Doanh nghiệp tư nhân chú trọng phát triển bền vững

Khảo sát mới nhất của công ty kiểm toán PwC về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp đối với ESG (môi trường - xã hội - quản trị) tại Việt Nam trong năm 2022-2023 cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân đang dẫn đầu trong phát triển bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Việc áp dụng ESG giúp nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: HẢI ANH
Việc áp dụng ESG giúp nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: HẢI ANH

ESG là xu hướng mới, hiện đang được các doanh nghiệp tư nhân tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng. So với các công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân chịu tác động nhiều hơn và dễ dàng quyết định hơn trong các yếu tố được thúc đẩy bởi khách hàng, tính cạnh tranh, nhà đầu tư và nhân viên để giải quyết các vấn đề về ESG. Do đó, thay vì tập trung vào việc tuân thủ, các doanh nghiệp tư nhân có thể tập trung tìm hiểu tác động của họ đối với các bên liên quan, xác định các rủi ro và cơ hội tăng trưởng phát sinh từ ESG.

Theo báo cáo của PwC đối với 234 doanh nghiệp với 68 đại diện đến từ các doanh nghiệp tư nhân thì các động lực để doanh nghiệp tư nhân áp dụng ESG: 78% là để nâng cao hình ảnh thương hiệu và uy tín; 63% để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường; 40% do sự gia tăng áp lực từ các nhà đầu tư và các bên liên quan; 37% để thu hút và giữ chân nhân viên và 28% là sự gia tăng áp lực từ chính quyền vì các mục tiêu phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp tư nhân có thể linh hoạt hơn trong việc thực thi ESG thông qua mục đích và giá trị của họ, xây dựng mối liên kết tự nhiên với các bên liên quan bằng cách ưu tiên giá trị lâu dài, tính bền vững, với mục tiêu tạo ra di sản có ý nghĩa. Hiện tại, trong môi trường kinh doanh, ESG đang nổi lên là một yếu tố rất quan trọng. Xác định điều này là trọng tâm trong phát triển giúp doanh nghiệp giảm được những rủi ro liên quan các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị. Việc áp dụng các thực hành ESG cũng khuyến khích sự đổi mới và hiệu quả bằng cách thúc đẩy các doanh nghiệp tìm ra những cách thức hoạt động bền vững và tiết kiệm chi phí hơn.

Việc thực thi ESG đang nổi lên trong các doanh nghiệp tư nhân và gia đình. Thế hệ tiếp theo trong các doanh nghiệp này, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình đã nâng cao nhận thức về các vấn đề ESG. 68% trong số các doanh nghiệp này tin rằng họ có trách nhiệm chống biến đổi khí hậu và các hậu quả liên quan. 77% mong muốn hoạt động kinh doanh của gia đình họ tập trung vào các khoản đầu tư bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, vẫn chưa có sự chú trọng hoàn toàn vào công tác lãnh đạo mang tầm nhìn ESG trong doanh nghiệp tư nhân. Hiện tại, vẫn còn 32% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, hội đồng quản trị của họ không liên quan đến các vấn đề ESG; 38% nói rằng, không có gì rõ ràng trong việc chương trình ESG của họ được điều hành bởi một người quản lý cấp cao, người đã được chỉ định điều hành nhưng không hoàn toàn dành riêng cho chương trình ESG.

Điều này cho thấy, doanh nghiệp cần phải nhìn nhận rõ hơn nữa sự cần thiết của lãnh đạo ESG. Chủ doanh nghiệp phải nắm quyền sở hữu các sáng kiến ESG và làm gương để tạo ra một doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững và có trách nhiệm. Lợi nhuận và mục đích trong ESG luôn đi đôi với nhau, vì thế các chủ doanh nghiệp có một cơ hội đặc biệt để tạo ra tác động tích cực ngoài hoạt động truyền thống. Việc áp dụng các thực hành ESG có thể giúp doanh nghiệp đạt được thành công lâu dài, giảm rủi ro, nâng cao danh tiếng cũng như thúc đẩy đổi mới.

Việc thực thi ESG trong các doanh nghiệp tư nhân cũng khiến cho vai trò của các giám đốc tài chính (CFO) lớn hơn, vì họ phải thực hiện và báo cáo các mục tiêu ESG. Vì việc tuân thủ các quy định và báo cáo là hoạt động ESG cần thiết cho các hành trình phát triển bền vững ở giai đoạn đầu, nên các CFO luôn phải giám sát hoạt động này. Khi các doanh nghiệp tư nhân tiến tới giai đoạn trưởng thành của ESG, vai trò của CFO cũng mở rộng bao gồm việc thúc đẩy hiệu quả chi phí và thay đổi mô hình kinh doanh, sản phẩm và định hướng khách hàng, tất cả đều yêu cầu tuân thủ quy định ESG.

Việc lập báo cáo là kết quả cuối cùng của chiến lược ESG được lên kế hoạch tốt. Thay vì chỉ tập trung vào việc lập báo cáo mà không có bất kỳ tác động nào đến bàn thảo chiến lược ban đầu, CFO có thể góp phần thiết lập định hướng chiến lược để hướng dẫn quy trình báo cáo.

Ở thời điểm hiện tại, đang có 60% số doanh nghiệp tư nhân cho rằng, điều cản trở họ thực thi ESG là do thiếu kiến thức. Điều này cho thấy việc nâng cao kỹ năng để thúc đẩy chuyển đổi ESG cần phải là ưu tiên hàng đầu. Các doanh nghiệp có thể thúc đẩy chuyển đổi ESG thông qua một số hoạt động:

Giao tiếp: Truyền đạt một cách minh bạch các mục tiêu ESG sẽ xây dựng văn hóa tin cậy, thúc đẩy sự ủng hộ của nhân viên đối với các kết quả ESG và mục tiêu của công ty.

Hành động: Nâng cao kỹ năng gắn kết nhân viên với các mục tiêu của công ty, cho phép họ hành động, cộng tác và thúc đẩy sự tiến bộ cũng như đổi mới.

Kỹ năng đa ngành: Nâng cao kỹ năng ESG mang đến cho nhân viên cơ hội phát triển cả kỹ thuật và kỹ năng mềm, bao gồm giao tiếp, lãnh đạo, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Những điều này có thể trao quyền cho nhân viên điều hướng sự phức tạp của các vấn đề ESG, tham gia các cuộc bàn thảo và đóng góp vào các mục tiêu ESG của tổ chức.

Hiện tại, các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối phó với môi trường kinh tế đầy biến động, đồng thời chuẩn bị cho hướng phát triển bền vững trong tương lai. Điều này đòi hỏi một hành động cân bằng giữa ưu tiên về kinh tế và ưu tiên về sự bền vững. Về các vấn đề ESG, đã đến lúc doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện những thay đổi thật sự để tạo ra một kế hoạch thực tế để đạt được kết quả rõ ràng.

Bằng cách xác định lộ trình ESG rõ ràng và thuyết phục, phù hợp với KPI ngắn hạn và đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, các doanh nghiệp có thể bảo đảm sự thành công lâu dài, tránh được những chi phí không đáng có do bỏ qua các sáng kiến ESG.