Đồ chơi Trung thu

NDO - Đồ chơi Trung thu phổ biến có hai loại là hàng thủ công sản xuất để bán và đồ chơi tự làm. Đồ chơi thủ công gồm các loại đèn, mặt nạ, đầu sư tử, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đồ chơi bằng sắt tây… Đồ chơi tự tạo gồm nhiều loại, từ đơn giản như chiếc ống phốc, đồ chơi gấp giấy cho đến cầu kỳ một chút như đèn ông sao tự chẻ nan làm khung, tự dán giấy, các loại đèn lồng xếp giấy hoặc tự tạo bằng bìa, vỏ lon.
0:00 / 0:00
0:00
Đèn lồng đủ màu sắc, hình thù được bán trên đường phố Hà Nội năm 1915. (Ảnh: Léon Busy/ Albert-Kahn Museum).
Đèn lồng đủ màu sắc, hình thù được bán trên đường phố Hà Nội năm 1915. (Ảnh: Léon Busy/ Albert-Kahn Museum).

Tiêu biểu nhất cho đồ chơi Trung thu là các loại đèn. Các loại đèn Trung thu hầu hết đều có cấu trúc chung là có cán dài để cầm hoặc đẩy (đèn ông sư), có khung bằng nan tre, dán giấy bóng kính nhiều màu, bên trong có đế cắm nến để thắp sáng.

Đồ chơi Trung thu ảnh 1

Đèn lồng hình con thỏ được bày bán trên phố Hàng Gai năm 1915. (Ảnh: Léon Busy/ Albert-Kahn Museum).

Các loại đèn có đèn ông sao (sau năm 1945 có thêm hai lá cờ tượng trưng cho độc lập), đèn ông sư, đèn con thỏ, đèn con cá, con tôm…

Ngoài ra còn có đèn lồng, đèn kéo quân. Đèn lồng có nhiều hình dáng, loại có khung nan tre, giấy mờ, cũng có loại đơn giản làm bằng giấy xếp, hình trụ hoặc hình quả bí… Đèn kéo quân là một loại đồ chơi đặc biệt của đêm Trung thu, với những hình ảnh chạy bên trong bóng mờ ảo của giấy đèn do sức nóng của nến, nhìn khá vui mắt. Những quân chạy bên trong đèn kéo quân còn được xây dựng theo các tích, thí dụ như anh học trò vinh quy bái tổ, mục đồng chăn trâu, quân lính ra trận, tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng…

Đồ chơi Trung thu ảnh 2

Đèn lồng hình cá và đèn ông sao. (Ảnh: Léon Busy/ Albert-Kahn Museum).

Còn một loại đèn đặc biệt nữa chỉ còn trong sách vở, đó là đèn xẻ rãnh. Chiếc đèn được mô tả khá kỹ trong truyện ngắn “Đèn đêm thu” (Tập truyện “Vang bóng một thời”) của nhà văn Nguyễn Tuân. Đèn có dáng giống đèn lồng hoặc đèn kéo quân, nhưng cầu kỳ hơn, với nguyên liệu chính là vải nhiễu vụn, giấy màu, dây lạt, que nữa, thêm nến sáp và mai cá mực để đổ và tạc hình các nhân vật trong một tích truyện cổ nào đó.

Đèn được thắp bằng dầu và con bấc, sức nóng của lửa đẩy cho tán đèn chạy, những chiếc “máy gạt” đẩy các nhân vật ra vào theo những rãnh xẻ trên mặt đèn. Đèn được trang trí như một sân khấu tuồng cổ, với các nhân vật được tạo nên bằng phong cách tạo hình của nghệ thuật tuồng. Các tích trò được sử dụng trong đèn cũng là tích tuồng cổ…

Đồ chơi Trung thu ảnh 3

Những chiếc đầu sư tử còn lại cho đến ngày nay, (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đồ chơi Trung thu ngoài các loại đèn còn có đầu sư tử với tạo hình cổ, có chiếc sừng màu đen, mặt nạ giấy bồi với hình ông Địa, các loại con vật thỏ, cáo, trâu, hổ, báo, gấu… và thời hiện đại có cả mặt nạ siêu nhân, người Nhện, người Dơi. Đầu sư tử và mặt nạ thường đi với nhau và đi kèm với trống. Có nhiều loại trống: trống ếch với đủ loại kích cỡ, trống bỏi với hai viên bi gắn dây buộc hai bên tang trống để mỗi khi quay lại gõ vào trống, phát ra tiếng vui tai.

Đồ chơi Trung thu ảnh 4

Ông Tiến sĩ giấy được làm vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. (Ảnh trong bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc)

Đặc biệt, Tết Trung thu còn có loạt đồ chơi bằng giấy dán, mang ước vọng của các bậc cha mẹ về sự nghiệp học hành đỗ đạt của con cái, như các ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy… Ông tiến sĩ giấy và ông đánh gậy đều được làm từ giấy màu cắt dán, với hàng chục công đoạn rất cầu kỳ.

Đồ chơi Trung thu ảnh 5

Những món đồ chơi bằng sắt tây thủ công rất tinh xảo. (Ảnh: Léon Busy/ Albert-Kahn Museum).

Trung thu không thể vắng bóng những món đồ chơi bằng sắt tây. Đây được coi là món đồ chơi “công nghệ” dành cho nhà giàu hồi đầu thế kỷ 20. Trước kia, các món đồ chơi sắt tây rất phong phú, từ con bướm vẫy cánh, con thỏ đánh trống, xe kéo tay, kèn, trống, ô tô… Tiêu biểu nhất và còn lại duy nhất đến ngày nay là tàu thủy sắt tây, với bình dầu nhỏ được thiết kế để khi đốt lửa lên, tàu có thể chạy được và kêu tạch tạch như tàu thủy thật.

Các bé gái thì không thể thiếu mũ công chúa, lẵng thiên nga, mâm ngũ quả hoặc con giống bột nặn. Lẵng thiên nga được làm bằng giấy, bìa, bông và nan tre. Con thiên nga được tạo hình bằng nắm giấy bản thấm nước, cắm đoạn dây thép vào làm cổ. Mặt lẵng được rắc bông tạo cảm giác như một mặt hồ bồng bềnh sương khói. Cây cối, hoa lá bên hồ được tạo ra từ giấy và que tre. Chiếc lẵng thiên nga từng là niềm mơ ước của nhiều cô gái nhỏ trong những mùa Trung thu từ thời bao cấp.

Mũ công chúa ngày xưa được làm đơn giản, chỉ bằng giấy, bìa rắc nhũ và trang trí bằng giấy trang kim. Ngày nay, các bé gái có thể thỏa mãn ước mơ trở thành nàng công chúa thực thụ với chiếc vương miện gắn các loại hạt nhựa lấp lánh như thật.

Đồ chơi Trung thu ảnh 6

Con giống bột nặn ngày nay trên phố Hàng Mã. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Mâm ngũ quả hay con giống bằng bột nặn được tạo ra từ bột nếp, trộn thêm một số thành phần và nhuộm màu sắc rực rỡ. Cái tài khéo của nghệ nhân làm ra thứ đồ chơi này là sự tưởng tượng và dùng các loại dụng cụ để tạo hình, thí dụ các mắt quả na được tạo từ túi lưới giặt…

Có những món đồ chơi còn tồn tại cho đến ngày nay, nhưng cũng có những loại đồ chơi đã mai một hoặc hoàn toàn vắng bóng.

Các loại đèn, mặt nạ, đầu sư tử hiện nay được bày bán khá phổ biến trong dịp Tết Trung thu. Nhưng một số loại đồ chơi đã hoàn toàn vắng bóng, như con giống bằng giấy xếp chuyển động trên một con lăn hoặc trục cuốn (trước đây là lõi cuộn chỉ bằng gỗ), đèn xẻ rãnh (hay còn gọi là đèn ngựa chạy), lẵng thiên nga, một số loại đồ chơi sắt tây như thỏ đánh trống, xe kéo tay…

Ngay cả chiếc tàu thủy sắt tây vốn được yêu thích và giới thiệu rất nhiều qua các mùa Trung thu, nay cũng đứng trước nguy cơ mai một, vì người thợ thủ công cuối cùng làm tàu thủy đã qua đời, chỉ còn người vợ đã đồng hành cùng anh trong công việc làm ra món đồ chơi độc đáo này.