Để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng thì cách tốt nhất là phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Xác định rõ như vậy, Đảng bộ xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đề cao ý thức, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Đảng ủy xã đã cụ thể hóa các nội dung nêu gương theo Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp điều kiện và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc (xã vùng núi Chi Lăng có nhiều dân tộc anh em, trong đó 80% là đồng bào dân tộc Nùng, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp). Xã xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày.
Người đứng đầu các tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung nêu gương theo quy định và nêu gương gắn với chức trách, nhiệm vụ của mình. Các đồng chí bí thư cấp ủy nêu gương trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nghị quyết của chi bộ, Đảng bộ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thôn, xóm; trong đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, lãng phí.
Trong mỗi kỳ sinh hoạt, các chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã tổ chức tự phê bình và phê bình với nội dung cụ thể, thiết thực hướng vào việc kiểm điểm, phân tích, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất năng lực, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên. Những hạn chế, khuyết điểm không tái diễn, kéo dài, do đó đã khích lệ mọi đảng viên trong chi bộ phát huy tính chủ động, mạnh dạn đóng góp ý kiến đối với sự lãnh đạo của chi bộ cũng như “tự soi, tự sửa” rất thẳng thắn, giúp nhau cùng tiến bộ. Nét nổi bật ở Chi Lăng nhiều năm nay, cùng với đẩy mạnh thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn thường xuyên lắng nghe, đối thoại, nhất là đối thoại về những vấn đề được đảng viên, dư luận quan tâm và có ý kiến khác nhau.
Nhờ đó, Chi Lăng tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong nhận thức và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội, thường xuyên tự phê bình và phê bình đã giúp Đảng bộ xã đoàn kết, thống nhất, vững mạnh, cùng với Mặt trận Tổ quốc đã tập hợp, quy tụ và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ, mục tiêu đề ra. Năm 2014, xã Chi Lăng là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019 xã tiếp tục là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, Chi Lăng được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đoàn kết, thống nhất trong Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách. Từ thực tiễn ở Chi Lăng, tôi càng thấy được nhiều giá trị từ những giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dày công khái quát từ thực tiễn công tác của mình và của Đảng. Đúng như tác giả cuốn sách khẳng định: Chỉ khi làm tốt công tác xây dựng Đảng, Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” thì nhân dân mới thật sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ, phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp chung dưới sự lãnh đạo của Đảng.