Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương được thành lập theo Quyết định số 48-QĐ/TW, ngày 11/4/2007 của Bộ Chính trị, là đảng bộ trực thuộc Trung ương, cấp ủy cấp trên trực tiếp của các đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trực thuộc Khối. Hiện nay, Đảng bộ Khối gồm có 38 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 36 đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và 2 đảng bộ cơ quan. Đến ngày 30/12/2021, toàn Đảng bộ Khối có 1.148 tổ chức cơ sở đảng; 156 đảng bộ bộ phận, 5.742 chi bộ trực thuộc, 87.585 đảng viên.
Các doanh nghiệp trong Khối gồm: 9 tập đoàn kinh tế, 20 tổng công ty, 6 ngân hàng, 1 tổ chức tài chính nhà nước với tổng số 930 doanh nghiệp trực thuộc. Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp tính đến hết quý I/2022 là 1,1 triệu tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đạt hơn 1,64 triệu tỷ đồng; tổng tài sản của các doanh nghiệp đạt hơn 9,93 triệu tỷ đồng.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ủy Khối đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đảng bộ trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng đảng bộ, tổ chức chính trị-xã hội trong sạch, vững mạnh; phát triển doanh nghiệp, đơn vị vững mạnh, hiệu quả.
Về công tác cổ phần hóa, trong giai đoạn 2016-2020, Đảng ủy Khối lãnh đạo các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trong Khối thực hiện nghiêm túc công tác cổ phần hoá theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 29/12/2016, Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 và Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả: toàn Khối có 21 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thực hiện cổ phần hóa 61 doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Đến hết năm 2021, có 18/61 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa (đạt 29,5% kế hoạch). Có 18 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối thực hiện cổ phần hóa 57 doanh nghiệp thuộc Danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ 2017 đến nay, có 9/18 tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện cổ phần hóa được 15/57 doanh nghiệp; trong đó, 3/18 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa theo Danh mục, còn lại 42 doanh nghiệp chưa thực hiện cổ phần hóa.
Quang cảnh hội nghị. |
Đối với công tác thoái vốn, Đảng ủy Khối lãnh đạo các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trong Khối thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1232/QĐ-TTg, ngày 17/8/2017 và Quyết định 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Kết quả: có 3 tập đoàn, tổng công ty thực hiện nhiệm vụ thoái vốn nhà nước tại 78 doanh nghiệp. Đến hết năm 2020, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã hoàn thành thoái vốn tại 9/45 doanh nghiệp; còn lại 31 doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn. Toàn Khối đã thực hiện thoái vốn theo quyết định của các cấp có thẩm quyền - phê duyệt tại 165/530 doanh nghiệp (đạt 31,1% kế hoạch).
Về xử lý các dự án kém hiệu quả: các doanh nghiệp có dự án kém hiệu quả đã chủ động phân tích, đánh giá hiện trạng, xây dựng phương án khắc phục, đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các cơ quan có liên quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc, đến nay đã có 5 dự án được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án kém hiệu quả ngành công thương…
Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc làm việc này hết sức cần thiết để trao đổi thông tin, xem xét vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình để phát huy hết sức mạnh của doanh nghiệp nhà nước - nơi nắm giữ các khối tài sản quan trọng nhà nước trên các lĩnh vực. Đây cũng dịp để chúng ta trao đổi lại việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đối với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhất là đánh giá, nhìn lại các kết quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lớn; trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập. Từ đó cần có sự phối hợp với Chính phủ để đề ra nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, phù hợp tình hình.
Theo Thủ tướng, trong tình hình hiện nay, thuận lợi, thời cơ cũng có nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều, do đó đòi hỏi chúng ta phải hết sức sáng tạo, linh hoạt, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết, tìm giải pháp phù hợp, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Vấn đề quan trọng là tăng cường tốt hơn sự phối hợp giữa Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương với Chính phủ tốt hơn, sự phối hợp giữa các bộ, ngành với các doanh nghiệp nhà nước tốt hơn, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước liên quan tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị liên quan hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là hoạt động của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, khu vực Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước; góp phần dẫn dắt, tạo động lực cho khu vực ngoài nhà nước phát triển.
Trong giai đoạn nước ta chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua, vai trò của khu vực Doanh nghiệp nhà nước đã được phát huy và thể hiện rất rõ nét, tích cực triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả hoạt động của khu vực Doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chưa tương xứng với nguồn lực mà các doanh nghiệp đang nắm giữ.
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương với 36 Đảng bộ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và 2 Đảng bộ cơ quan, là lực lượng nòng cốt của khối Doanh nghiệp nhà nước có vai trò rất quan trọng trong công tác cơ cấu lại Doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong việc phát huy tối đa các nguồn lực mà khối Doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ (tổng tài sản doanh nghiệp thuộc Khối là 9,93 triệu tỷ đồng, trong đó tổng tài sản của Doanh nghiệp nhà nước là 2,81 triệu tỷ đồng và các ngân hàng là 7,12 triệu tỷ đồng).
Về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành cổ phần hóa 39 doanh nghiệp; xây dựng lộ trình và tổ chức bán phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Trong giai đoạn này, đã thoái vốn và nộp ngân sách nhà nước 221,7 nghìn tỷ đồng. Về cơ cấu lại: đã chú trọng sắp xếp lại, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công tác quản trị, công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý nguồn nhân lực… Về xử lý các tồn tại, yếu kém: trong năm 2021, Chính phủ đã trình Bộ Chính trị thông qua phương án xử lý 5/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả và đang tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các phương án xử lý đối với 7 doanh nghiệp còn lại. Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định phương án xử lý đối với 4 tổ chức tín dụng yếu kém.
Những kết quả đạt được nêu trên thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các Doanh nghiệp nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, sự phản ứng chính sách, bám sát thực tiễn; tham mưu, đề xuất Chính phủ giải quyết các khó khăn, ách tắc. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, ý chí phấn đấu của tổ chức đảng, cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt.Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả để Doanh nghiệp nhà nước giữ vững vai trò nòng cốt và dẫn dắt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, trước tình hình biến động trên thế giới, tình hình trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, cấp uỷ trực thuộc, đảng viên trong doanh nghiệp nêu cao tinh thần trách nhiệm, “biến nguy thành cơ”, phát triển tốt hơn trong điều kiện khó khăn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn, làm việc nào dứt việc đó. Các Doanh nghiệp nhà nước trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt; thực hiện chính sách tài khoá mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; kiểm soát tốt giá cả thị trường.
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý, sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm các phương thức lãnh đạo của Đảng; góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, năng lực. Các cơ quan nhà nước phải phát huy cao độ chủ động, sáng tạo đối với Doanh nghiệp nhà nước, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Bám sát các doanh nghiệp, cùng với Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương giải quyết các khó khăn; đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục đổi mới, thực hiện hiệu quả các phương thức lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tổ chức lãnh đạo của đảng trong Doanh nghiệp nhà nước. Phối hợp chặt chẽ giữa Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương với Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ, các Ban cán sự đảng các bộ, ngành liên quan. Cùng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp tình hình, điều kiện mới.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bộ máy tổ chức trong Doanh nghiệp nhà nước hiện đại, hiệu quả, tinh gọn đầu mối nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu cơ chế, chính sách, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm; cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp hoàn cảnh đất nước; cụ thể hoá đường lối của Đảng, bảo đảm tổng thể chung đội ngũ cán bộ chung của cả nước, phù hợp kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn cảnh cụ thể của các doanh nghiệp.
Về mục tiêu, Thủ tướng nêu rõ, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối Doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Doanh nghiệp nhà nước.
Về các giải pháp, Thủ tướng yêu cầu cấp uỷ tổ chức đảng trong Doanh nghiệp nhà nước cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, cơ cấu lại Doanh nghiệp nhà nước bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp hiện đại. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp nhà nước phù hợp tình hình, điều kiện mới, các biến động chưa thể lường hết, bảo đảm ngang tầm nguồn lực đang nắm giữ. Đổi mới khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng hoá các chuỗi cung ứng; tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển xanh, bền vững, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Coi trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ then chốt; xây dựng quy chế đánh giá cán bộ phù hợp doanh nghiệp.
Các cấp uỷ tổ chức đảng phối hợp với nhau, dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương cùng với Chính phủ giao các nhiệm vụ, dự án cụ thể để các doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy phải cơ chế, chính sách, giao nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ…