Hai cuốn sách về biển đảo quê hương của ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, giúp các thế hệ trẻ người Việt xa quê tìm về cội nguồn, hiểu hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.
Phóng viên: Ông vừa hoàn thành cuốn sách thứ hai “Biển đảo - lịch sử và pháp lý”đúng và o dịp cuốn sách “Biển đảo quê hương” đoạt giải Ba Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII và giành được nhiều sự quan tâm từ độc giả. Ông có thể chia sẻ về lý do thôi thúc ông viết hai cuốn sách rất ý nghĩa này?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Trong năm 2016, tôi có dịp đến thăm Trường Sa. Là một kiều bào xa quê, được đến quần đảo thiêng liêng này không chỉ là hạnh phúc mà còn là vinh dự của tôi. Thế nhưng, phải đến 4 năm sau đó tôi mới bắt đầu chắp bút viết những quyển sách này. Tôi còn nhớ rất rõ, trong một ngày năm 2020, trong ngày sinh nhật cháu ngoại, con gái tôi chợt hỏi: “Ba có nhớ hôm nay cũng là ngày gì không?” Lúc đó tôi mới bỗng nhớ lại rằng đây là những tháng ngày tôi được đặt chân đến Trường Sa.
Ngay tức khắc, trong đầu tôi sáng lên một ý tưởng rằng tại sao mình không viết một cuốn sách để nhiều người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể biết được thêm về Trường Sa và Hoàng Sa, để hiểu rõ hơn sự hy sinh của các chiến sĩ và của nhân dân đã đấu tranh bảo vệ từng tấc đất của quê hương Việt Nam. Để chúng ta hiểu rằng ngoài vùng đất, vùng biển, vùng trời, thì đất nước Việt Nam chúng ta vẫn còn các quần đảo nơi xa xôi nữa. Và thế là tôi bắt tay vào viết quyển sách đầu tiên với tựa đề “Biển đảo quê hương”.
Sau sự thành công của quyển sách đầu tiên, tôi nghĩ rằng mình cũng phải lý giải cho cộng đồng kiều bào và bạn bè quốc tế về lịch sử của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính ý nghĩ này thôi thúc tôi viết cuốn sách thứ hai, là sự tổng hợp của những bài báo, những hình ảnh cũng như bản đồ từ cổ xưa cho đến ngày nay của các chuyên gia phân tích về Biển Đông và hai quần đảo này.
Viết cuốn “Biển đảo - lịch sử và pháp lý”, tôi chỉ mong sao độc giả có thể hiểu rõ quá trình hình thành và tồn tại của hai quần đảo. Qua đó, tôi mong muốn khẳng định rằng hai quần đảo này thuộc chủ quyền của nước ta, là đất là biển thiêng mà ông cha ta đã hy sinh và bảo vệ mới có cho tới ngày nay.
Người lính đảo làm nhiệm vụ dưới nắng gắt chói chang. |
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ đôi nét về những kỷ niệm, những câu chuyện mà ông tâm đắc trong chuyến hành trình tìm về nguồn cội, thăm hỏi, động viên quân dân sinh sống và làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2016. Kỷ niệm nào đã trở thành nguồn cảm hứng để ông viết sách?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Về những kỷ niệm và cảm xúc, có một câu chuyện như thế này. Lần đầu tôi đặt chân đến đảo Đá Lớn, lúc mới thấy, tôi thắc mắc tại sao lại có một chiến sĩ gốc Phi làm nhiệm vụ canh gác đảo của Việt Nam? Khi đến gần thì tôi vô cùng cảm động, là nắng cháy chói chang, là gió biển mặn mòi, là sự gian khổ đã nhuộm đen làn da chiến sĩ. Tôi thật sự ngỡ ngàng và rất cảm động vì sự hy sinh của các anh là quá lớn.
Rời Đá Lớn, chúng tôi đến đảo Sinh Tồn. Nhìn ra bốn bề đều là nước biển, nhưng thau nước rửa mặt của chúng tôi là nước ngọt và lại quá mát lành. Hỏi một đồng chí ở đó, anh lặng nhìn xa xăm rồi thỏ thẻ: “Đây là tấm lòng của tụi cháu. Nước ở đây rất quý, nhưng các cô chú kiều bào xa quê đến đây thăm hỏi chúng cháu, cất công đưa vật dụng, thực phẩm từ đất liền ra giữa biển khơi, còn quý hơn rất nhiều. Tấm chân tình ấy mới thật sự là vô giá”.
Ông Nguyễn Thanh Tòng trò chuyện với một chiến sĩ hải quân. Ông rất khâm phục tinh thần kiên cường, kiên trung của các chiến sĩ "da rám nắng" nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. |
Tôi khó có thể kiềm chế cảm xúc của mình đối với những người lính đảo và ngư dân sống giữa mênh mông biển khơi và sỏi đá, đang phải chắt chiu từng giọt nước ngọt để màu xanh nảy mầm trên đất đảo.
Tôi cũng chẳng thể giấu được nỗi xúc động trước thắc mắc ngây ngô của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ngoài đảo xa, chẳng bao giờ biết tới vị ngọt của thứ quả “đầy gai góc” và “lạ lẫm” được học từ trang sách. Chôm chôm là một loại trái cây bình thường và phổ biến ở đất liền, nhưng trên đảo thì bỗng trở thành thức quà xa lạ. Qua đó mới thấy dù thiếu thốn nhưng quân và dân mình vẫn thật kiên cường vượt lên gian khó, thiếu thốn để giữ gìn chủ quyền của biển đảo quê mình.
Phóng viên: Sau khi cuốn sách ra đời, ông đã nhận được phản hồi thế nào từ bạn đọc trong nước và quốc tế?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Mọi người có phản hồi với tôi rằng quyển sách rất hữu ích với họ. Khi về Việt Nam, có một độc giả trẻ tầm hơn 20 tuổi chia sẻ với tôi rằng đây là lần đầu tiên em biết nhiều và rõ ràng về biển đảo như vậy. Em rất cảm động khi biết về sự thiếu thốn của các chiến sĩ, phải nuôi gà, trồng rau trong điều kiện thiếu nước nhưng vẫn bám trụ để giữ đảo.
Còn ở Pháp, những người bạn Pháp của chúng tôi cũng nói rằng họ biết Việt Nam có hai quần đảo, nhưng tất cả những gì họ biết chỉ là những vấn đề trên biển đang nổi cộm thông qua tin tức thời sự. Nhờ có quyển sách được viết bằng song ngữ Pháp-Việt mà họ mới hiểu được vẻ đẹp, sự kiên cường và giá trị chủ quyền của hai quần đảo đối với Việt Nam. Những điều này cũng chính là mục đích của tôi khi bắt đầu viết sách.
Câu chuyện về những đứa trẻ theo cha mẹ lớn lên trên đảo ngoài khơi xa. (Ảnh: KHẢI HOÀN) |
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi biết tin cuốn sách "Biển đảo quê hương" vừa được trao giải Ba Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: Khi nhận được tin mình đoạt giải, và đặc biệt là khi nhìn thấy hình ảnh lễ trao giải, tôi rất xúc động và hạnh phúc. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì cuốn sách đã lan tỏa đến những người trẻ về chủ quyền của biển đảo. Đó mới thật sự là giá trị tôi nhận được sau khi viết hai cuốn sách này.
Phóng viên: Sau chuyến đi đến Trường Sa và viết hai quyển sách về biển đảo, ông có lời nào nhắn gửi đến các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn đang sống ở nước ngoài?
Ông Nguyễn Thanh Tòng: “Đoàn kết” là điều tôi muốn nói tới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, luôn luôn gắn bó song hành cùng đất nước, cũng như mạnh mẽ kiên cường trong mỗi phong trào đoàn kết, đấu tranh cùng dân tộc. Dù chúng ta sinh ra ở đâu, lớn lên ở đâu, làm việc ở đâu, nhưng biển đảo và quê hương vẫn luôn ở đó, minh chứng chủ quyền của dân tộc Việt Nam trên Biển Đông vẫn còn đó. Phải đoàn kết thì mới giữ được những gì thuộc về ông cha chúng ta, những gì thuộc về ông cha chúng ta cũng chính là của chúng ta. Vậy nên, tôi chỉ nghĩ đến mấy chữ “đại đoàn kết dân tộc”!
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.