Nông trường Sông Hậu được coi là một điển hình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp, tạo cho người dân có việc làm và cuộc sống ổn định. Tiếp bước người tiền nhiệm cũng là người cha thân yêu của mình, Giám đốc Nông trường, KS Trần Ngọc Sương, Anh hùng Lao động, đã ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào nông nghiệp để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu hàng nông nghiệp. Những năm gần đây, nông trường đã nghiên cứu và phát triển các mặt hàng lâm nghiệp qua việc chế biến và xuất khẩu đồ gỗ gia dụng từ gỗ bạch đàn tự trồng.
Thật ra, từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, cố giám đốc nông trường, Anh hùng Lao động Trần Ngọc Hoằng đã nhận biết bạch đàn là loại cây trồng có thể xóa đói giảm nghèo cho nông trường viên cũng như nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bạch đàn là giống cây dễ trồng, lớn nhanh, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng sông nước Cửu Long. Có thể trồng ven trục lộ giao thông, ven đê bao, vừa có tác dụng chống gió, tránh xói mòn, sạt lở, vừa cho thu hoạch gỗ nhưng không làm mất diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, do quan niệm bạch đàn là loại gỗ kém phẩm cấp, chỉ để làm nguyên liệu bột giấy hoặc ván dăm, ván lạng, pallet giá trị không cao, nông dân không dám đầu tư thâm canh. Thấy được điều đó, nông trường tập trung nghiên cứu, sản xuất và xuất khẩu thành công các sản phẩm từ loại gỗ này, qua đó giúp nông dân nhận thức đây là loại cây xóa đói giảm nghèo.
Diện tích rừng bạch đàn trong những năm qua liên tục tăng cao. Giữa năm 1999, Nhà máy chế biến gỗ thuộc Nông trường Sông Hậu ra đời, lúc đầu với quy mô nhỏ bé, chỉ có 10 cán bộ, công nhân viên. Đến nay sau 5 năm hoạt động, số lượng công nhân của nhà máy lên đến 500 người, với năng suất khoảng 20 container/tháng. Số lượng sản phẩm đồ gia dụng bằng gỗ bạch đàn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu liên tục tăng mà vẫn không đáp ứng kịp với các đơn đặt hàng của khách.
Sau khi tinh chế, 1m3 gỗ khoảng 850kg, và 1 tấn gỗ hết khoảng 1,17m3. Trong khi một tấn gạo 5% tấm, giá bán dao động trên dưới 200USD, thì giá gỗ tinh chế khoảng 1.400USD/1m3, như vậy một tấn gỗ bạch đàn tinh chế có giá trị gần bảy tấn gạo. Theo các nhà chuyên môn, nếu so sánh về chất lượng, các sản phẩm được làm từ bạch đàn có thể tương đương những loại gỗ rừng tự nhiên như tếch, chò, dầu, trong khi giá nguyên liệu bạch đàn rẻ hơn hàng chục lần. Hiện nay, giá nguyên liệu bạch đàn khá rẻ, khoảng 200.000 đến 400.000 đồng/1ster. Nông trường thực hiện chính sách hỗ trợ mua gỗ rừng trồng với giá cao hơn thị trường từ đó người nông dân hăng hái trồng bạch đàn, bảo đảm được nguồn nguyên liệu lâu dài. Hơn nữa đây cũng là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc như các loại cây khác. Nếu trồng đúng giống, đúng kỹ thuật, người dân có thể thu nhập trung bình từ 300.000 - 500.000 đồng/1 cây, thậm chí có thể lên đến hàng triệu đồng/cây, sau 8-10 năm.
Các sản phẩm từ gỗ bạch đàn của nông trường đang được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước ở Đông-Nam Á, châu Âu và châu Mỹ. Nông trường từng tham gia Hội chợ về hàng Outdoor tại Frankfurk (Đức) cùng với các hội chợ hàng tiêu dùng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, qua đó sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng cũng như giá trị sử dụng.
Tuy nhiên, quảng bá tốt thương hiệu, nông trường cần có những bước đi phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Các sản phẩm đồ gỗ gia dụng của đơn vị không chỉ bảo đảm chất lượng mà còn phải đổi mới mẫu mã, kiểu dáng, hạ giá thành. Đi đôi với sản xuất, việc quy hoạch và mở rộng vùng nguyên liệu bạch đàn cũng là yếu tố quan trọng để ổn định và tăng chất lượng, số lượng sản phẩm gỗ. Rút bài học kinh nghiệm qua việc Việt Nam bị kiện bán phá giá cá ba sa, tôm vào thị trường Mỹ, gần đây Liên minh châu Âu kiện Việt Nam bán phá giá xe đạp, nông trường cần tập hợp các nhà sản xuất gỗ, tổ chức thành một hiệp hội nhằm điều tiết xuất khẩu, mở rộng thị phần ra các nước mới, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, phá giá thị trường. Bên cạnh những nỗ lực của nông trường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ quảng bá thương hiệu, tạo sự thông thoáng về thủ tục để các công ty nước ngoài tiếp xúc và giao dịch trực tiếp với đơn vị sản xuất, có chính sách ưu đãi về thuế để sản phẩm xuất được nhiều hơn. Từ đó nâng cao hiệu quả cho cơ sở sản xuất cũng như số đông bà con tạo vùng nguyên liệu.
TRỌNG ANH
(Báo Đại đoàn kết)