Đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp

NDO -

Hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số và người có đạo trên cả nước gửi gắm nhiều niềm tin và kỳ vọng. Nhờ có những chủ trương, chính sách phù hợp của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, người có đạo ngày càng được cải thiện; người dân tăng cường đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đường phố TP Điện Biên Phủ (Điện Điên) rực rỡ chào mừng thành công Đại hội. Ảnh Lê Lan.
Đường phố TP Điện Biên Phủ (Điện Điên) rực rỡ chào mừng thành công Đại hội. Ảnh Lê Lan.

Lòng dân Tây Nguyên

Đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp -0
 Già làng Y Nuốt Byăh ở buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, luôn theo dõi tin tức về Đại hội.  Ảnh Công Lý.

Kể từ ngày khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay, ngày nào già làng Y Nuốt Byăh ở buôn Trí B, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cũng theo dõi tin tức về Đại hội trên truyền hình và báo chí, rồi tuyên truyền lại cho người thân trong gia đình và bà con buôn làng. Già làng Y Nuốt Byăh rất tin tưởng với những mục tiêu của Đại hội đề ra, vừa mang tính chiến lược, vừa có tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong những năm tới.

Già làng Y Nuốt Byăh bày tỏ: “Sau khi Ðại hội đề ra các chủ trương, đường lối, nghị quyết đúng đắn, sáng suốt rồi, vấn đề quan trọng là các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đại hội phù hợp tình hình thực tế ở địa phương mình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Còn với bà con các dân tộc trong tỉnh, nhờ có Đảng dẫn đường, chỉ lối nên đến nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi lớn so với trước đây, thì nay cần tiếp tục tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, xây dựng buôn làng, quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Từ xã Krông Na, chúng tôi vòng sang xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar, trong những ngày này trên các nẻo đường dẫn vào các thôn, buôn như được khoác lên mình tấm áo mới bởi những băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa chào mừng Đại hội. Xã Cư M’gar là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc như Kinh, Êđê, Tày, Nùng…Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, bộ mặt buôn làng ngày càng khởi sắc. Hiện xã Cư M’gar đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang làm thủ tục để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một điều đặc biệt ở đây là để chào mừng Đại hội, nhân dân các dân tộc xã Cư M’gar đã tự nguyện góp kinh phí, công sức thực hiện “đường cờ”, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường hai bên rợp cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trong gió, người dân ở đây ai cũng tự hào, phấn chấn khi đã cùng nhau làm “đường cờ” này để chào  mừng Đại hội. Bà Hồ Thị Thanh ở thôn 4, xã Cư M’gar tự hào: “Tôi cũng như bà con sinh sống hai bên con đường này cảm thấy rất vui khi đã đoàn kết cùng nhau góp tiền, công sức trang trí cờ hoa trên tuyến đường này, tạo một diện mạo mới cho địa phương trong những ngày diễn ra Đại hội.

Bà con làm “đường cờ” này kỳ vọng Đại hội sẽ đề ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, mang tầm chiến lược, đưa cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới”. Còn chị H’Băm Kbuôn, ở buôn Trăp, chia sẻ: “Khi chính quyền địa phương phát động đóng góp xây dựng “đường cờ” chào mừng Đại hội, gia đình tôi cũng như người dân trong buôn đã tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện. Ngoài đóng góp kinh phí, tôi cũng tạm gác công việc đồng áng cuối năm để cùng làm với mọi người. Khi con đường hoàn thành, hằng ngày đi trên con đường rợp cờ tung bay ai cũng thấy tự hào và nhắc nhở nhau cần phải đoàn kết hơn nữa để xây dựng buôn, làng giàu đẹp”.

Bí thư Đảng ủy xã Cư M’gar Trần Thị Hải Yến phấn khởi cho biết: Đảng bộ, chính quyền xã đã vận động nhân dân thực hiện “đường cờ” chạy dọc trục đường chính của trung tâm xã. Với sự đồng thuận, bà con 14 thôn, buôn trên địa bàn xã đã đóng góp 40 triệu đồng và hàng trăm ngày công để làm “đường cờ” này. Trong thời gian chưa đầy một tháng “đường cờ” dài bảy km, với hơn 200 trụ cờ đã hoàn thành. Cùng với việc thực hiện “đường cờ”, hòa chung không khí thi đua, đón mừng sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, bà con xã Cư M’gar cũng đã sôi nổi, tích cực góp công, góp sức cùng với chính quyền địa phương chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, làm sạch môi trường…

Thông qua các hoạt động này, không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng Đại hội mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó trong nhân dân; hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, cùng vươn lên trong cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đắk Lắk H’Kim Hoa Byăh cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Lắk có những bước phát triển vượt bậc, cuộc sống của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện, nâng lên về mọi mặt. Đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống và có nhiều đóng góp to lớn xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp.

