Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh (Quận 1) Phan Minh Thông, đơn vị chuyên xuất khẩu cà-phê, hồ tiêu, nhiều loại gia vị khác và có thị trường tiêu thụ ở nhiều quốc gia như châu Âu, Mỹ, Trung Đông... cho biết: Doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn vì cước phí vận chuyển. Theo ông Thông, chỉ trong vòng hai tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2024, cước vận tải biển từ cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ, châu Âu đã tăng tới 300%, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet. “Nguyên nhân tăng giá cước do chiến tranh, căng thẳng ở Biển Đỏ, thời gian vận chuyển dài ngày, các hãng tàu vận chuyển rút tàu, tạo ra khan hiếm giả….
Phúc Sinh bán hàng theo hình thức CIF (bên bán chịu chi phí vận chuyển). Cứ mỗi container chúng tôi bù thêm 5.000 USD, có tháng xuất đi 100 container đồng nghĩa phải bù thêm 500.000 USD (gần 13 tỷ đồng). Tuy chấp nhận lỗ, tự bù thêm chi phí vận chuyển nhưng để có tàu thời điểm này cũng không dễ”, ông Thông cho biết. Trước tình hình đó, ông Thông cho rằng không có giải pháp gì, chỉ có cách thương lượng với khách hàng chia sẻ chi phí.
Tuy nhiên, khách hàng cũng khó khăn. Không phải chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ, châu Âu… tất cả đều kiệt sức, trong khi các hãng tàu cứ tăng cao chi phí. “Giải pháp tình thế hiện nay là nỗ lực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để bán thêm hàng, có thêm đối tác; đàm phán với khách hàng theo giá mới. Còn trong nước cũng buộc phải tăng giá, nhiều mặt hàng tăng giá 40%. Đầu vào đã tăng 300% rồi nên dù không muốn cũng phải tăng bởi không còn cách nào khác”, ông Phan Minh Thông phân trần.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food, quận Bình Thạnh) Nguyễn Văn Thứ cho biết: Nhiều khách hàng mua nguyên liệu nha đam, thạch dừa của công ty đưa sang châu Âu, Mỹ bị ảnh hưởng nhiều do giá cước tăng, đơn hàng chậm hơn so với bình thường. “Cước phí các tuyến vận tải đường biển đều tăng. G.C Food xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản chưa nhiều nên giá không tăng, trong khi các tuyến Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng khoảng 10%”, ông Thứ nói.
Theo ông Thứ, nếu công ty phải trả chi phí đơn hàng xuất khẩu thì dù giá cước tăng cũng phải chấp nhận chứ chưa thương lượng được về giá với khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng chưa đề cập đến chuyện tăng giá mà chấp nhận giảm lợi nhuận, bù chi phí cước để hoạt động của khách hàng thuận lợi và duy trì đơn hàng. Đồng thời, G.C Food cũng tiếp cận thêm nhiều thị trường khác gần hơn như ASEAN để xuất khẩu.
Chuyên xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi sang nhiều thị trường trên thế giới, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thanh Tươi (huyện Bình Chánh) Võ Thanh Châu lo lắng: Nhiều lô hàng xuất đi châu Âu, đến phút cuối lại bị hoãn vì không có tàu. Các công ty dịch vụ logistics báo giá cước tăng liên tục trong khi giá đơn hàng đã hợp đồng từ trước.
“Giá cước đang thay đổi hằng tuần theo chiều hướng tăng khiến chúng tôi trở tay không kịp. Khi giá tăng quá cao, chúng tôi buộc phải chọn các tuyến đi đường vòng. Tuy nhiên, những sản phẩm như trái cây, nông sản tươi dễ hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp”, bà Châu chia sẻ. Để tránh thiệt hại, Công ty Thanh Tươi buộc phải tạm ngưng xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường có giá quá cao hoặc vận chuyển bằng máy bay.
Cước phí vận tải biển ở mức cao khiến hàng loạt ngành hàng xuất khẩu bị tác động mạnh, trong đó, có ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, lúa gạo và hàng điện tử…
Đây là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng. Nguyên nhân chính khiến cước tàu biển tăng, theo các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics, là do chiến tranh đang làm ảnh hưởng giá cước tàu biển trên toàn cầu. Một nguyên nhân khác là do vào mùa cao điểm và ở các doanh nghiệp đang tranh thủ nhập hàng tích trữ để bán dịp lễ Noel, dẫn tới giá cước tăng, khan hiếm container rỗng. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, giá cước tàu biển tăng cao đang gây nên rất nhiều khó khăn.
Trước đây, các hãng tàu báo giá cước cho thời gian 15 ngày đến một tháng thì nay chỉ báo giá theo tuần, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày. Lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và giao nhận hàng hóa (Quận 12) nói thêm: Do phía Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 8, vì vậy, các nhà xuất khẩu Trung Quốc và cả nhập khẩu của Mỹ muốn đẩy mạnh việc xuất, nhập khẩu trước thời hạn trên nhằm tránh bị đánh thuế. Phía các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã trả giá cao hơn để lấy chỗ trên tàu. Thời điểm hiện tại, Trung Quốc sẵn sàng trả giá đến 1.000 USD cho một chỗ trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ trả 600 USD nên không thể cạnh tranh.
Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến trên Biển Đỏ, từ đó, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác mua hàng; trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng và giao nhận hàng hóa. Đây là giải pháp tình thế nhằm thích ứng nhanh chóng với tình hình khủng hoảng đang xảy ra. “Doanh nghiệp cần đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.
Việc này nhằm giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nội ngành để chia sẻ chi phí vận tải, đàm phán giá cước vận tải tốt hơn với các hãng tàu; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh áp dụng khoa học-công nghệ để giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thương trường; đẩy mạnh áp dụng các giải pháp logistics hiệu quả, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để giảm thiểu tác động của việc cước vận tải biển tăng cao”, đại diện Sở Công thương cho biết.