Doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững

Trong giai đoạn khó khăn và đầy thách thức như hiện nay, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời, đồng bộ của Chính phủ, các doanh nghiệp cần có một tư duy đúng về mục tiêu phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
May áo xuất khẩu ở Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang. (Ảnh TRẦN QUỐC)
May áo xuất khẩu ở Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang. (Ảnh TRẦN QUỐC)

Đây không chỉ là xu hướng tất yếu nhằm mang lại lợi ích cho môi trường, xã hội mà nó cũng mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp khi có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ trong tăng trưởng dài hạn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai của các doanh nghiệp gặp không ít trở ngại do thiếu vốn, thiếu thông tin, cơ chế và năng lực quản trị thấp,…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm tháng đầu năm 2023, cả nước có 95 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tức bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có tới 88 nghìn doanh nghiệp "rút lui" khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước (trung bình một tháng có 17.600 doanh nghiệp rời bỏ thị trường).

Tình hình kém lạc quan này cũng được phản ánh trong kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng công bố mới đây khi có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm nay.

Với những khó khăn, thách thức lớn chưa từng có như vừa qua, phát triển xanh và bền vững được đánh giá sẽ là một trong những hướng đi tất yếu mà Việt Nam phải theo đuổi.

Tuy nhiên, con đường tiến tới "nền kinh tế xanh" đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do thiếu hụt về nguồn lực cả con người và tài chính.

Cùng với đó, những am hiểu cần thiết để đáp ứng các chuẩn mực cao về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị doanh nghiệp,... cũng đang là trở ngại không nhỏ đối với các doanh nghiệp.

Dù Việt Nam đã có một số chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bảo vệ môi trường, nhưng những chính sách, chương trình này chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mức độ hiểu biết về quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất hạn chế.

Với những khó khăn, thách thức lớn chưa từng có như vừa qua, phát triển xanh và bền vững được đánh giá sẽ là một trong những hướng đi tất yếu mà Việt Nam phải theo đuổi.

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước hiểu rõ các quy định môi trường, dù đến 68% doanh nghiệp cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, nguồn lực cho các dự án về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, nhưng lại chỉ tập trung chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nên nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm, công nghệ xanh trong thời gian qua rất hạn chế, chưa có nhiều các hỗ trợ kỹ thuật, trực tiếp tới từng doanh nghiệp.

Đại diện Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn cho biết, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tác, trong đó có yêu cầu về sử dụng nguồn năng lượng tái tạo…, các nhà máy của công ty buộc phải đầu tư lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo hoặc mua điện tái tạo.

Thế nhưng, thời gian qua, khi đầu tư điện mặt trời áp mái, nhiều doanh nghiệp vấp phải quy định ngặt nghèo và bất cập về tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy với suất đầu tư cao.

Ngoài ra, do chi phí đầu tư cho phát triển xanh và bền vững rất cao, chỉ mang lại lợi ích trong dài hạn nên phần lớn doanh nghiệp buộc phải chấp nhận sử dụng công nghệ và vật liệu giá rẻ để phục vụ các mục tiêu ngắn hạn trước mắt.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho rằng, doanh nghiệp nào cũng cần và phải thực hiện phát triển bền vững, nhưng một số chương trình, dự án mới dừng lại ở nâng cao nhận thức, đào tạo trên diện rộng chứ chưa đi sâu vào nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp hay giải quyết được những khó khăn cụ thể của doanh nghiệp.

Trong khi đó, để doanh nghiệp chuyển đổi, áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững thì cần có các hỗ trợ kỹ thuật, đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Ngoài ra, những doanh nghiệp kinh doanh bền vững khi có sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thí điểm nhưng lại thiếu sự ủng hộ, bảo trợ, hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phát triển xanh, bền vững phải có sự đồng hành, hỗ trợ đặc biệt từ Nhà nước, bởi các doanh nghiệp Việt Nam đang rất khó khăn, nay lại phải "đeo đuổi" thêm các tiêu chuẩn xanh nữa thì khó càng thêm khó.

Có thể nói, phát triển bền vững giờ đây không còn là ý niệm, mà đã ảnh hưởng trực tiếp, sát sườn đến các doanh nghiệp Việt Nam nên các doanh nghiệp đã ở giai đoạn buộc phải triển khai.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh, nếu vài năm trước đây, doanh nghiệp còn mơ hồ, nghĩ về phát triển bền vững như một câu chuyện xa xôi, chỉ dành cho "các ông lớn", thì giờ đây, câu chuyện đó đã trở nên sát sườn, thực tế hơn. Việc kinh doanh bền vững sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường nội lực, nâng cao vị thế và chiếm được niềm tin của Chính phủ, khách hàng, các nhà đầu tư cũng như các bên liên quan khác. Nếu nhìn vào những doanh nghiệp đã bền bỉ theo đuổi và thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững trước giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19 như: PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, PAN Group, SASCO,… có thể thấy, đây là những doanh nghiệp vẫn gặt hái được kết quả kinh doanh tốt bất chấp đại dịch và cũng có sự phục hồi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác.

Rõ ràng để Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải đồng hành, cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, bền vững.

Song, để việc phát triển bền vững không dừng lại là một phong trào, Chính phủ cần phải có những định hướng cụ thể để phát triển theo, bắt nhịp cũng như tận dụng được những cơ hội quốc tế, đồng thời phù hợp với bối cảnh cũng như điều kiện của Việt Nam.

Mặt khác, các doanh nghiệp phải sớm thay đổi tư duy trong đầu tư sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, giải quyết vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ.