Trước đây, khi nói đến gạo xuất khẩu của Việt Nam, câu chuyện thường xoay quanh thị trường gần, hay các hợp đồng “sống” trồi-sụt theo thị trường quen thuộc. Tại những bến cảng, gạo xuất khẩu của chúng ta được nhìn thấy với những bao gạo nặng khoảng 50kg, không thương hiệu, sau đó được đưa đến các thị trường trên thế giới và đóng vào những bao nhỏ 5kg, đặt lên kệ ở một số siêu thị với tên tuổi, nhãn hiệu khác của doanh nghiệp nước sở tại.
Song, tin vui gần đây, khi những bao gạo mang thương hiệu Việt đã được định danh, đóng túi và được bày bán trực tiếp trên những kệ hàng tại siêu thị, cửa hàng ở các thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, châu Âu (EU), Mỹ, Canada... Không khó khăn để thấy rằng, gạo Việt với những thương hiệu ST25, Lộc Trời... đã và đang được đón nhận không chỉ của những người con xa xứ mà còn cả những người dân bản địa.
Thành quả đó có được là nhờ sự cộng hưởng của việc các FTA đã mở rộng cánh cửa đối với thị trường gạo Việt, đồng thời nhờ sự nỗ lực nâng cao chất lượng hạt gạo của người nông dân, doanh nghiệp với hy vọng sẽ từng bước đưa hạt gạo Việt vươn ra khắp năm châu.
Mới đây, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn trong nước chia sẻ, trước khi FTA giữa Việt Nam và EU được ký kết, doanh nghiệp này đã nhiều lần tìm đến các đối tác châu Âu, đến các siêu thị của họ để tìm hiểu người dân bản địa thích các loại gạo như thế nào, tỷ lệ tấm là bao nhiêu, độ sáng ra sao là phù hợp, đóng gói với lượng bao nhiêu kg...? Ròng rã nhiều năm trời, doanh nghiệp phải chấp nhận bán với giá bù lỗ để thăm dò thị trường.
Nhưng khi FTA Việt Nam-EU được ký kết, thuế suất cho hạt gạo lập tức từ 40% giảm về 0%, gạo Việt Nam tự hào đã có mặt trên các kệ siêu thị của các nước với giá cạnh tranh hơn rất nhiều.
Không chỉ gạo, năm 2021 cũng đánh dấu thành công đưa quả thanh long xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, quả xoài xuất khẩu vào Mỹ, vải thiều đi EU... Đây đều là kết quả từ nỗ lực rất lớn của người nông dân và doanh nghiệp Việt trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tận dụng các cơ hội từ các FTA song phương và đa phương đã ký kết.
Dẫu vậy, nông sản Việt Nam vẫn còn những vết “dằm” đáng tiếc như phở, nước mắm, cà-phê... đang được xuất khẩu ra thị trường quốc tế, nhưng lại đứng tên thương hiệu của quốc gia khác. Hay cứ vào mùa, những chuyến xe chở dưa hấu, thanh long xếp hàng dài chờ thông quan qua cửa khẩu. Nhiều chuyến xe phải quay đầu, đổ về các phố của Thủ đô, nào dưa hấu, thanh long, mít bày la liệt nhưng bán chẳng kịp, đành bỏ. Bài toán giải cứu lại được “kêu gọi” mỗi khi “được mùa nhưng... mất giá” và cả do sự “đỏng đảnh”, thất thường của các bạn hàng!
Đặt vấn đề ngược trở lại, nếu các mặt hàng của chúng ta được xây dựng thương hiệu một cách bài bản, được ký kết hợp đồng tiêu thụ, được quy hoạch vùng chăn nuôi, vùng sản xuất tập trung thì những sản phẩm nông sản ấy sẽ được sản xuất có kế hoạch, bao tiêu đầu ra. Cộng với đòn bẩy từ các FTA, thì nông sản Việt sẽ định danh trên thị trường thế giới là chuyện hoàn toàn có thể đạt được.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, doanh nghiệp và nông dân cần phải tìm hiểu kỹ về kỹ thuật; phải đáp ứng quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm theo yêu cầu phía bạn. Nói cách khác, muốn xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ hệ sinh thái của ngành hàng, của sản phẩm; cùng với đó, tổ chức sản xuất phải đáp ứng tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu để các chuyến hàng nông sản “xuất ngoại” chính ngạch, từng bước định danh trên thế giới và khu vực.