Điều hành chính sách tiền tệ thông suốt, hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển đất nước

NDO - Chiều 5/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành liên quan về đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay, đề ra nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến cuối năm bảo đảm thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, hiệu quả, thông suốt, đạt các mục tiêu đề ra, tạo nền tảng cho phát triển đất nước. 
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về điều hành chính sách tiền tệ. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về điều hành chính sách tiền tệ. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chính sách tiền tệ có vai trò hết sức quan trọng, do đó, Chính phủ thường xuyên tổ chức họp về vấn đề này để bảo đảm chính sách tiền tệ thông suốt, hiệu quả, phục vụ sự phát triển của đất nước, người dân, doanh nghiệp, không để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, sự phát triển chung, sự an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính quốc gia; do đó, cần phải nắm chắc tình hình diễn biến trong và ngoài nước, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt thì mới bảo đảm hiệu quả, thành công.

Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, tình hình trong nước và ngoài nước diễn biến nhanh, khó lường, hậu quả đại dịch Covid-19 chưa khắc phục xong, một số nước lớn như Hoa Kỳ chưa hạ lãi suất, gây áp lực lớn nước ta trong điều hành tỷ giá, lãi suất ngân hàng, do đó chúng ta không được lơ là, chủ quan.

Theo Thủ tướng, nhìn chung thời cơ, thuận lợi ít hơn khó khăn, thách thức; kinh nghiệm cho thấy, khi nào chính sách tiền tệ không tốt thì ảnh hưởng rất lớn sự phát triển chung của đất nước. Nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt tạo thuận lợi, nền tảng cho phát triển đất nước nói chung, các ngành kinh tế nói riêng. Thủ tướng đánh giá, ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế; nếu huyết mạch này không lưu thông thì ảnh hưởng sức khỏe của nền kinh tế.

Điều hành chính sách tiền tệ thông suốt, hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển đất nước ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ. (Ảnh: Trần Hải)

Nhấn mạnh, từ Đại hội lần thứ XI của Đảng đến nay, chúng ta có một số chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế, do đó, Thủ tướng yêu cầu cần đánh giá lại các chính sách hỗ trợ tín dụng để xem những gì làm được, chưa làm được, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để tiếp tục có chính sách phù hợp, hiệu quả đối với các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành để rà soát lại chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay phù hợp chưa, tình hình mới có gì cần thay đổi. Đặc biệt là chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, sát tình hình thì đã phù hợp chưa, có gì cần điều chỉnh. Kiểm điểm tình hình thực hiện một số quy định của pháp luật, đề ra một số cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận hơn lợi cho người dân, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; xem xét tình hình tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay, từ nay đến cuối năm để ưu tiên tập trung hơn cho tăng trưởng. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện cung tiền ra như thế nào để hướng vào các động lực tăng trưởng truyền thống, động lực tăng trưởng mới, kiểm soát được nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng.

Điều hành chính sách tiền tệ thông suốt, hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển đất nước ảnh 3

Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành tham dự cuộc họp. (Ảnh: Trần Hải)

Cùng với đó, tiền gửi trong ngân hàng hiện đạt khoảng hơn 15 triệu tỷ đồng, số tiền này đã được hệ thống ngân hàng đưa vào nền kinh tế thông qua cấp tín dụng, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục đẩy mạnh tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiếp tục sử dụng nguồn lực này ngày càng hiệu quả.

Theo Thủ tướng, vừa qua, chúng ta đã điều hành tốt chính sách tiền tệ, nhất là vấn đề quản lý thị trường vàng, nhưng về lâu dài, phải tính toán bài bản, có giải pháp chống đô la hoá, vàng hoá một cách căn cơ, không để người dân tích trữ đôla, tích trữ vàng mà phải khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, từ đó có thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Điều hành chính sách tiền tệ thông suốt, hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển đất nước ảnh 4

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp. (Ảnh: Trần Hải)

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, cơ bản phù hợp yêu cầu; Ngân hàng nhà nước thực hiện nghiêm theo sự của chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hiệu quả, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa, thương mại, đầu tư, các chính sách liên quan bất động sản…, nhờ đó đạt các mục tiêu đề ra: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát trong phạm vi Quốc hội cho phép, thúc đẩy tăng trưởng cả 3 khu vực; bảo đảm các cân đối lớn, có thặng dư.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy những khó khăn trước mắt và lâu dài, do đó các bộ, ngành phải thực hiện tốt các chính sách liên quan năng lượng, tăng cường sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, chủ động về xăng dầu. Trong đó, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn năng lượng như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phải nỗ lực thực hiện tốt bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Thủ tướng nhấn mạnh, kinh nghiệm cho thấy, phải bình tĩnh, chắc chắn, hết sức bản lĩnh; không say sưa thắng lợi, chắc chắn trong suy nghĩ, điều hành; điều hành không “giật cục”; chính sách phải đồng bộ để hỗ trợ, thúc đẩy, tạo động lực; suy nghĩ thật kỹ, rõ ràng, dứt khoát, phù hợp thực tiễn, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện; điều hành dựa trên cơ sở dữ liệu, thực tiễn của Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm của thế giới; các gói tín dụng đưa ra phải khuyến khích các động lực tăng trưởng.

