Điều chỉnh vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm

Ðến hết tháng 5/2023, thành phố Hà Nội mới giải ngân được 24,8% vốn đầu tư công năm 2023, thấp hơn kế hoạch đề ra. Các dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục triển khai, giá nguyên vật liệu… Trước tình hình này, Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cho phù hợp thực tiễn, tập trung cho các dự án hấp thụ vốn tốt, dự án dân sinh bức xúc.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án "Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố (Trạm bơm Yên Nghĩa)" khởi công năm 2015, dự kiến hoàn thành vào năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa xong. (Ảnh Lê Ngọc)
Dự án "Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố (Trạm bơm Yên Nghĩa)" khởi công năm 2015, dự kiến hoàn thành vào năm 2021, nhưng đến nay vẫn chưa xong. (Ảnh Lê Ngọc)

Năm 2023, Hà Nội được giao kế hoạch đầu tư công hơn 46.946 tỷ đồng. Theo kế hoạch đặt ra, trong sáu tháng đầu năm nay thành phố sẽ giải ngân 45,1%; thế nhưng, tính đến ngày 31/5, thành phố mới giải ngân được hơn 11.643 tỷ đồng, đạt 24,8% kế hoạch. Còn tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài đến ngày 31/5/2023 là 568 tỷ đồng, mới đạt 13,8% kế hoạch vốn. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải thừa nhận: "Kết quả giải ngân chưa đạt được như dự kiến. Các dự án chậm triển khai đang ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn và việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thành phố đề ra".

Qua rà soát tiến độ triển khai, thành phố ghi nhận có 84 dự án cấp thành phố và 37 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện có khó khăn, vướng mắc. Chủ yếu các dự án gặp vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng như xác định nguồn gốc đất, giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, chưa có quỹ nhà, quỹ đất tái định cư... Ðơn cử, dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố (Trạm bơm Yên Nghĩa) khởi công năm 2015, dự kiến hoàn thành vào năm 2021, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành, còn tồn đọng hơn 138 tỷ đồng là vốn từ năm 2022 kéo dài sang năm 2023.

Ðại diện Ủy ban nhân dân quận Hà Ðông cho biết, dự án vẫn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Một số dự án khác đang bị vướng mắc về thủ tục, thiết kế, quy hoạch. Các dự án chuyển tiếp như dự án chỉnh trang mặt bằng (thuộc di tích Hoàng thành Thăng Long) vướng mắc do gói thầu thi công thay đổi thiết kế, một số gói thầu không còn phù hợp về giá. Nhiều dự án ODA còn phức tạp, kéo dài về quy trình, thủ tục điều chỉnh dự án, hiệp định vay.

Bên cạnh các dự án chậm triển khai, cũng có một số dự án có khả năng thực hiện tốt, có thể đẩy nhanh tiến độ hoặc một số dự án mới đã hoàn thành thủ tục, đủ điều kiện, có nhu cầu bổ sung vốn so với kế hoạch đã giao. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đáp ứng nhu cầu vốn, thành phố Hà Nội sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng nguồn vốn thực hiện điều chỉnh là 6.159 tỷ đồng.

Phương hướng điều chỉnh là giảm kế hoạch vốn của các dự án đã hoàn thành, không còn nhu cầu vốn, các dự án gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, dự án chậm tiến độ không có khả năng thực hiện... Cụ thể, thành phố sẽ cắt giảm hơn 2.047 tỷ đồng của 57 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố do các dự án này đang gặp vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, không bảo đảm tiến độ thực hiện... Ðồng thời, thành phố sẽ điều chỉnh tăng kế hoạch vốn cho các dự án đã hoàn thành, cần vốn thanh quyết toán; các dự án cấp bách, dân sinh và các dự án chuyển tiếp giải ngân tốt, dự kiến có khả năng thực hiện, giải ngân cao hơn.

Thành phố cũng ưu tiên bố trí vốn cho các dự án mới có đủ thủ tục, đủ điều kiện để khởi công công trình hoặc dự án mới cần thiết phải triển khai. Ðơn cử, dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội mới được khởi công ngày 25/6, chỉ sau một năm được phê duyệt chủ trương đầu tư. Với tính chất dự án trọng điểm quốc gia, tốc độ triển khai nhanh nên thành phố đang đề xuất bổ sung 1.778 tỷ đồng cho dự án thành phần 1.1 (giải phóng mặt bằng) và 350 tỷ đồng cho thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành) của dự án đường vành đai 4. Dự án đường vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục giai đoạn 1) cũng được tăng thêm 290 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023...

Bên cạnh các dự án trọng điểm, 10 dự án đê điều có tính chất khẩn cấp cũng được đề nghị bổ sung hơn 509 tỷ đồng đầu tư. Hoặc dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu xử lý chất thải Sóc Sơn sẽ được tăng thêm 400 tỷ đồng để triển khai... Kế hoạch ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu cho các quận, huyện thực hiện đầu tư ba lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích và các hạ tầng kinh tế, thành phố cũng dự kiến điều chỉnh, hỗ trợ bổ sung 1.115 tỷ đồng cho 190 dự án. Nhờ nguồn vốn này, các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp y tế cơ sở, bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử..., góp phần tích cực trong nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: "Phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cơ bản đáp ứng nhu cầu đề xuất bố trí vốn thực hiện các dự án của các chủ đầu tư, bảo đảm nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm và một số nhiệm vụ, dự án đầu tư khác, đáp ứng yêu cầu tiến độ triển khai".