doanh nghiệp cũng đang tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nhiều chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. “Các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu chấp nhận lãi ít để có giá thành phù hợp nhằm khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu trong nước nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng cần thỏa thuận với đối tác để gia hạn thời gian giao hàng. Hội Da giày thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực tìm giải pháp để hạn chế lệ thuộc nguồn nguyên phụ liệu vào một thị trường”, Tổng Thư ký Hội Da giày thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Khánh cho biết.

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh Phạm Bình An, trong “nguy” luôn có “cơ”. Doanh nghiệp Việt cần phải tận dụng thời cơ và có chiến lược phù hợp. Để biến nguy thành cơ, doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường và nguồn cung cũng như phương thức thanh toán; rà soát lại hợp đồng, hồ sơ pháp lý. Đồng thời, doanh nghiệp chủ động nghiên cứu các dòng hàng được hưởng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới để vận dụng một cách triệt để vào việc giảm giá thành, cải thiện khả năng cạnh tranh.