Hướng về Ðại hội Đảng lần này, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung tin tưởng tuyệt đối rằng, Ðảng ta sẽ đề ra quyết sách đúng đắn để đưa đất nước tiếp tục phát triển toàn diện và hội nhập quốc tế trong thời gian tới. Đảng sẽ quan tâm nhiều hơn đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, sẽ có nhiều nghị quyết, chính sách, dự án ưu tiên đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực này, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, để nhân dân miền ngược cũng như miền xuôi đều được thụ hưởng những thành quả to lớn từ đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo mang lại.

Trong những ngày này, từ thành phố Buôn Ma Thuột đến các huyện, xã, thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Đắk Lắk đều tràn ngập cờ, hoa, băng rôn chào mừng Ðại hội. Hướng về đại hội, cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đều tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của đại hội, đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh và không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân. Tin tưởng, tự hào vào sự lãnh đạo của Đảng bao nhiêu, đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk càng tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc bấy nhiêu và thi đua lao động sản xuất, xây dựng buôn làng, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đổi thay ở Tây Bắc

Đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp -0
Bản làng vùng cao Điện Biên đang đổi thay từng ngày. Ảnh Lê Lan. 

Từ một vùng đất mang trong mình chi chít hố bom, chiến hào kể từ sau trận chiến lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu Điện Biên Phủ năm 1954, Điện Biên nay đã có 10 huyện, thị xã, thành phố với tổng dân số hơn 560 nghìn người; thu nhập bình quân đạt hơn 38 triệu đồng/người/năm. Năm 2020, toàn tỉnh đã có 38 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 11.765 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 12.717 tỷ đồng. Từ vùng cao đến vùng thấp, từ những nơi xa xôi hẻo lánh trên núi cao như: Xa Dung, Pú Nhung, Tủa Thàng, Sín Chải…cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày.

Nói về cuộc sống mới của người dân ở xã Anh hùng LLVTND Xa Dung (huyện Điện Biên Đông), Chủ tịch UBND xã Xa Dung Lầu A Sá phấn khởi khoe: “Kiên trì mục tiêu giảm nghèo đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Xa Dung đã giảm còn 40,2%; 18/19 bản trong xã được công nhận bản văn hóa; 100% học sinh các cấp đều đến trường. Khắc phục khó khăn về địa hình đồi núi cao, đường sá đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc H’Mông ở Xa Dung đã dần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất; chuyển từ thói quen độc canh cây lúa trên nương, cây ngô trên đồi sang trồng lúa nước ven các khe suối, thung lũng.

Có sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, chính quyền địa phương, phụ nữ dân tộc H’Mông ở Xa Dung đã biết trồng thêm cây lạc, đậu tương trên những thửa ruộng bậc thang để tăng thu lương thực đồng thời cải tạo chất đất để cây lúa vụ sau thêm dinh dưỡng nuôi bông. Thói quen thả rông gia súc trên rừng cũng dần được thay bằng cách nuôi nhốt gia súc trong chuồng, cho ăn uống đầy đủ đảm bảo sức khỏe gia súc và duy trì đàn. Nhờ đó mà xã vùng cao Xa Dung đã có 55ha lúa nước hai vụ cho năng suất gần 50 tạ/ha và tổng sản lượng đạt 215 tấn.

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xa Dung Lầu Chứ Sính, cho biết thêm. Đó là thành tựu của một bước chuyển vượt bậc về tư duy và phương thức sản xuất mà phải rất nhiều năm cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương vào cuộc tuyên truyền, vận động mới có được. Trước đó, dân nghèo một chữ chẻ đôi không biết; khoa học kỹ thuật càng không nên nhiều năm sau vẫn cứ thói quen lên rừng tìm củ mài củ nâu; đàn ông đi săn thú, đàn bà tìm măng sống qua ngày. Song may mắn là Xa Dung có lớp thế hệ đảng viên đầu tiên người dân tộc H’Mông gồm các ông: Mùa Sống Lử, Vàng Nhè Trống, Sùng Giống Lềnh… đã tuyên truyền, chỉ bảo người dân tin theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn; vận động nhân dân chung sức đồng lòng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất, sản lượng. Với con người thì khi ốm đau phải đưa đến y tế, bệnh viện chứ không ở nhà chờ thầy mo thầy cúng chữa…

Dần dần, người dân hiểu, tin tưởng, làm theo. Từ một tổ đảng với ba đảng viên được thành lập năm 1959, đến nay Xa Dung đã là một Đảng bộ với gần 200 đảng viên. Xã không còn bản “trắng” đảng viên và đặc biệt là tình đoàn kết, niềm tin tưởng nhân dân các dân tộc ở Xa Dung luôn dành trọn với Đảng, xứng đáng với danh hiệu xã Anh hùng LLVTND…

Vượt qua khó khăn đặc thù của tỉnh miền núi xa trung tâm kinh tế, lại có đường biên giới dài, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là sự cộng đồng trách nhiệm, đoàn kết nỗ lực vượt khó của 19 dân tộc trên địa bàn, Điện Biên hôm nay đang từng ngày “thay da đổi thịt”.

