Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên:

“Định vị Việt Nam là một trong các trung tâm sản xuất vaccine của khu vực”

NDO -

Tham gia Đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội tại ba nước châu Âu, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trực tiếp chỉ đạo hệ thống nhân viên thương vụ tích cực làm việc với các đối tác tìm kiếm vaccine, thuốc điều trị, vật tư y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ phối hợp các Sứ quán Việt Nam tại ba nước tiến hành nhiều hoạt động thiết thức, đạt hiệu quả cao. 

Cơ hội hợp tác sản xuất vaccine

Lần này, Bộ trưởng Công thương chia sẻ với các đối tác quan điểm tầm nhìn và các giải pháp xây dựng một hệ thống y tế tự chủ lâu dài, trong đó, “cần coi trọng tự chủ trong việc phát triển ngành công nghiệp vaccine tại Việt Nam và định vị Việt Nam là một trong các trung tâm sản xuất vaccine của khu vực và trên thế giới”.

Tại cuộc gặp với Tập đoàn Univercells, Bộ trưởng đánh giá cao việc Univercells mong muốn hợp tác với Việt Nam trong công nghệ sinh học và đề xuất những đường hướng phù hợp với thực tế phát triển hạ tầng công nghệ sinh học tại Việt Nam cũng như sẵn sàng vận động các tổ chức tài chính tài trợ cho dự án. 

Hai bên cho rằng, không chỉ đối với vaccine ngừa Covid mà còn các loại vaccine khác, cũng như các loại thuốc, sản phẩm y tế... như vậy trong tương lai hình thành ngành công nghiệp tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho Việt Nam và các doanh nghiệp.

Bên lề các cuộc gặp chính thức, Bộ trưởng tiếp Hiệp hội Hàng thể thao châu Âu (FESI). Đây là đơn vị mong muốn trao đổi về khả năng hỗ trợ Việt Nam về phòng dịch như thiết bị xét nghiệm, vận động Ủy ban châu Âu trong vấn đề vaccine. Đề nghị FESI có tiếng nói với EU tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất nguồn vaccine thông qua cơ chế COVAX hoặc thương mại.

Tại cuộc gặp với Quốc Vụ khanh Bộ Ứng phó với biến đổi khí hậu, Môi trường, Năng lượng, Sáng tạo và Công nghệ Áo, trước tình hình diễn biến phức tạp của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam, Bộ trưởng đề xuất Ngài Quốc Vụ khanh, với tư cách là thành viên nội các, sẽ giúp vận động Chính phủ Liên bang Áo trong việc chia sẻ vaccine và vật tư y tế cho Việt Nam trong khả năng cho phép nhằm hỗ trợ Việt Nam trong công tác kiểm soát, kiềm chế dịch bệnh.

Việt Nam - điểm đến đầu tư

Tại ba Diễn đàn/Tọa đàm lớn và nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc tại ba nước, Bộ trưởng khẳng định cam kết mạnh mẽ từ Bộ Công thương trong việc phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành của Việt Nam và các cơ quan liên quan của phía EU xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA.

Bộ trưởng cung cấp thông tin đến doanh nghiệp các nước chính sách phát triển điện lực của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là những cam kết và nỗ lực trong việc phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, cung cấp thông tin về Quy hoạch Điện VIII được xem là một trong những quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng.

Các nội dung khác về thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh đã được đưa ra thảo luận.

Không chỉ đẩy mạnh hợp tác thương mại, “khi Hiệp định EVIPA được phê chuẩn và có hiệu lực, cơ hội mang tới cho hai bên là rất lớn. Áo, Bỉ, Phần Lan có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường EU” - Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh.

Đồng thời, theo Bộ trưởng, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp các nhà đầu tư châu Âu tiếp cận không chỉ với khoảng 100 triệu dân, mà còn với khu vực thị trường rộng lớn Việt Nam đang kết nối thông qua 17 hiệp định tự do thương mại FTA đã ký kết.

Tham gia cùng Đoàn lần này là cơ hội tìm kiếm các đối tác có năng lực và khả năng hỗ trợ cho việc phát triển công nghiệp Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Công thương làm việc với Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), trao đổi về các dự án đang hợp tác và việc định hướng, triển khai các dự án kỹ thuật trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên.

Bộ trưởng khẳng định, là tổ chức có chuyên môn về phát triển công nghiệp của Liên hiệp quốc, UNIDO đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ giai đoạn phát triển tiếp theo công nghiệp của Việt Nam. Với tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, UNIDO đã và đang đứng trước những thách thức lớn hơn bao giờ hết để hỗ trợ các quốc gia thành viên ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.

Nhấn mạnh hợp tác chống lại sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và sau đó là việc phát triển công nghiệp theo hướng bền vững cho sự phục hồi cho thời kỳ hậu Covid-19, Bộ Công thương đề nghị UNIDO hỗ trợ Việt Nam theo Chương trình Quốc gia, gồm 10 điểm. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc hỗ trợ xây dựng Luật Phát triển công nghiệp; nâng cao năng lực hoạch định chính sách công nghiệp phù hợp bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ trưởng cũng đề nghị hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển bền vững dựa trên nền công nghiệp xanh và hiệu quả năng lượng, ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và nâng cấp chuỗi giá trị.

Mặt khác, hỗ trợ phát triển những ngành công nghiệp nền tảng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh ngành công nghiệp 4.0; hỗ trợ phát triển ngành ô tô thân thiện với môi trường, bao gồm xe điện; xây dựng mô hình nhà máy thông minh nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí sản xuất; hỗ trợ xây dựng chiến lược về kinh tế tuần hoàn và các ứng dụng của nó cho các lĩnh vực công nghiệp.