Khu liên hợp Nông nghiệp Snuol thuộc Công ty Thagrico, nằm trên vùng đất đỏ tỉnh Kratie, phía đông Vương quốc Campuchia. Trong dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam này, hàng nghìn công nhân ngày đêm bận rộn chăm sóc cây ăn quả trên những lô vườn, tạo ra sản phẩm trái cây nhiệt đới nhiều loại, xuất đi một số quốc gia.
Giữa giờ giải lao trong xưởng đóng gói chuối, nữ công nhân Campuchia Van Choth cho biết, dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của gia đình. Qua giới thiệu của bạn bè, vợ chồng chị cùng hai con nhỏ rời quê Battambang lên đây tìm việc làm, được công ty sắp xếp vào tổ chăm sóc, đóng gói chuối.
“Công ty đã tạo điều kiện về nơi ở, có điện nước sinh hoạt, có trường học để cho con cháu được học hành và có cả nơi khám chữa bệnh. Qua mấy tháng làm việc tại đây, chúng tôi thấy tiền lương hợp lý, cuộc sống gia đình dần ổn định”, người phụ nữ Khmer, 26 tuổi phấn khởi chia sẻ.
Được nhận vào làm việc tại nông trường từ hơn ba năm trước, anh Uon Phinuon, 26 tuổi, quê tỉnh Takeo cho biết, đảm nhận công việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, anh được hưởng mức lương 350 USD/tháng. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19, công ty vẫn sản xuất đều đặn, không có công nhân nào bị mất việc hay phải tạm thời nghỉ việc. Nhờ mức lương tốt, anh có điều kiện cải thiện cuộc sống cho gia đình ngày càng tốt hơn.
Được biết, Công ty Thagrico đang mở rộng đầu tư trồng cây ăn quả, phát triển nông nghiệp tại hai tỉnh Kratie và Ratanakiri của Campuchia. Để đáp ứng các hạng mục công việc trên diện tích đất khoảng 36 nghìn ha, doanh nghiệp hiện có 13 nghìn công nhân, đang tiếp tục tuyển thêm lao động.
Cách tỉnh Kratie gần 200 km, thủ đô Phnom Penh trong một năm qua đã chứng kiến nhiều nhà máy may mặc, doanh nghiệp, dịch vụ du lịch phải tạm thời đóng cửa, hàng chục nghìn người mất việc làm. Đại dịch Covid-19 tác động nặng nề lên đời sống xã hội, đặc biệt đối với người nghèo và những bệnh nhân phải thường xuyên chữa trị tại bệnh viện.
Nước da xanh xao, mệt mỏi trở mình trên giường bệnh trong khu lọc máu của Bệnh viện MED115, anh Li Meng, 39 tuổi tâm sự, do dùng thuốc không đúng chỉ định và có thói quen ăn mặn, anh bị huyết áp cao dẫn đến suy thận. Bệnh nặng chữa trị tốn kém, nhưng so với nhiều người cùng cảnh, anh vẫn thấy may mắn vì bản thân được lọc máu tại đây với giá chỉ bằng nửa nơi khác.
“Mỗi tuần tôi đến Bệnh viện MED115 lọc máu ba lần. Ở đây máy móc hiện đại, giá rẻ nhiều so với các bệnh viện khác nên đỡ cho bệnh nhân rất nhiều”, nam bệnh nhân có địa chỉ thường trú tại ngoại ô thành phố Phnom Penh cho biết.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Giám đốc MED115, ông Heng Lihong cho biết, đồng cảm với người bệnh gặp muôn vàn khó khăn trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, Ban Lãnh đạo bệnh viện đã quyết định niêm yết giá dịch vụ lọc máu ở mức thấp để bệnh nhân và gia đình có thể chi trả được nhằm duy trì sự sống.
Theo vị bác sĩ ngoại khoa 59 tuổi, gốc Việt Nam, từ đầu mùa dịch đến nay, tập thể gần 40 cán bộ, nhân viên bệnh viện đã đứng vững trước khó khăn, tiền lương của người lao động được bảo đảm, một phần thu nhập của doanh nghiệp dành vào việc chăm sóc và khuyến học cho con em người gốc Việt Nam.
Trong quầy thuốc của Bệnh viện MED115, Mai Chan Sieng, 21 tuổi, sinh viên Đại học Y Phnom Penh đang chăm chú tìm hiểu, ghi chép những loại thuốc tân dược mới nhập về. Nữ sinh viên gốc Việt cho biết, do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên cô được Đại sứ quán Việt Nam giới thiệu vào học việc tại đây.
“Tôi vừa quan sát các bác sĩ khám chữa bệnh, vừa học cách làm việc, tìm hiểu các loại thuốc tân dược. Bên cạnh đó, được bệnh viện giao cho làm một số công việc nên tôi có thu nhập để đóng học phí và trang trải sinh hoạt hàng ngày”, nữ sinh vóc người nhỏ nhắn, sống cùng gia đình tại tỉnh Kandal tâm sự.
Có thể nói, trong năm 2020 vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam, với gần 220 dự án đầu tư tại Vương quốc Campuchia đã vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách do dịch bệnh và thiên tai gây nên, đồng thời góp phần trợ giúp cho các hoạt động kinh tế, xã hội thiết yếu của nước bạn.
Theo ông Bùi Minh Bình, Phó Tổng Giám đốc Viettel Campuchia (Metfone), vừa qua, doanh nghiệp viễn thông hàng đầu này đã hỗ trợ xây dựng Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 cho Bộ Y tế và ba bệnh viện lớn của Campuchia; hỗ trợ Bộ Giáo dục Campuchia hệ thống giáo dục trường học SIS và phòng họp trực tuyến cho Bộ Quốc phòng Campuchia.
Thực tế, cùng với Metfone, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Việt Nam, như: Angkor Milk, BIDC, Agribank Chi nhánh Campuchia, MB Bank... đều khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình trên địa bàn, tạo nhiều việc làm, tích cực giúp đỡ cộng đồng vượt qua một giai đoạn khó khăn chưa từng thấy.
Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Campuchia, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC), khi dịch Covid-19 xảy ra, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đã khẩn trương đề ra được những biện pháp thích ứng với hoàn cảnh, tích cực duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, tận dụng cơ hội để phát triển mạnh hơn.
Trước thềm Xuân Tân Sửu, Chủ tịch VBCC lạc quan, trong năm mới 2021, với tiềm năng to lớn của thị trường gần 16 triệu dân cùng chính sách hỗ trợ tích cực của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, VBCC tin tưởng, các doanh nghiệp thành viên sẽ tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Campuchia .