Định hình tương lai trong một thế giới đang biến đổi

NDO - Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2021/22 được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố với tựa đề “Thời đại bất định, cuộc sống bất an: Định hình tương lai trong một thế giới đang biến đổi” - vẽ lên bức tranh về một thế giới đang luẩn quẩn từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, đồng thời cảnh báo về thực trạng ngày càng gia tăng sự thiếu thốn và bất công trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Mưa, lũ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân tại Pakistan. (Ảnh: Liên hợp quốc)
Mưa, lũ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân tại Pakistan. (Ảnh: Liên hợp quốc)

Báo cáo tiêu điểm của Liên hợp quốc về tiến trình phát triển con người, mới được công bố hôm 8/9 cảnh báo, các cuộc khủng hoảng đa tầng đang cản trở, đảo ngược tiến bộ, phát triển con người ở phần lớn các quốc gia, dẫn đến những chuyển dịch về kinh tế-xã hội sâu rộng. Sau đây là năm điều nổi bật trong bản báo cáo của UNDP.

Sự sụt giảm liên tiếp

Lần đầu tiên sau 32 năm được UNDP theo dõi, Chỉ số Phát triển con người (HDI), gồm các chỉ số đo lường sức khỏe, giáo dục và mức sống, đã giảm trên toàn cầu trong 2 năm liên tiếp, báo hiệu một cuộc khủng hoảng ngày càng sâu rộng tại nhiều khu vực, mà trong đó Mỹ Latin, Caribe, khu vực châu Phi cận Sahara và Nam Á chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Phát triển con người đã giảm trở lại mức của năm 2016, đảo ngược phần lớn tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), vốn là cốt lõi của Chương trình nghị sự 2030 - định hướng của Liên hợp quốc về một tương lai công bằng hơn cho con người và hành tinh.

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nhận định, thế giới đang quay cuồng ứng phó với các cuộc khủng hoảng liên tiếp, nổi cộm là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và năng lượng, đồng thời kêu gọi thế giới đoàn kết hơn để có thể giải quyết những thách thức chung, vốn liên kết với nhau.

Thực tế từ Covid-19

Việc phát triển các loại vaccine hiệu quả và nhanh chóng được cho là một thành tựu của nhân loại. Song, công tác triển khai các chiến dịch tiêm chủng vaccine đã phơi bày khoảng cách bất bình đẳng hiện hữu trong nền kinh tế toàn cầu, khi nhiều quốc gia có thu nhập thấp và các nhóm người yếu thế ít có khả năng tiếp cận.

Định hình tương lai trong một thế giới đang biến đổi ảnh 1

Somalia đối mặt nguy cơ nạn đói nghiêm trọng do thời tiết cực đoan. (Ảnh: Liên hợp quốc)

Sự bất định phức tạp

Những làn sóng liên tiếp của các biến thể Covid-19 mới và những cảnh báo về các đại dịch thường xuyên hơn trong tương lai tạo nên bức tranh đầy bất ổn. Báo cáo cảnh báo, những biến động toàn cầu do đại dịch có thể còn chưa là gì so với những thách thức thế giới sẽ vấp phải nếu sự sụp đổ đa dạng sinh học xảy ra và các quốc gia khó giải quyết thách thức trồng lương thực trên quy mô lớn khi không còn côn trùng để thụ phấn. Báo cáo nhận định, “Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, các mối đe dọa do con người gây ra còn lớn hơn các mối đe dọa từ thiên nhiên”.

Ba tầng, lớp của “sự bất định phức tạp” được cho là: sự thay đổi đầy nguy hiểm của hành tinh; sự chuyển đổi cách thức tổ chức của các xã hội công nghiệp; và sự gia tăng phân cực trong chính trị và xã hội.

Cơ hội trong sự bất định

Mặc dù có nhiều lo ngại về việc sử dụng ngày càng nhiều của Trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng cũng có nhiều mặt tích cực, thí dụ như giúp mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện khả năng học tập của từng cá nhân và giúp phát triển dược phẩm. Một thành tựu của thế giới hậu Covid-19 là việc tạo ra công nghệ vaccine mRNA mới, hứa hẹn là bước đột phá cho phương pháp điều trị nhiều bệnh khác.

Thay đổi định hướng

Theo Tổng Giám đốc Achim Steiner, sau đại dịch, chúng ta có cơ hội để khởi động lại bộ máy toàn cầu và bảo đảm tương lai được xây dựng dựa trên các hành động vì khí hậu quyết liệt hơn, đồng thời hướng đến việc thực hiện các chính sách đầu tư tập trung cho: cho đổi mới, sáng tạo; năng lượng tái tạo; khả năng sẵn sàng ứng phó các đại dịch; và quỹ bảo trợ xã hội, để chuẩn bị cho những thăng trầm của một thế giới đầy bất trắc.

Tác giả chính của Báo cáo, Tiến sĩ Pedro Conceição kết luận: Chúng ta cần tăng mức phát triển con người gấp đôi và nhìn xa hơn là cải thiện đời sống và sức khỏe của mọi người; điều quan trọng là chúng ta cũng cần bảo vệ hành tinh, cung cấp cho mỗi người những công cụ cần thiết để họ cảm thấy an toàn hơn, tìm lại sự tự chủ và có hy vọng cho tương lai.