Doanh nghiệp ở Thái Nguyên giữ vững sản xuất trong đại dịch

NDO -

Thời gian qua, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên diễn biến phức tạp, sản xuất của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng đứt đoạn, thiếu hụt nguồn lao động. Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng linh hoạt, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, việc làm của người lao động, tăng trưởng công nghiệp 2 tháng đầu năm đạt 5,2%, xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD, tăng 1,5% so cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các khu công nghiệp Thái Nguyên vẫn ổn định sản xuất.
Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các khu công nghiệp Thái Nguyên vẫn ổn định sản xuất.

Thái Nguyên có nhiều khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã thu hút hơn 130 nghìn người lao động. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có 98% tổng số công nhân đi làm trở lại, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số người là F0, F1 phải cách ly tăng cao hằng ngày, trong đó phần lớn là trong độ tuổi lao động, công nhân, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng.

Khắc phục vấn đề này, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ công nhân, thu hút lao động. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG - doanh nghiệp may mặc xuất khẩu với 16 nghìn lao động, chia sẻ: “Dù có thời điểm, số lao động nghỉ làm để điều trị Covid-19, cách ly y tế, ốm đau, thai sản lên đến khoảng 3.000-4.000 người, nhưng nhờ chủ động thích ứng linh hoạt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nên đến nay vẫn đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, doanh thu đạt 852 tỷ đồng, tăng 1,46 lần so cùng kỳ năm 2021”.

Trong những ngày đầu tháng 3/2022, khu ký túc xá của Tổ hợp Samsung Thái Nguyên luôn căng mình điều trị từ 2.000-3.500 công nhân mắc Covid-19 (chưa kể nhiều trường hợp F1). Để bảo vệ người lao động, Samsung Thái Nguyên đã dành 4 tòa nhà riêng biệt trong ký túc xá để điều trị Covid-19; thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” từ khâu đưa đón công nhân đến hoạt động sản xuất, ăn ở ký túc xá; hỗ trợ các đơn vị giới thiệu, môi giới việc làm để bù đắp số lao động đang bị thiếu hụt.

Một lãnh đạo nhân sự của Samsung Thái Nguyên cho biết, nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất kết hợp phòng, chống dịch bệnh, 2 tháng đầu năm, doanh nghiệp sản xuất được 16,5 triệu sản phẩm điện thoại thông minh, tăng 14,2% so cùng kỳ 2021.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cho biết: “Kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ tư đến nay, Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Công đoàn công ty đã ban hành hơn 50 văn bản về phòng dịch Covid-19. Đặc biệt, Công ty đã dành hàng tỷ đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, thực hiện tốt các giải pháp quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất hiệu quả, chính sách tiêu thụ sản phẩm linh hoạt, nên từ đầu năm đến nay đã sản xuất và tiêu thụ hơn 145 nghìn tấn thép cán, doanh thu đạt gần 3.500 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách 50 tỷ đồng, lương bình quân công nhân đạt gần 13 triệu đồng/tháng”.

Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả để đạt mục tiêu “An toàn-Phát triển-Hiệu quả”, ngay từ những tháng đầu năm, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn-TKV đã vận hành sản xuất đạt và vượt công suất thiết kế, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị. Tính đến hết tháng 2/2022, sản lượng điện phát ra đầu cực của Công ty đạt 150,2 triệu kWh (bằng 19,5% kế hoạch năm), doanh thu đạt 199,2 tỷ đồng (bằng 21,5% kế hoạch năm); bảo đảm việc làm ổn định cho 277 người lao động với thu nhập bình quân gần 12 triệu đồng/người/tháng.

Trưởng kíp vận hành điện Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn Phan Mạnh Trường chia sẻ: “Để bảo đảm đủ quân số cho sản xuất trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty tạo điều kiện cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ”. Mỗi cán bộ, công nhân đều nghiêm túc quán triệt tinh thần không lơ là, chủ quan và thực hiện tốt khuyến cáo 5K để thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, góp phần an toàn lưới điện”.

Mặc dù các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với những khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động, giá xăng, dầu tăng rất cao, nhưng nhờ phát huy nội lực, linh hoạt thích ứng, thực hiện tốt giải pháp phòng, chống dịch, nên sản xuất, việc làm của công nhân vẫn được duy trì, sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng trưởng khá. Đó là tín hiệu đáng mừng để Thái Nguyên từng bước phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch.