Đóa sen bên dòng sông Tiền

Nằm bên dòng sông Tiền hiền hòa, thơ mộng, di tích Ðịa điểm chuyển quân ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh (tại khóm 6, phường 6, thành phố Cao Lãnh) là một điểm tham quan mới mang đậm nét đặc trưng của tỉnh Ðồng Tháp.
0:00 / 0:00
0:00
Tượng đài tại Khu lưu niệm di tích Ðịa điểm tập kết ra bắc năm 1954.
Tượng đài tại Khu lưu niệm di tích Ðịa điểm tập kết ra bắc năm 1954.

Cứ mỗi sáng hay chiều về, nơi đây thu hút nhiều người tìm đến bởi không gian đẹp, lộng gió. Phía xa xa là hình ảnh chiếc cầu dây văng (cầu Cao Lãnh) với vẻ đẹp hiện đại bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Ðồng Tháp. Từ lâu, địa danh này đã được nhiều người biết đến bởi có giá trị to lớn về mặt lịch sử. Ðể làm chứng tích nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, tỉnh Ðồng Tháp đã khoanh vùng bảo vệ.

Cách đây năm tháng, di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia, thuộc loại hình Di tích lịch sử lưu niệm sự kiện. Cùng với đó, Khu lưu niệm sự kiện tập kết chuyển quân ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh, công trình phát huy giá trị di tích cũng được xây dựng với diện tích 13.301 m2. Nơi đây không những có ý nghĩa lịch sử địa phương mà còn có ý nghĩa lịch sử quốc gia, quốc tế. Hơn nữa, là địa điểm thực thi Hiệp định Geneva, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Ðông Dương.

Ðịa điểm chuyển quân ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh là nơi diễn ra cuộc đưa tiễn cán bộ, chiến sĩ và học sinh con em gia đình cách mạng rời mảnh đất quê hương để lên tàu ra miền bắc. Từ đây, vùng tập kết Cao Lãnh nhận các đoàn tập kết của các tỉnh Quân khu 8 và Quân khu 6 dồn dập đổ về, hầu hết đều được bố trí ở nhà dân. Tổng cộng ba đợt chuyển quân, đưa tiễn 13.508 người, trong đó riêng tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Ðồng Tháp) là 2.655 người. Mọi người xuống tàu ra bắc với tinh thần "Ði vinh quang-Ở anh dũng". Tàu của Liên Xô, Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan… chuyên chở bộ đội, cán bộ, con em gia đình cách mạng từ bến bắc Cao Lãnh ra Vũng Tàu, rồi từ Vũng Tàu chạy ba ngày đêm ra đến nơi đổ quân là Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Theo thời gian, do sự biến đổi của thiên nhiên, vị trí bãi bồi, Ðịa điểm chuyển quân ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh năm xưa bị ảnh hưởng bởi dòng chảy của sông Tiền. Dòng nước xoáy đã làm xói mòn, sạt lở một phần bãi bồi, chia cắt địa điểm bến bắc năm xưa thành hai nơi bởi con rạch Mương Cai. Lãnh đạo tỉnh Ðồng Tháp chỉ đạo thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng công trình lưu niệm gắn kết với địa điểm phía tây rạch Mương Cai để giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di tích.

Ðến với Khu lưu niệm di tích Ðịa điểm chuyển quân ra bắc năm 1954 tại Cao Lãnh, khách tham quan sẽ bị cuốn hút bởi bố cục liên hoàn như: khuôn viên cây xanh, sân lễ, tầng hầm, tượng đài, phù điêu, đường nội bộ, bờ kè. Tổng thể mặt bằng khuôn viên Khu lưu niệm mang dáng dấp như một đóa sen đang nở bên dòng sông Tiền hiền hòa, thơ mộng. Khuôn viên cây xanh là một trong những hạng mục khá quan trọng, tạo nên điểm nhấn để tôn lên giá trị Khu lưu niệm. Nằm ở trung tâm khu này là Tượng đài sự kiện tập kết chuyển quân ra bắc năm 1954, thể hiện hình ảnh người mẹ lưu luyến tiễn đưa người con, gửi gắm tình cảm thiêng liêng của người dân miền nam đến Bác Hồ, đến miền bắc ruột thịt; cùng hàm ý những người ra đi không quên nguồn cội, "Ra đi để trở về". Và họ thật sự đã trở về khi đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975, sau 21 năm "nối lại đôi bờ". Công trình do Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ðồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Ðồng Nai, Tây Ninh-các địa phương có cán bộ, chiến sĩ và học sinh tập kết tại Cao Lãnh đóng góp xây dựng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh Lê Thị Mai Trinh cho biết, nơi đây được trưng dụng làm bến tàu đón du khách tham quan cồn Tân Thuận Ðông. Về lâu dài, thành phố sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đưa di tích chính thức trở thành một trong những điểm tham quan của tour du lịch sông nước. Với vị trí địa lý đẹp, thuận lợi cả về giao thông thủy lẫn bộ, trong tương lai sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn của tuyến du lịch thủy nội địa và quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh Ðồng Tháp đến bạn bè trong và ngoài nước.