Các nghiên cứu, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm khoảng 70% tổng gánh nặng bệnh tật; là nguyên nhân gây tử vong của 77% trong tổng số ca tử vong do mọi nguyên nhân. Có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh các bệnh không lây nhiễm, đó là ô nhiễm môi trường, hút thuốc lá, mặt trái của đô thị hóa... và dinh dưỡng không hợp lý. Do vậy, việc tăng cường kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm là giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý cung cấp đủ nhu cầu cho cơ thể trong từng giai đoạn khác nhau của vòng đời, góp phần tối ưu hóa sự tăng trưởng và phát triển cho thai nhi và trẻ nhỏ, đồng thời bảo vệ sức khỏe và thể chất cho người trưởng thành sau này. Ngược lại, chế độ dinh dưỡng không hợp lý (ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, dung nạp nhiều đồ uống có đường, ăn thừa muối…) được xem là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, thừa cân-béo phì, gout, rối loạn mỡ máu, các bệnh do rối loạn chuyển hóa...
Thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp hai lần từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020; trong khi đó, Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo con số này sẽ tăng lên gần gấp hai lần vào năm 2040, trong khi đó việc tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng mạnh (gấp 7 lần) trong 15 năm qua... Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe. Điều này có nghĩa là chúng ta ưu tiên sử dụng đường trong thực phẩm tự nhiên, thực phẩm lành mạnh, hạn chế các thực phẩm nhiều đường, muối...
Các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ rõ, việc hạn chế tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, đồ uống có đường bằng cách xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, nhất là đối với trẻ em. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường…
Đối với bữa ăn hằng ngày, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mọi người cần ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và bảo đảm đủ bốn nhóm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. TS Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia nêu rõ: Không một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Do vậy, cần phối hợp ăn nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi món ăn để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng phức tạp của cơ thể. Mỗi ngày, mỗi người cần ăn khoảng 15 loại thực phẩm đại diện từ bốn nhóm nêu trên. Phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật (nên ăn tôm, cua, cá và đậu đỗ), vì đạm động vật có nhiều a-xít amin cần thiết không thay thế được, trong khi các thức ăn thực vật giàu đạm như các loại đậu đỗ thường có ít hoặc không có cholesterol; ăn phối hợp chất béo từ thực vật (dầu, vừng, lạc) và chất béo từ động vật (mỡ) giúp cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn. Trong bữa ăn hằng ngày nên sử dụng muối i-ốt, không ăn mặn, giảm một nửa lượng muối ăn hằng ngày để phòng chống tăng huyết áp và đột quỵ. Cần ăn rau, quả hằng ngày với mức tiêu thụ cho người trưởng thành là khoảng 300g/người/ngày và trẻ em từ 100 đến 200g/trẻ/ngày.
Nước là một trong những thành phần cơ bản của sự sống, chiếm khoảng một phần hai trọng lượng cơ thể người trưởng thành; chiếm hai phần ba trọng lượng ở trẻ em. Hằng ngày cơ thể cần được cung cấp khoảng 2.500 ml nước, trong đó uống trực tiếp khoảng từ 1.000 đến 1.500 ml, phần còn lại là được cung cấp từ thức ăn. Vì thế, nên dùng nước trái cây, nước rau, nước chè tươi... đồng thời hạn chế các loại nước có ga, nước ngọt, rượu, bia.
Đáng chú ý, với bất kỳ loại thực phẩm nào việc quan trọng hàng đầu là bảo đảm an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản. Thực phẩm cần tươi sạch, không chứa các chất bảo quản cấm sử dụng và các hóa chất độc hại; không mang các mầm bệnh đường tiêu hóa như thương hàn, tả, lỵ, viêm gan, giun sán và gây ngộ độc thức ăn do vi khuẩn. Quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm cần thực hiện đúng cách để không gây ngộ độc và giữ được các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm.
TS Bùi Thị Mai Hương chia sẻ, xã hội phát triển, nhất là ở các đô thị, thực phẩm chế biến sẵn ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống hằng ngày khi nó cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho người tiêu dùng. Mặt khác, các loại thực phẩm này cũng góp phần tăng giá trị gia công cho nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ; tạo ra các sản phẩm mang tính sáng tạo và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Quá trình chế biến còn giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng, tiện ích và an toàn cho người sử dụng.
Thực phẩm chế biến sẵn được chia bốn nhóm: thực phẩm thô hoặc ít chế biến; nguyên liệu dùng trong thực phẩm chế biến; thực phẩm qua chế biến; thực phẩm “siêu chế biến”. Mặc dù thực phẩm chế biến sẵn đang dần đóng vai trò không thể thiếu, nhưng cũng để lại những lo ngại khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và an toàn của thực phẩm, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa và thu nhập cá nhân tăng cao. Một trong những mối lo ngại chính là hàm lượng chất bảo quản và phụ gia thực phẩm; nhiều thông tin sai lệch lan truyền, gây hiểu nhầm và lo sợ trong cộng đồng..., điều này đòi hỏi người tiêu dùng phải là “người tiêu dùng thông thái” trong việc lựa chọn sản phẩm từ các nhà sản xuất uy tín. Người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn thực phẩm chế biến và hạn chế thực phẩm “siêu chế biến”, chế biến cao..., nên lựa chọn thực phẩm giảm đường, giảm muối, tăng cường chất xơ kết hợp với các thực phẩm thô, ít chế biến ■