Chiều 17-5, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào từ tỉnh Savannakhet, TS, BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Trưởng đoàn cho biết, ngày 16-5, đoàn đã gặp và làm việc với lãnh đạo tỉnh và Sở Y tế tỉnh Savannakhet, bàn định hướng một số công tác tại tỉnh.
Sáng 17-5, sau khi làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Savannakhet, đoàn đã lập kế hoạch và thống nhất các hoạt động trong thời gian tại địa phương này, đặc biệt là việc tư vấn cho phía Lào để có thể ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh thực tế đang diễn ra, trong đó có tính đến các đợt bùng phát nếu xảy ra, thường là các đợt sau sẽ có diễn biến phức tạp hơn. Hôm nay, đoàn đã triển khai thành hai nhóm chính để đến làm việc tại các khu vực mà bạn yêu cầu, trong đó, một nhóm đến làm việc tại bệnh viện tỉnh, một nhóm buổi sáng đến các cơ sở cách ly, chiều sẽ đến những địa điểm có lây nhiễm cộng đồng.
Tại các điểm nóng của tỉnh Savannakhet về dịch Covid-19, đoàn sẽ đến làm việc tại bệnh viện dã chiến, hiện nay tại đây có hai cơ sở bệnh viện dã chiến, đến các bệnh viện huyện, xã; riêng tại các xã Savannakhet có khoảng 200 trạm y tế xã. Đoàn thăm, đánh giá tình hình tại quầy thuốc, phòng khám tư nhân, bệnh viện nhỏ. Đây là các cơ sở y tế rất quan trọng vì có thể sớm phát hiện các trường hợp có dấu hiệu chỉ điểm, các ca chỉ điểm về các trường hợp nghi nhiễm Covid-19, giúp cho hệ thống y tế có thể nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời với dịch bệnh.
Trước đó, trong các ngày 11-15, tại Champasak, với nhiệm vụ hỗ trợ Lào trong công tác xây dựng bệnh viện dã chiến, công tác điều trị, công tác xét nghiệm, truy vết nhằm giúp Lào ứng phó dịch Covid-19, đoàn đã phối hợp với phía Lào để triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đoàn đã làm việc tại Sở Y tế tỉnh Champasak, nghe báo cáo tình hình dịch bệnh tại tỉnh Champasak, đồng thời thảo luận về các biện pháp đã và đang triển khai phòng,chống dịch của tỉnh; thảo luận về các vấn đề nhập cảnh, cách ly; chia sẻ kinh nghiệm, bài học từ đáp ứng phòng chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; kinh nghiệm xét nghiệm trong cộng đồng của Việt Nam. Tại Champasack, đoàn chia làm hai tổ gồm Tổ dự phòng do ThS, BS Nguyễn Công Khanh là Tổ trưởng chịu trách nhiệm về giám sát dịch tễ, truy vết, xác định đối tượng cách ly, công tác xét nghiệm, tiêm chủng vaccine, vệ sinh môi trường và Tổ Quản lý điều trị do TS, BS Vương Ánh Dương làm Tổ trưởng chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn bệnh viện/cơ sở khám chữa bệnh phòng chống Covid-19; năng lực điều trị, quản lý ca bệnh Covid-19.
Tổ Quản lý điều trị đã khảo sát thực tế tình hình tại các bệnh viện bao gồm: Bệnh viện đa khoa Champasak, Bệnh viện Phonthong, Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện 106 về kế hoạch đáp ứng khi có dich bệnh Covid-19 xảy ra trong bệnh viện; Công tác sàng lọc phân luồng cách ly bệnh nhân điều trị; Công tác chẩn đoán và hướng dẫn điều trị và phương pháp điều trị hiện tại đang áp dụng. Tổ dự phòng đã khảo sát tình hình thực tế tại làng Phonesavanh nơi có nhiều ca bệnh cộng đồng, khảo sát tại một số cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xét nghiệm, cơ sở tổ chức tiêm chủng. Đoàn cũng đã đề xuất các giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn và đánh giá cao nỗ lực của lực lượng y tế của Lào đã triển khai đồng loạt các hoạt động phòng, chống dịch.
Đối với công tác điều trị, Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đã đề xuất và hướng dẫn các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch chung của ban chỉ đạo phòng, chống dịch, có các phương án đáp ứng tương ứng với các cấp độ dịch xảy ra; đề xuất địa phương cần kết nối hệ thống công nghệ thông tin trực tuyến để kết nối hội chẩn với các đơn vị bệnh viện tỉnh khác và báo cáo kết quả hằng ngày.
Đối với lĩnh vực dự phòng, Đoàn chuyên gia Bộ Y tế đề xuất và chia sẻ các giải pháp để nâng cao năng lực xét nghiệm như: Xét nghiệm mẫu gộp để tăng công suất và số lượng mẫu được xét nghiệm; Tập huấn cho các thành viên tổ giám sát Covid-19 tại thôn, làng về các quy trình giám sát và theo dõi các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong khu vực được cách ly.
Nhìn chung, có thể nói công tác phòng chống dịch tại Champasak đã và đang thực hiện khá tốt, đã huy động được sự vào cuộc đồng bộ hệ thống chính trị, công tác chỉ đạo điều hành đồng bộ, xuyên suốt, các đơn vị được phân công nhiệm vụ đang thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.
Đặc biệt thời gian tại Champasak, đoàn đã phối hợp với cơ sở y tế địa phương cứu trợ kịp thời một ca dương tính với Covid-19 là thai phụ Lào 31 tuổi, mang thai lần hai tại Bệnh viện Phonthong. Sau khi nghe các bác sĩ Lào thông báo về tình hình người bệnh, đoàn công tác lập tức hỗ trợ phía bạn Lào trong công tác điều trị; đề xuất thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá sâu hơn về tình trạng nhiễm trùng và tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân mà hiện tại bệnh viện chưa thực hiện được và yêu cầu có bác sĩ chuyên khoa sản và máy siêu âm tại chỗ để phục vụ cho việc thăm khám đánh giá tình trạng thai nghén của bệnh nhân.
Một trường hợp khác, đoàn cùng với y bác sĩ của địa phương tiến hành xử trí cấp cứu cho một nam người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Phonthong. Người bệnh 36 tuổi, làm nghề kinh doanh, là trường hợp nhập cảnh từ Thái Lan vào ngày 11-5. Qua theo dõi cho thấy, người bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, các chỉ số huyết động trong giới hạn bình thường. Đoàn đã hướng dẫn trực tiếp cho cơ sở y tế địa phương hướng theo dõi và xử trí tiếp theo, tuy nhiên do có thể diễn biến nặng hơn, Đoàn đã trực tiếp tư vấn với đội ngũ nhân viên y tế theo dõi sát tình trạng lâm sàng và xét nghiệm của người bệnh, đồng thời tư vấn chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện 106 có cơ sở vật chất tốt hơn.
Đoàn công tác của Bộ Y tế Việt Nam gồm các chuyên gia về bác sĩ hồi sức tích cực, điều dưỡng hồi sức, bác sĩ tim mạch, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, bác sĩ dịch tễ, xét nghiệm và vệ sinh môi trường từ 8 đơn vị thuộc tuyến Trung ương của Bộ Y tế gồm Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Quản lý Môi trường Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và các bệnh viện là Bạch Mai và Chợ Rẫy.