Phóng viên: Ông cho biết cụ thể tại một số nội dung phiên họp quan trọng của các ủy ban, Đoàn Việt Nam dự kiến đóng góp những sáng kiến gì?
Chủ nhiệm Vũ Hải Hà: Tại Ủy ban Kinh tế, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào hai dự thảo nghị quyết trong chương trình nghị sự. Phát biểu đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs) trong thời kỳ Covid-19, những nỗ lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển các MSMEs, hỗ trợ số hóa đối với các doanh nghiệp này; hỗ trợ hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch trong ASEAN và một số đề xuất tăng cường hợp tác AIPA trong lĩnh vực này.
Đáng chú ý tại Nghị quyết thứ hai về “Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Hợp tác du lịch trong ASEAN” do Thái Lan bảo trợ. Đoàn Việt Nam dự kiến tập trung đóng góp khuyến nghị các nước có chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch; thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về du lịch.
Việt Nam kêu gọi các nước chia sẻ những tiêu chí đánh giá rủi ro, quy định xét nghiệm và hiện trạng tiêm chủng vaccine nhằm xây dựng hệ thống đánh giá, ưu tiên những thị trường trọng điểm; khuyến khích xây dựng các tiêu chuẩn và quy trình về sức khỏe và an toàn thống nhất trong ASEAN.
Vấn đề nữa là phục hồi và phát triển du lịch theo các nguyên tắc phát triển bền vững và toàn diện, trong đó không chỉ chú trọng đến bảo tồn đa dạng sinh học mà còn gắn liền với bảo tồn đa dạng văn hóa trong phát triển du lịch.
Đoàn chúng ta bổ sung cơ chế “bong bóng du lịch” như đã thảo luận trong ASEAN, AIPA, qua đó kêu gọi các nước thành viên tạo hành lang xanh, bắt đầu mở cửa biên giới trở lại tới các địa điểm đã an toàn, thiết lập đầy đủ thủ tục cần thiết và đánh giá được những rủi ro tiềm năng thông qua khung đánh giá ASEAN.
Tại Ủy ban Xã hội, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào ba dự thảo nghị quyết trong chương trình nghị sự. Trong đó, Nghị quyết 02 về “Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia” do Malaysia bảo trợ…
Phóng viên: Chủ nhiệm cho biết công tác chuẩn bị của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự sự kiện quan trọng này?
Chủ nhiệm Vũ Hải Hà: AIPA- 42 là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XV. Đại hội đồng lần này sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 23 đến 25/8/2021 với các hoạt động chính gồm: Lễ Khai mạc chính thức, phiên họp toàn thể thứ nhất, Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA, Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức, phiên họp toàn thể thứ 2 và Lễ Bế mạc.
Đoàn Việt Nam gồm 15 đại biểu Quốc hội có chuyên môn, ngoại ngữ và kinh nghiệm tham dự các hội nghị quốc tế và khu vực. Ngoài ra, còn có các cán bộ của Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia phục vụ nhằm bảo đảm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ về chính trị đối ngoại, lễ tân, hậu cần và tin học.
Ngoài ra, Lễ khai mạc, Bế mạc và các phiên họp toàn thể sẽ có thêm khách mời các cơ quan Quốc hội, các Bộ, ban ngành Trung ương và khách mời Quốc tế là Đại diện/Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao các nước ASEAN tại Việt Nam.
Nội dung quan trọng khác trong phiên khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thông điệp chào mừng Đại hội đồng AIPA- 42, hoan nghênh quan hệ hợp tác nghị viện AIPA cũng như sự đồng hành và ủng hộ Chính phủ các nước thành viên ASEAN phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Nghị viện AIPA phối hợp cùng Chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN củng cố và duy trì môi trường hòa bình, an ninh; tăng cường chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thu hẹp khoảng cách và bất bình đẳng số trong ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên toàn thể lần thứ nhất sẽ có bài phát biểu ý kiến, tập trung nhấn mạnh một số nội dung chính như: Đánh giá tình hình thế giới, khu vực qua đó nêu cao vai trò của hợp tác đa phương và sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN. Ghi nhận những nỗ lực của ASEAN và các quốc gia thành viên trong kiểm soát đại dịch Covid-19; khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và quan điểm của Việt Nam về hợp tác vaccine.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về chủ đề trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch Covid-19 được nêu trong các phiên họp WAIPA?
Chủ nhiệm Vũ Hải Hà: Điểm nhấn tại phiên họp Nữ nghị sỹ AIPA, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết về thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm. Mặt khác, đại biểu Quốc hội sẽ phát biểu một số nội dung về hoạt động của Quốc hội Việt Nam thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch.
Ban Tổ chức cho biết, Nghị quyết về “Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm” do Brunei Darussalam bảo trợ. Đoàn Việt Nam ủng hộ dự thảo nghị quyết và nêu thêm một số đề xuất: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách của quốc gia và khu vực tạo hành lang pháp lý thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế phối hợp, tạo liên kết khu vực để hỗ trợ phụ nữ có việc làm, tạo sinh kế, tham gia thị trường lao động thông qua môi trường kỹ thuật số. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến các chính sách hỗ trợ về tài chính để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ nghèo, mất việc ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có cơ hội tiếp cận việc làm và phát triển sinh kế.
Trân trọng cảm ơn ông!