Các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc

Quan tâm đến Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hòa thượng Thích Đức Thanh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc xuyên suốt các thời kỳ lịch sử. Từ trước đến nay, cộng đồng tăng ni, phật tử luôn luôn trước sau như một với dân tộc, đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc và khẳng định tinh thần xuyên suốt không đi ngược quyền lợi và hướng đi của dân tộc.

Với Đại hội của Đảng lần này, Phật giáo Việt Nam nói chung và tăng ni, đồng bào phật tử tại Thừa Thiên Huế nói riêng một lần nữa khẳng định vai trò đồng hành, chung sức cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chung tay xây dựng đất nước ngày càng phát triển. GHPG Việt Nam tỉnh và cộng đồng tăng ni, phật tử luôn tin tưởng kỳ Đại hội này sẽ thành công tốt đẹp; đồng thời gửi gắm niềm tin, kỳ vọng vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng nhiệm kỳ mới sẽ đạt được nhiều thắng lợi hơn nữa, có những quyết sách, sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và xây dựng đất nước Việt Nam sớm trở thành nước phát triển.

Cùng quan điểm và kỳ vọng về thành công của Đại hội, Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò cầm quyền, lãnh đạo đưa con thuyền cách mạng nước ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới và hội nhập cộng đồng quốc tế. Mục tiêu và lý tưởng của Đảng là phục vụ Tổ quốc, nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội chắc chắn thành công rực rỡ, đem lại sự phấn khởi và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Tại phường Phước Vĩnh (TP Huế), nơi có nhiều đồng bào Công giáo sinh sống, công tác tập hợp đồng bào lương - giáo, đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư là một trong những việc làm có ý nghĩa thiết thực, có sức lôi cuốn và tạo được sự đồng thuận cao trong nội bộ nhân dân, góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn thành phố.

Ông Trần Công Niên (79 tuổi), trú Tổ dân phố 16 (phường Phước Vĩnh), một giáo dân tiêu biểu, đồng thời là cán bộ dân dân phố mẫu mực, người đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho cuộc sống người dân, nhất là đồng bào Công giáo trên địa bàn. Trong câu chuyện với chúng tôi, lúc nào ông Niên cũng nhắc: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đó là lời dạy của Bác Hồ kính yêu, cũng là bài học đi suốt cuộc đời mà ông đã chọn.

Tổ dân phố 16 mà ông Trần Công Niên làm tổ trưởng hiện có 260 hộ (877 nhân khẩu), có đến 65% là giáo dân. Trải qua hơn 40 năm giữ cương vị tổ trưởng tổ dân phố, ông Niên biết cuộc sống người dân trong tổ cần gì. Chỉ cần luôn giữ vững sự đoàn kết, thống nhất sẽ vượt qua tất cả những khó khăn. Nhờ đó, ông luôn là trung tâm giữ vững mối đoàn kết lương- giáo trong phường. Không chỉ là tổ trưởng tổ dân phố, ông còn là đại biểu HĐND phường; thành viên Ban bảo vệ Tổ dân phố khu vực 6; Trưởng ban Điều hành “Liên kết vùng giáo thanh bình” phường.

Ông vinh dự là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; Thư ký Hội đồng cố vấn Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam. Ông là người duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 10 gương mặt tiêu biểu được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trao tặng Bằng khen “Vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Sống tốt đời, đẹp đạo”; vinh dự nhận Kỷ niệm chương “Đồng hành cùng dân tộc” do Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tặng; nhận Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do UBND tỉnh tặng.

Ông Niên tâm sự: “Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đạt được nhiều thành quả được ghi nhận, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cũng như nâng cao niềm tin của nhân dân nói chung, đồng bào Công giáo ở Giáo xứ Phủ Cam nói riêng đối với Đảng. Tôi tin rằng, nhiệm kỳ tới, Đảng tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đưa ra những quyết sách, nghị quyết mang tính đột phá để đưa đất nước ngày càng đi lên”.

Đại hội XIII của Đảng được toàn dân và toàn quân chờ mong và tin tưởng vào những mục tiêu chiến lược, những biện pháp đúng đắn mang tính đột phá mà Đảng đưa ra cho nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo. Đồng bào các dân tộc, tôn giáo và nhân dân Thừa Thiên Huế đã tin tưởng, phấn khởi về một kỳ Đại hội Đảng thành công tốt đẹp.