Cả tháng nay, công nhân của Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Sala (huyện Hóc Môn) luôn trong trạng thái tất bật, khẩn trương. Ở từng khâu sản xuất từ sơ chế, kiểm tra, đóng gói, giao hàng… tất cả đều phối hợp nhịp nhàng để thành phẩm kịp thời đưa đến đối tác theo đúng kế hoạch. Sản phẩm chủ đạo của doanh nghiệp này là nui khô ăn liền được làm từ nông sản hữu cơ và không sử dụng chất bảo quản, đặc biệt phù hợp cho trẻ em và gia đình trẻ.
Giám đốc kinh doanh Công ty Công nghệ thực phẩm Sala Nguyễn Song Tùng cho biết: Sản phẩm được chế biến từ nông sản trong nước theo các tiêu chuẩn để xuất khẩu. “Chúng tôi đang tập trung cho đơn hàng Tết Nguyên đán với số lượng lớn, để đáp ứng cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Do sản phẩm này vừa có thể ăn được, vừa làm thành gói quà tặng nên đã có nhiều doanh nghiệp, kênh phân phối tìm đến đặt hàng. Vì vậy, chúng tôi đang tuyển thêm lao động để kịp tiến độ giao hàng”, ông Tùng chia sẻ.
Mới đây, Sala cũng vừa vay vốn từ ngân hàng để đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua thêm nguyên liệu… tăng cường sản xuất cho những đơn hàng cuối năm. Ông Tùng nói: Vốn được ví như “máu” của doanh nghiệp sản xuất. Có đơn hàng, có quyết tâm nhưng thiếu vốn cũng đành bó tay. “Nhà nước có nhiều chương trình vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất nhưng rất khó để tiếp cận với cơ chế hiện tại. Mong muốn của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay là có cơ chế giải ngân hợp lý, giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Ðặc biệt, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Tùng cho biết.
Thời điểm này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) đang tất bật chuẩn bị lô hàng lớn lên container xuất sang nhiều thị trường ở Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc với đủ loại sản phẩm, gồm cà pháo, mắm tôm, bánh nậm, bánh giò, xôi các loại. Theo Giám đốc Sông Hương Foods Nguyễn Lê Quốc Tuấn, công ty đang bắt tay thực hiện những đơn hàng Tết xuất khẩu sang các quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống.
“Tất cả các sản phẩm sau khi chế biến đều được cấp đông, nhưng chỉ cần làm nóng, những món ăn này không chỉ giữ nguyên chất lượng mà còn mang hương vị quê hương. Vì vậy, kiều bào rất ưa chuộng”, ông Tuấn nói. Ðối với thị trường trong nước, Sông Hương Foods tập trung vào các sản phẩm chủ lực cho mùa Tết như kiệu ngâm, dưa món; đẩy mạnh bán hàng đa kênh cả trực tuyến lẫn trực tiếp; đồng thời, tăng cường các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách.
Ở lĩnh vực dệt may, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt (thành phố Thủ Ðức) cho biết: Ðơn hàng đã đủ, công nhân đã có và sẵn sàng bắt tay làm cho mùa vụ cuối năm. Theo ông Việt, kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực, ngân hàng giải ngân vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng, lãi suất ổn định giúp các đơn vị kinh doanh yên tâm sản xuất. “Hiện kim ngạch xuất khẩu của công ty đã tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Chúng tôi vừa phát triển thị trường ở nước ngoài, vừa chú trọng vào thị trường trong nước.
Doanh nghiệp dệt may cũng đang chuyển hướng sản xuất xanh, đáp ứng các tiêu chí của quốc tế nên đơn hàng dồi dào hơn”, ông Việt nói. Còn đối với ngành vật liệu xây dựng, những tháng cuối năm cũng được xem là “cơ hội vàng” để doanh nghiệp bứt phá trong sản xuất, cũng như tìm kiếm đối tác mới cho năm sau. Ðiều này được thể hiện rõ nét trong không khí làm việc khẩn trương của Công ty Hào Hiệp (huyện Nhà Bè) chuyên cung cấp các loại đá ốp lát, xi-măng, cát, đá…
Doanh nghiệp này cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2024, hoạt động có phần chậm lại do thị trường tiêu thụ có dấu hiệu sụt giảm. Song tại thời điểm này, công ty đã bắt đầu có nhiều khách hàng tìm đến mua hàng. Vì vậy, công ty đang vận hành hết công suất để kịp tiến độ giao hàng.
Báo cáo mới đây của Ngân hàng UOB cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều lạc quan với triển vọng kinh doanh trong năm 2024. Họ tin rằng môi trường kinh doanh đang ngày càng tốt để duy trì đà tăng trưởng doanh thu. Nhiều công ty Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, sản xuất và kỹ thuật đặc biệt quan tâm đến việc vươn ra thị trường quốc tế.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ðức Lệnh cho biết: Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố sau khi giảm nhẹ vào tháng 7 với 0,09%, đến tháng 8 vừa qua đã tăng lên 0,75%. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 0,75% so với tháng trước; tăng 4,68% so với cuối năm và tăng 11,28% so với cùng kỳ năm 2023. “Tín dụng thành phố tăng trưởng trở lại là dấu hiệu rất tích cực đối với kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”, ông Lệnh nói.
Cũng theo ông Lệnh, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế của Thông tư số 02 và Thông tư số 06 giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm áp lực trả nợ vay, duy trì sản xuất và tạo lập dòng tiền để phát triển. Ðến nay, trên địa bàn đã có gần 43.000 khách hàng, doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, với tổng dư nợ đạt hơn 41.400 tỷ đồng.
Ðặc biệt, giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trong tám tháng đầu năm đã giải ngân hơn 425.600 tỷ đồng, bằng 83,3% so với quy mô gói tín dụng đăng ký từ đầu năm với hơn 146.900 khách hàng được hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc cho vay năm nhóm ngành lĩnh vực như xuất nhập khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; nông nghiệp nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng là động lực tăng trưởng kinh tế.