Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ thay mặt Thủ tướng Chính phủ dự.
Tiếp tục hoàn thiện mô hình cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chia sẻ: 5 năm là chặng đường không dài, nhưng đối với một cơ quan mới như Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một hành trình có nhiều công việc hết sức quan trọng với nhiều khó khăn.
Vượt qua hành trình đó, hội nghị hôm nay cùng nhìn lại quá trình phát triển của Ủy ban cũng như 19 tập đoàn, tổng công ty đang góp phần thực hiện sứ mệnh hết sức quan trọng là kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế.
Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một chủ trương mới nhằm thực hiện chủ trương tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước và chức năng điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay đã chứng minh là chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nhà nước, được chuẩn bị và cân nhắc hết sức kỹ lưỡng qua các kỳ đại hội.
Ủy ban có vị trí, chức năng quan trọng, vừa là cơ quan thuộc Chính phủ, vừa thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, hiện đang nắm giữ khoảng 65% nguồn lực về vốn và tài sản của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đây là vấn đề cần được đánh giá, tổng kết để đề ra các giải pháp hiệu quả, khả thi, phù hợp với thực tiễn, giúp Ủy ban và các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.
[Infographic] Kết quả kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước 8 tháng đầu năm 2023
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả hoạt động của Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty trong chặng đường 5 năm qua đã thể hiện vị trí, vai trò của Ủy ban; qua đó khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị 19 tập đoàn, tổng công ty thông qua Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành,... để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn nữa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty đang có trong tay nguồn vốn hơn 2,4 triệu tỷ đồng, cần chuyển hóa toàn bộ nguồn vốn này để tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, không để vốn “đóng băng”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp trong việc kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng kinh doanh hiệu quả vốn và tài sản nhà nước; cùng đất nước đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,... Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty đang có trong tay nguồn vốn hơn 2,4 triệu tỷ đồng, cần chuyển hóa toàn bộ nguồn vốn này để tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, không để vốn “đóng băng”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong rằng Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, tiên phong, mở đường dẫn dắt các khu vực kinh tế khác của doanh nghiệp nhà nước, góp phần đưa đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững.
Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Báo cáo trước hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban cho biết: Sau 5 năm thành lập, Ủy ban đã thực hiện cơ bản đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty; tổ chức xây dựng bộ máy hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng, Bộ Chính trị và quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ.
Hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của 19 tập đoàn, tổng công đã thể hiện rõ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh tặng hoa cho tổ chức, cá nhân được khen thưởng. Ảnh: TTXVN |
19 tập đoàn, tổng công ty đều tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh, Ủy ban sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đó là tập trung triển khai kết luận số 5863-CV/VPTW ngày 5/1/2023 và số 5979-CV/VPTW ngày 31/1/2023 của Bộ Chính trị về đánh giá, tổng kết việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 19/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết tình hình thực hiện Thông báo số 40-TB/TW ngày 14/9/2017 của Bộ Chính trị;
Tiếp tục cải thiện phương thức làm việc; xây dựng, hoàn thiện quy chế quản lý nội bộ bảo đảm hoạt động thống nhất, hiệu quả; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, ưu tiên tuyển dụng cán bộ có chuyên môn sâu về ngành nghề kinh tế, kỹ thuật, đầu tư về Ủy ban để đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Chỉ đạo quyết liệt các tập đoàn, tổng công ty thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội.
Kịp thời tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước còn bất cập, chưa rõ ràng nhưng chưa hoặc chậm được điều chỉnh, bổ sung gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Để phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển gắn với phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để sớm triển khai thực hiện.
Hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; các tập đoàn, tổng công ty có thế mạnh, điều kiện thuận lợi phải phấn đấu vượt kế hoạch được giao để góp phần đạt kết quả cao nhất.
Đẩy mạnh hoạt động đầu tư, bám sát ba đột phá chiến lược, ba động lực tăng trưởng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước; đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; đẩy mạnh tiết kiệm trong các khâu sản xuất; nghiên cứu phương án kỹ thuật, công tác cải tiến sử dụng nguyên phụ liệu thay thế phù hợp vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hạ giá thành...