Nhưng với bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cần có những điều chỉnh về chiến lược nghiên cứu. Do vậy, việc xây dựng và hoàn thiện bản đồ công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trong tương lai.
Đề tài “Đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và nhu cầu đổi mới công nghệ trong lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa, gạo tại miền bắc và duyên hải miền trung” do Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) chủ trì đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) và các chuyên gia ngành chọn tạo giống đánh giá cao. Đây cũng là lần đầu một doanh nghiệp KH và CN Việt Nam đề cập khái niệm bản đồ công nghệ, nhằm đưa ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững. Đây là đề tài thuộc “Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010.
Năm 2016, thị phần gạo của Việt Nam trên thế giới chỉ chiếm 18,3%; cùng mặt hàng gạo trắng nhưng giá xuất khẩu của Việt Nam lại thấp hơn gạo Thái-lan cùng phẩm chất tới 33 USD/tấn. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chính là chúng ta chưa nhận thức đầy đủ vai trò của KH và CN trong nghiên cứu chọn tạo giống lúa, chưa đầu tư đúng, đủ tầm cho lĩnh vực này phát triển như Thái-lan, Trung Quốc hay Ấn Độ... Chính vì vậy, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã chủ động lựa chọn và giao cho các đơn vị xây dựng một chuỗi nhiệm vụ liên quan từ hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ; tổ chức triển khai xây dựng cho một số ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, trong đó có lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo; nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn - hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Phó Tổng Giám đốc Vinaseed Phạm Ngọc Lý, ngành chọn tạo giống lúa hiện nay vẫn dựa trên công nghệ truyền thống (lai tạo), vai trò của các công nghệ mới chỉ đạt được một số kết quả bước đầu; chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ và kế thừa trong các khâu, nhánh công nghệ mới, cho nên chưa tạo được giống lúa đạt chuẩn quốc gia tương đương giống lúa của một số nước trong khu vực và trên thế giới; chưa xây dựng được chế độ báo cáo và đánh giá chính xác từng giống lúa hằng năm hiện có bao gồm: diện tích, năng suất, chất lượng và thị phần xuất khẩu... Bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ ngành chọn tạo giống lúa đã được xây dựng có sức thuyết phục và tính khả thi cao trong việc giúp trả lời câu hỏi cần tập trung phát triển sản phẩm nào, phân khúc thị trường nào trong tương lai, trong thị trường đó cần tập trung phát triển sản phẩm gì với đặc tính kỹ thuật như thế nào, cần phát triển những công nghệ gì để sản xuất ra sản phẩm đó... Cuối cùng, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, cần tập trung triển khai những hoạt động cụ thể nào như các nhiệm vụ nghiên cứu các cấp, chuyển giao công nghệ hay đầu tư, mua bán sáp nhập... Cụ thể, Bản đồ đã chỉ ra, Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu giống lúa thuần, còn với giống lúa lai chỉ đáp ứng được 33%, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ với giá trị nhập khẩu xấp xỉ 35 triệu USD. Trong đó tỷ trọng xuất khẩu các giống lúa chất lượng cao còn thấp, chưa có giống xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam.
Với vai trò chủ trì xây dựng bản đồ công nghệ trong ngành chọn tạo và sản xuất lúa gạo, sau hai năm làm việc tích cực, tới đầu năm 2016 Vinaseed đã hoàn thành đề tài và chính thức được nghiệm thu vào tháng 10-2016. Kết quả được kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp những đánh giá, phân tích, ý kiến đề xuất giải pháp trong định hướng phát triển KH, CN ngành lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới; cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ trưởng KH và CN Trần Văn Tùng cho rằng: “Chúng ta cần có những chiến lược đổi mới phù hợp hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Vì vậy cần đổi mới công nghệ, lập bản đồ công nghệ để nghiên cứu chọn tạo những giống lúa thuần chịu hạn mặn. Bản đồ công nghệ về chọn giống lúa, sản xuất lúa gạo sẽ cho biết công nghệ tạo giống lúa đang ở viện nào, nơi nào có thế mạnh lớn nhất, những doanh nghiệp nào đang ứng dụng để phân bổ nguồn lực hợp lý. Mặt khác, để hoàn thiện và áp dụng kết quả xây dựng bản đồ công nghệ, Bộ KH và CN sẽ xây dựng chiến lược chính sách, nghị quyết cấp quốc gia có gắn kết với phát triển KH và CN; thực hiện việc quản lý các đề tài, dự án, chương trình KH và CN; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ và thực hiện hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ rõ ràng, hiệu quả.
Nhằm phát triển công nghệ để tạo nguồn cung dồi dào cho thị trường lúa gạo trong tương lai, Vinaseed mong muốn Bộ KH và CN và các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế để doanh nghiệp được hợp tác cùng các cơ sở nghiên cứu công lập trong việc khai thác nguồn gien, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, gắn hoạt động của các chuyên gia tạo giống với các doanh nghiệp và doanh nghiệp cùng góp vốn để nghiên cứu; đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một yêu cầu rất quan trọng để khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển khi các sản phẩm nghiên cứu của họ được bảo vệ.