Thủ tướng nêu rõ, dự báo thời gian tới, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; từ đó phải tìm ra giải pháp phù hợp; phải nắm chắc diễn biến tình hình về tiền tệ thế giới, các chuỗi cung ứng, chuỗi logistics, sản xuất trên thế giới…, từ đó tìm ra những thời cơ, thuận lợi, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, đưa ra chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, không bị chậm trễ; kết hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa, thương mại, đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính phải tăng thu, tiết kiệm chi, mở rộng thu, giảm thuế, phí lệ phí, giảm thuế VAT 2%, đẩy mạnh đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội… phát hành trái phiếu Chính phủ cho các công trình, dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, các động lực tăng trưởng như: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư để giảm áp lực cho ngành ngân hàng; phát hành trái phiếu cho các ngành mới nổi; đẩy mạnh thị trường chứng khoán, nâng cấp thị trường cận biên lên thị trường mới nổi; đẩy mạnh việc sử dụng hoá đơn điện tử.

Về chính sách thương mại, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao phải phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh, nhất là xuất khẩu, phấn đấu đạt kỷ lục xuất khẩu mới, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu 750-800 tỷ USD, xuất siêu trên 20 tỷ USD với tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước để hỗ trợ nguồn ngoại tệ, giảm áp lực cho điều hành tỷ giá; mở rộng thanh toán bằng đồng nội tệ với các nước; tăng tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kích cầu tiêu dùng trong nước bằng giảm thuế, chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả…; thúc đẩy sản xuất trong nước, đẩy mạnh thương mại biên giới, khai thác hiệu quả các FTA đã ký, đẩy mạnh xúc tiến ký kết các FTA mới, nhất là với UAE Nam Mỹ, Trung Đông, thúc đẩy kinh tế đối ngoại, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal. Đẩy mạnh đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân, FDI, vay vốn tín dụng ưu đãi, ODA. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút vốn FDI, tạo niềm tin cho nhà đầu tư; đẩy mạnh thực hiện các Luật vừa mới có hiệu lực.

Thủ tướng chỉ đạo quán triệt các chỉ đạo, kết luận của Trung ương, nhất quán điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, kết hợp đồng bộ với các chính sách khác; thúc đẩy, tập trung tăng trưởng tín dụng cho các động lực tăng trưởng như: đầu tư, xuất khẩu, các động lực tăng trưởng mới.

Điều hành tỷ giá phải linh hoạt, trong đó có phát hành trái phiếu, nghiên cứu việc cung ngoại tệ linh hoạt ra thị trường để can thiệp, đi đôi thu hút FDI, thu hút ngoại tệ gửi từ nước ngoài về; sử dụng công cụ lãi suất…

Về điều hành lãi suất, phải tiếp tục vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, giảm thủ tục hành chính để giảm lãi suất cho vay vào các động lực tăng trưởng, các dự án hạ tầng; yêu cầu một số ngân hàng thương mại nhà nước làm nòng cốt để thực hiện việc này với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Điều hành nghiệp vụ thị trường mở phù hợp diễn biến thị trường, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ trong điều kiện tỷ giá, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu để có dư địa trong điều hành chính sách tiền tệ; có thể cân nhắc điều hành nghiệp vụ thị trường mở theo hướng nới lỏng để góp phần giảm lãi suất; điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá.

Điều hành tín dụng phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát; điều hành room tín dụng theo phương hướng đã đề ra với tinh thần công khai, minh bạch, công khai lãi suất, tăng cường giám sát, kiểm tra trong hệ thống ngân hàng…; tiếp tục theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các chương trình ưu đãi.

Thủ tướng hoan nghênh và đề nghị ngân hàng tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất, tăng thời hạn cho vay; khẩn trương ban hành các văn bản; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, kiểm soát nợ xấu; tăng cường công tác thông tin truyền thông để người dân tin tưởng hệ thống ngân hàng, có kiến thức để lựa chọn kênh đầu tư, không để tình trạng “lãi suất càng cao, càng rủi ro”; tích cực chuyển đổi số nhanh nhất trong các ngành; ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, giảm chi phí cho người dân. Tăng cường kiểm soát thị trường vàng, ngoại tệ căn cơ; tăng cường an toàn hệ thống; tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; xử lý dứt điểm Ngân hàng SCB, không để kéo dài. Về các chính sách cho vay để mua nhà ở xã hội,

Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng cần tiếp cận cả phía cung và phía cầu trong vấn đề cho vay để mua nhà nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, công nhân có nhà ở…

* Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 7 tháng năm 2024, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động theo sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng.

Đến ngày 31/7, tỷ giá trung tâm ở mức 24.255 đồng/USD tăng 1,63% so với cuối năm 2023, mức trung bình thấp và ổn định so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.

Lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm, đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Điều hành chính sách tiền tệ thông suốt, hiệu quả, tạo nền tảng cho phát triển đất nước ảnh 5

Lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương tham dự cuộc họp về điều hành chính sách tiền tệ. (Ảnh: Trần Hải)

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống phục hồi từ cuối tháng 3 và tăng dần qua các tháng, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023, đến hết quý II/2024 đạt 6% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cuối tháng 7/2024, dư nợ tín dụng gần 14,33 triệu tỷ đồng, tăng 14,99% so với cùng kỳ 2023 và tăng 5,66% so cuối năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực như: chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với tổng lũy kế 34,4 nghìn tỷ đồng.