Theo truyền thuyết, một bà mẹ họ Đàm một lần ra đầm làng tắm, về nhà bà thấy trong người khác lạ. Sau đó, bà sinh một cậu con trai, mắt sáng như sao. Theo lời chiêm tinh của thầy địa lý, cậu bé này sẽ trở thành vị vua, vì dưới đầm có huyệt đế vương. Cậu bé đó là Đinh Bộ Lĩnh, sinh năm 924, nguyên quán động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Cha là Đinh Công Trứ làm nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Châu Hoan. Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha từ bé. Thuở thiếu thời, ông tỏ ra thông minh hơn người, được bạn chăn trâu suy tôn làm thủ lĩnh.
Vào độ tuổi trưởng thành, Đinh Bộ Lĩnh là người có khí phách phi thường và nung nấu ước mong lập nên nghiệp lớn. Khi ông vua cuối cùng của vương triều Ngô mất (Ngô Xương Văn) năm 966, thừa lúc đất nước không có chủ, hào trưởng khắp nơi nổi dậy chiếm giữ các quận ấp, lập ra 12 sứ quân. Sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân.
Đinh Bộ Lĩnh vốn là con quan đứng đầu một châu, có uy thế lại thu phục được nhân tâm bằng tài năng của mình và lại chiếm giữ được một vùng khe động hiểm trở nên đã đứng ra đảm trách gánh vác sơn hà.
Là người có tài thao lược, Đinh Bộ Lĩnh đã dùng mọi kế sách trong nhiều trường hợp, tùy thực trạng mỗi sứ quân mà tìm cách đánh thích hợp, hoặc bằng quân sự, hoặc bằng liên kết, hay dùng mưu dụ hàng. Một trong số 12 sứ quân là Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công) là một trong những sứ quân mạnh về kinh tế, lại chiếm giữ vùng đất quan trọng là Bố Hải khẩu (cửa biển, nay là vùng thị xã Thái Bình). Đinh Bộ Lĩnh đã liên kết với ông (Đại Việt sử ký toàn thư).
Địa bàn hoạt động của Đinh Bộ Lĩnh được mở rộng, quân số, binh lương ngày càng lớn mạnh. Được sự ủng hộ của nhân dân, ông đánh đâu thắng đó, nên được gọi là vạn Thắng vương. Hai sứ quân Ngô Nhật Khánh chiếm giữ Đường Lâm (nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) và Ngô Xương Xí chiếm Bình Kiều (Triệu Sơn, Thanh Hóa) là con cháu Ngô Vương. Đinh Bộ Lĩnh đã dùng mưu hàng phục được Ngô Nhật Khánh, hàng phục được cả Ngô Xương Xí.
Đinh Bộ Lĩnh đi tới đâu, đều được nhân dân góp sức ủng hộ tới đó. Với những sứ quân mạnh như Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu, ông đã dùng cung kiếm tiến quân kết hợp với mưu lược. Đỗ Cảnh Thạc chiếm vùng Đỗ Đông Giang (Thanh Oai, Hà Tây) có cung thành chắc chắn và hào sâu bao quanh. Theo thần phả Độc nhĩ đại vương, Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng mưu lược, nên phải bàn mưu tính kế mà đánh. Ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây 4 mặt thành và tiến đánh bất ngờ. Đỗ Cảnh Thạc quân tướng không ứng cứu được nhau, bèn bỏ thành chạy. Hai bên giao tranh hơn một năm sau, Đỗ Cảnh Thạc bị thua. Nguyễn Siêu chiếm Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội). Đinh Bộ Lĩnh bày binh bố trận giao chiến. Nguyễn Siêu thua, phải ngầm qua sông xin cứu viện sứ quân khác. Đinh Bộ Lĩnh biết tin, bèn sai võ sĩ nửa đêm phóng lửa đốt doanh trại. Quân Nguyễn Siêu tan. Các sứ quân Kiều Công Hãn, Kiều Thuận, Nguyễn Thủ Tiệp, Phạm Bạch Hổ... đã thất bại ngay từ trận đánh đầu của Đinh Bộ Lĩnh. Đất nước thống nhất. Loạn 12 sứ quân đã dẹp xong.
Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh được suy tôn lên ngôi Vua, ông lấy hiệu là Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm kinh đô. Tháng mười năm 979, ông bị chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết, thọ 56 tuổi, táng ở sơn lăng Trường Yên.
Vì công lao của Đinh Bộ Lĩnh, nhà sử học Lê Văn Hưu viết trong * Đại Việt sử ký toàn thư: "Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết...
Đinh Bộ Lĩnh, ông Vua xứ hoa lau, người lớn lên trong thời bình, lập nghiệp trong dẹp loạn, đã xứng đáng là người giữ vị trí trụ cột trong việc củng cố quốc gia thống nhất, tập quyền trong thế kỷ thứ 10.
Đinh Bộ Lĩnh là người tạo tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn.