Điều hành tỷ giá phù hợp với thị trường

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có các động thái hạ lãi suất quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, gây áp lực lên VND. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, dù sức ép lên VND đã tăng nhưng chưa đến mức đáng ngại, và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của nhà điều hành.
0:00 / 0:00
0:00
Giá USD đã có những phiên tăng mạnh trong những ngày qua.
Giá USD đã có những phiên tăng mạnh trong những ngày qua.

Tỷ giá VND/USD đã có những phiên tăng mạnh trong những tuần đầu tháng 8/2023 sau khi giữ ổn định và đi ngang trong suốt tháng 7 và cả những tháng trước đó.

Tính từ đầu tháng, tỷ giá trung tâm đã tăng 124 VND/USD và tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã tăng 131 VND mỗi USD ở chiều bán ra, lên mức kỷ lục 25.025 VND/USD vào ngày 15/8.

Tỷ giá tăng mạnh

Ngày 16/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.918 VND/USD, tăng 37 đồng so với phiên trước.

Như vậy, với 3 phiên tăng liên tiếp, tỷ giá trung tâm đã tăng 81 đồng. Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết giá bán USD ở mức 25.063 VND/USD, trong khi giá mua được giữ nguyên ở mức 23.400 VND/USD.

Cùng xu hướng, giá mua-bán USD tại tất cả các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh tăng mạnh với mức phổ biến 120-170 đồng so với phiên trước.

Cụ thể, trong thời điểm sáng 16/8, giá mua USD thấp nhất ở mức 23.700 VND/USD (cao hơn 117 đồng so hôm trước), giá mua cao nhất ở mức 23.830 VND/USD (cao hơn 120 đồng so hôm trước). Ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở 24.120 VND/USD (cao hơn 150 đồng), giá bán cao nhất đang ở 24.200 VND/USD (cao hơn 150 đồng). Đây cũng là mức cao nhất trong vòng năm tháng qua.

Theo phân tích của Bộ phận nghiên cứu Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), xét về mặt bằng chung, tỷ giá VND/USD tăng 1,62% so với đầu năm và tăng 2% so với mức thấp nhất năm được thiết lập trong tháng 5/2023.

“Tỷ giá VND/USD tăng mạnh trong bối cảnh Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 16,2 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm; mức FDI giải ngân ổn định đạt 11,58 tỷ USD và dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỷ USD cho thấy yếu tố cung cầu USD không hẳn là nguyên nhân khiến tỷ giá gia tăng so với đầu năm”, báo cáo của MBS nêu.

Nếu xét các yếu tố áp lực từ thị trường ngoại hối toàn cầu, USD Index đã tăng lại lên mức 103 điểm trong hai tuần đầu tháng 8 sau khi chạm ngưỡng thấp nhất năm là mức 99,7 điểm trong tháng 7.

Các đồng tiền khác trong khu vực cũng có xu hướng mất giá so với USD trong cùng thời gian. So với đầu năm đa phần các đồng tiền trong khu vực cũng mất giá so với USD với mức dao động từ 3-5%. Do đó, VND cũng chịu sức ép giảm giá một phần từ yếu tố này.

Trong khi đó, đánh giá nhanh về diễn biến của tỷ giá những ngày qua, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank cho biết: Từ đầu tháng 7/2023 đến nay, đã ghi nhận mức tăng liên tục của tỷ giá. “Tỷ giá tăng đến từ nhu cầu xuất nhập khẩu bắt đầu cải thiện và các doanh nghiệp FDI cũng có nhu cầu USD tăng.

Dù vậy, tỷ giá USD/VND vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tỷ giá đã đứng yên gần bảy tháng, việc tỷ giá mới chỉ tăng trở lại trong thời gian gần đây chưa gây ra nhiều áp lực đối với việc kiểm soát vĩ mô.

Cả cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lai hiện tại của Việt Nam vẫn đang duy trì mức thặng dư, do vậy Chính phủ vẫn hoàn toàn có khả năng kiểm soát tỷ giá trong mục tiêu”, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Maybank nhận định.

Vẫn phải dè chừng tác động

Cùng với việc liên tiếp điều chỉnh hạ lãi suất điều hành từ đầu năm tới nay, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm 1,5-2%/năm lãi vay, áp dụng với cả khoản vay hiện hữu.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như vậy đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, qua đó gây sức ép lên VND.

“Chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện tại mới đang là yếu tố chính khiến VND giảm giá so với USD”, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS nhận định.

Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2%. Lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức hơn 5%. Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế-Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho hay, áp lực tỷ giá nhiều hay ít phụ thuộc đáng kể vào biến động của đồng USD trên thị trường quốc tế. Đồng USD có thể tăng trở lại, nhất là trong xu hướng đa cực sử dụng nhiều đồng tiền thanh toán hiện nay.

“Áp lực lên tỷ giá rất nhỏ. Giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, nhất là nhiên liệu, sẽ tăng nhưng không phải sức ép quá lớn và Bộ Tài chính đang còn dư địa hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc kiềm chế giá xăng dầu không tăng quá mức. Cán cân thanh toán thặng dư giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối cũng giúp áp lực lên tỷ giá không còn quá mạnh. Hy vọng năm 2023 và cả năm sau, tỷ giá vẫn tiếp tục duy trì ổn định”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công khai thông tin đã bổ sung dự trữ ngoại hối khoảng 6 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD và làm dày thêm “tấm nệm” dự phòng tỷ giá. Và mới đây, IMF dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 sẽ ở mức 95 tỷ USD.

Như vậy có thể thấy, sức ép lên tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ không căng như những năm trước.

Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng cho rằng, không nên chủ quan vì áp lực lên tỷ giá cả trong lẫn ngoài cũng đang xuất hiện.

Nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận thấy trong 3-6 tháng tới có một số yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá, đó là: lạm phát toàn cầu cao hơn dự kiến, chỉ số DXY mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá của Việt Nam, và tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam ảnh hưởng mạnh hơn đến xuất khẩu.

Về định hướng điều hành, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.