Dòng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài gần đây có những thay đổi đáng lưu ý. Đó là các doanh nghiệp tập trung rót vốn vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và công nghiệp chế biến, chế tạo thay vì lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; tài chính ngân hàng như xu hướng đầu tư trong những năm trước. Bên cạnh đó, địa bàn đầu tư đã mở rộng sang các quốc gia phát triển.
Tự tin vào thị trường Mỹ
Trong tháng 7/2021, Tập đoàn Vingroup đã có những động thái chính thức hoạt động tại Bắc Mỹ và châu Âu. Đó là việc Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast đưa các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan vào hoạt động, nhằm chuẩn bị cho việc ra mắt thị trường, từng bước thực hiện mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng ô-tô điện thông minh toàn cầu.
Đồng thời công bố bổ nhiệm ông Michael Lohscheller, người từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Volkswagen Mỹ và Tổng Giám đốc Opel toàn cầu, làm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu. Thông tin từ Vingroup cho biết thêm, để tiếp cận địa bàn, hơn một năm qua, VinFast đã gấp rút hoàn thiện bộ máy, thiết lập nền tảng kinh doanh ở các quốc gia sở tại, đón đầu cơ hội chinh phục thế giới khi châu Âu và Bắc Mỹ công bố lộ trình cấm bán ô-tô sử dụng động cơ đốt trong để chuyển sang ô-tô điện. Dự kiến VinFast sẽ chính thức mở bán hai mẫu ô-tô điện thông minh VF e35 và VF e36 trên toàn cầu vào tháng 3/2022.
Những khoản đầu tư của Vingroup sang bên kia bán cầu chính là yếu tố làm tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tăng rất mạnh trong những tháng đầu năm nay. Cụ thể, Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cho biết, nửa đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt gần 547 triệu USD, tăng gần 2,5 lần so cùng kỳ. Mức tăng này đến chủ yếu từ dự án của Vingroup tại Mỹ (điều chỉnh tăng 300 triệu USD) và một dự án của VinFast tại Đức (tăng 32 triệu USD).
Cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư của Việt Nam tại thị trường nước ngoài cũng tăng mạnh nhờ các thương vụ của doanh nghiệp tư nhân. Trong đó phải kể đến dự án của Công ty TNHH Vonfram Masan (thuộc Tập đoàn Masan) đầu tư sang Đức với tổng vốn hơn 90 triệu USD. Đây là bước đi chiến lược của một tập đoàn tư nhân Việt Nam trong tầm nhìn trở thành nhà chế biến sâu hóa chất công nghiệp vonfram với quy mô và ảnh hưởng toàn cầu.
Trước năm 2015, hoạt động đầu tư ra nước ngoài được dẫn dắt bởi khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và một trong những doanh nghiệp đứng đầu về hiệu quả kinh tế là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel). Sau 15 năm có hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư viễn thông lớn nhất trên thế giới, nằm trong Top 20 công ty viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới về số thuê bao.
Tại các quốc gia đang đầu tư, Viettel luôn là doanh nghiệp tiên phong và dẫn dắt thị trường, giữ vị trí số 1 về thị phần tại Campuchia, Lào, Đông Timor, Burundi; giữ vị trí số 2 tại các thị trường Haiti, Myanmar và Mozambique. Một báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối năm 2019, Viettel đã đầu tư 10 dự án mạng viễn thông tại các quốc gia Campuchia, Lào, Đông Timor, Cameron, Burundi, Tanzania, Myanmar, Peru... và 3 dự án nghiên cứu phát triển ở Pháp, Mỹ và Nga, với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD; tổng vốn thực hiện đến năm 2020 đạt 1,8 tỷ USD.
Tập đoàn TH đầu tư tại LB Nga từ năm 2015, triển khai dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp và một số dự án về thực phẩm, tổng vốn đầu tư trong vòng 10 năm là 2,7 tỷ USD. Tổ hợp dự án tại tỉnh Moscow và Kaluga thuộc giai đoạn 1 trong chiến lược đầu tư vào LB Nga của Tập đoàn TH.
Với hình thức đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín từ trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và phân phối, dự án sẽ đưa các sản phẩm mang thương hiệu TH True Milk tới thị trường trung tâm của LB Nga - Thủ đô Moscow, tỉnh Moscow và các tỉnh lân cận. Trong năm 2016, trang trại ở Moscow và Kaluga đã được khởi công, quy mô gần 56.500 ha đất canh tác (cả hai tỉnh). Tập đoàn TH xây dựng tại hai tỉnh này 12 cụm trang trại với tổng đàn 60 nghìn con, trong đó bò vắt sữa là 28.800 con (giai đoạn 1).
Khát vọng toàn cầu
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lợi nhuận và vốn chuyển về nước của các dự án Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lũy kế đến năm 2020 đạt khoảng 3 tỷ USD, lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư đạt khoảng 363,4 triệu USD, số lao động đưa ra làm việc tại nước ngoài gần 10 nghìn người. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã hình thành một khối lượng tài sản đáng kể gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất ở nước ngoài với giá trị ước tính hàng tỷ USD.
Theo Cục ĐTNN, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của dòng vốn Việt Nam vẫn được duy trì ổn định về mặt số lượng dự án nhưng có sự thay đổi lớn về chủ thể đầu tư trong thời gian gần đây. Số lượng dự án của DNNN và có vốn nhà nước giảm mạnh, trong khi vốn đầu tư từ khu vực tư nhân tăng mạnh trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau với sự tham gia của các tập đoàn tư nhân lớn.
“Xét về lợi ích đối với quốc gia, hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ góp phần gia tăng ngoại tệ cho đất nước thông qua lợi nhuận chuyển về của các dự án, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đóng góp vào việc củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao của quốc gia với các nước bên ngoài cũng như góp phần củng cố an ninh, quốc phòng”, Cục ĐTNN nhận định.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, việc Việt Nam ký và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở rộng không gian hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy đầu tư của các doanh nghiệp ra nước ngoài.
Khẩu vị đầu tư của doanh nghiệp không còn tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn được đánh giá là Việt Nam có trình độ phát triển hơn tốt hơn như Lào, Campuchia, Myanmar mà gần đây đã bắt đầu bước sang những lĩnh vực đòi hỏi về năng lực công nghệ sáng tạo cao hơn và ở những quốc gia phát triển như Singapore, Mỹ, châu Âu. “Chưa thể nói thắng - thua trong các quyết định đầu tư của doanh nghiệp và về cơ bản, chúng ta vẫn là nước nhận đầu tư. Nhưng sự chuyển biến trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài gần đây phản ánh rất rõ thương hiệu và năng lực của doanh nghiệp Việt đã tốt hơn. Thậm chí một số doanh nghiệp và thương hiệu có khát vọng và tầm chơi toàn cầu hơn”, TS Võ Trí Thành phân tích.
Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) TS Cấn Văn Lực chỉ ra bốn khó khăn chính doanh nghiệp đang phải đối mặt trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đó là: Trình độ quản lý, nguồn nhân lực chất lượng cao được phái cử sang các nước của doanh nghiệp Việt Nam còn mỏng hoặc thấp hơn mặt bằng chung của các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan.
Nhận diện về thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm của Việt Nam còn thấp tại một số thị trường mà Việt Nam đầu tư. Bên cạnh đó, đầu tư ra nước ngoài luôn tiềm ẩn rủi ro do các biến động về biến động chính trị, sự thay đổi chính sách thu hút đầu tư của các nước, bên cạnh rủi ro pháp lý. Đồng thời, sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, và hiệp hội doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn hạn chế, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, chưa có cơ chế giảm thiểu rủi ro… “
Đây cũng chính là những vấn đề mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và bản thân doanh nghiệp cần lưu tâm khắc phục trong thời gian tới cùng với việc ban hành chiến lược thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam”, TS Cấn Văn Lực khuyến cáo.