Đồ trang trí Việt lên ngôi mùa Tết

Thay vì chọn những sản phẩm trang trí Tết của nước ngoài, năm nay, các cửa hàng, siêu thị tung ra nhiều sản phẩm như đèn lồng, câu đối, các loại hoa… mang đậm bản sắc Việt với mong muốn cầu chúc một năm bình an, may mắn.
0:00 / 0:00
0:00
Khách hàng lựa chọn đồ trang trí Tết thuần Việt bày bán trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5.
Khách hàng lựa chọn đồ trang trí Tết thuần Việt bày bán trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5.

Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời điểm này, trên tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông (Quận5 5) rợp sắc đỏ, vàng như khoác lên mình chiếc áo mới chờ đón xuân. Hàng nghìn sản phẩm trang trí Tết được làm từ các nguyên liệu trong nước như mây, tre, nứa, giấy, mút xốp… tạo thành hình bánh chưng, bánh tét, lời chúc, bao lì xì.

Lựa chọn một sản phẩm treo tường có chữ Tết đỏ rực làm bằng xốp, chung quanh được trang trí phụ kiện là hoa mai, hoa đào làm từ giấy, anh Văn Chương (24 tuổi, ngụ Quận 8) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đến khu vực Quận 5 để mua sắm đồ trang trí mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tôi thấy các sản phẩm thủ công, mộc mạc được sản xuất trong nước hơn là hàng nước ngoài vì độ an toàn, cũng như sự mới lạ. Đặc biệt, các sản phẩm này thể hiện được nét đẹp Tết Cổ truyền của người Việt”.

Dạo qua nhiều cửa hàng trên tuyến đường này, đồ trang trí Tết thuần Việt chiếm phần lớn các sản phẩm được bày bán. Giá cả khá mềm từ 5.000-300.000 đồng/sản phẩm. Nhiều sản phẩm mới như câu đối Tết được viết trên giấy đỏ dán lên những thanh tre; những dụng cụ làm nghề tái hiện cảnh xưa như đôi quang gánh, nơm bắt cá… đan bằng tre làm hoàn toàn bằng tay; chiếc mâm tre được sơn đỏ, sau đó vẽ các chú bé múa lân ngộ nghĩnh, hoặc câu chúc Tết viết chữ thư pháp… được khách hàng chọn mua nhiều nhất.

“Tôi lựa chọn các sản phẩm tái hiện Việt Nam xưa để trang trí tiểu cảnh nhỏ trong nhà, vừa tạo điểm nhấn cho ngôi nhà, vừa dạy cho con cháu biết những phong tục, tập quán ngày Tết của ông cha để gìn giữ và phát huy”, chị Tô Kiều Liên (ngụ quận Tân Bình) cho biết. Thời điểm hiện nay, tình hình kinh doanh sản phẩm trang trí Tết tại các cửa hàng đã bắt đầu nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên, chủ cửa hàng Minh Thy Phan Tấn Hòa cho biết: Cả chục năm kinh doanh đồ trang trí, ba năm trở lại đây là khách vắng nhất.

Năm sau ế ẩm hơn năm trước. Bên cạnh đó, khách hàng chủ yếu lựa chọn các sản phẩm có giá thành thấp nên người bán phải tìm được các mặt hàng mới, bắt mắt, chất lượng tốt và có giá cả phải chăng. “Dẫu vậy, chúng tôi vẫn cố gắng tìm những sản phẩm mới, giá cả vừa túi tiền để đáp ứng yêu cầu khách hàng nhưng bán vẫn rất chậm”, ông Hòa nói.

Trong khi đó, nhiều sản phẩm trang trí Tết bày bán ở các cửa hàng, siêu thị tại Thành phố Hồ Chí Minh lại khá sôi động khi khách tìm đến mua sắm nhiều hơn. Chị Thu Trang, nhân viên nhà sách tư nhân Thuận Hòa (quận Tân Phú) chia sẻ: “Các sản phẩm trang trí Tết làm bằng tay được khách rất ưa thích, giá lại rất mềm chỉ từ 50.000 đồng/sản phẩm.

Ngoài ra, chúng tôi còn bán dụng cụ để khách tự làm đồ trang trí Tết từ kẽm nhung để làm hoa; giấy gấp ngôi sao, thanh tre để khách tự tay đan đát các sản phẩm theo hướng dẫn. Với những bộ sản phẩm này, cả gia đình có thể cùng quây quần làm đồ trang trí với nhau, nhờ tình cảm gia đình thêm thắt chặt”. Mặt hàng thiệp Tết cũng đang có mặt hầu hết ở các nhà sách, cửa hàng lưu niệm. Những chiếc thiệp sản xuất trong nước đang chiếm ưu thế hơn so với thiệp ngoại.

Thiệp thủ công “không đụng hàng” được làm sắc sảo, tinh tế với nhiều họa tiết mang ý nghĩa ngày Tết cổ truyền như hình con rồng, chim lạc, cá chép, hoa mai... với giá từ 4.000 đồng/thiệp. Đại diện shop Thanh Hoa (quận Bình Thạnh) cho biết: Có những buổi hướng dẫn kỹ năng làm thiệp trong vòng ba giờ đồng hồ. Đến đây, khách sẽ được cung cấp đầy đủ các nguyên liệu để thiết kế một tấm thiệp ưng ý, để dành tặng người thân yêu nhân dịp đầu năm mới.

Dịch vụ trang trí Tết tại nhà, công sở cũng tất bật thời điểm này. Giám đốc Công ty dịch vụ trang trí Trí Việt Nguyễn Văn Việt hào hứng nói: “Chúng tôi có nhiều khách hàng như nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, quán cà-phê… yêu cầu tạo những tiểu cảnh đẹp mắt, mang không khí Tết để khách hàng đến chụp ảnh. Ngoài ra, những khách hàng lẻ là các hộ gia đình cũng thuê dịch vụ làm đẹp nhà cửa đón xuân.

Nếu như trước đây, chỉ những gia đình có điều kiện mới thuê thợ đến trang trí nhà dịp Tết thì nay, các gia đình đều thuê được thợ, bởi có nhiều mức giá phù hợp để khách hàng lựa chọn. Năm nay, linh vật rồng được yêu cầu trang trí nhiều nhất. Do mỗi năm chỉ “làm đẹp” nhà một lần dịp Tết, gia chủ cầu may mắn, bình an trong năm nên hầu như không ai mặc cả chuyện giá cả. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng với mức giá hợp lý”.

Có thâm niên gần ba năm trong nghề trang trí nhà cửa những dịp lễ, Tết, Giáng sinh, anh Nguyễn Hòa Thuận (32 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết: Sau khi thất nghiệp ở công ty may mặc, anh theo bạn bè làm quen với nghề này. Theo lời anh, trước khi nhận trang trí, người thợ thường lên thiết kế theo nhu cầu của gia chủ. Sau đó, tìm nguyên liệu phù hợp.

Có người thích trang trí Tết kiểu dân gian, Tết xưa nhưng cũng có người thích tích hợp sự hiện đại. Vì vậy, khâu tìm nguyên liệu tốn khá nhiều thời gian. Khâu trang trí, thiết kế là công đoạn cuối. Tùy theo diện tích trang trí mà thời gian từ hai ngày, có khi đến cả tuần. “Năm nay, nhu cầu trang trí Tết của các hàng quán có phần chiếm ưu thế hơn. Bởi tiệm nào cũng muốn tạo không gian mới lạ để thu hút khách.

Nhờ vậy, người thợ trang trí thời điểm này đắt hàng nhất, thu nhập trung bình khoảng 300.000-500.000 đồng/ngày hoặc nhận khoán theo từng đơn hàng. Sau mỗi mùa Tết, thu nhập trung bình của tôi được khoảng 10 triệu đồng/người. Số tiền này đủ để tôi mua thêm tấm áo mới cho con, gửi về quê và sắm sửa đôi chút cho gia đình, để có một cái Tết đoàn viên, ấm cúng. Tuy nhiên, công việc này chỉ đắt khách mỗi thời điểm cuối năm”, anh Thuận bộc bạch.