Điều chỉnh giá dịch vụ cảng biển để phát triển hệ thống hạ tầng

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, một trong những nguyên nhân khiến việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống cảng biển, trong đó có TP Hồ Chí Minh, thời gian qua rất chậm là do giá dịch vụ tại các cảng biển quá thấp. Điều này đã làm giảm đi cơ hội đầu tư, tăng cường kết nối của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện nay, biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ công-ten-nơ và dịch vụ lai dắt cảng biển tại Việt Nam (gọi tắt là dịch vụ cảng biển) so với các nước trong khu vực và thế giới, chi phí logistics của các DN hoạt động trong lĩnh vực này vẫn khá cao, ở mức gần 21% còn giá dịch vụ xếp dỡ tại nhiều cảng biển ở mức rất thấp. Tại TP Hồ Chí Minh, các cảng Sài Gòn, Tân Cảng Sài Gòn chỉ khoảng 40 USD/công-ten-nơ 20 feet, thậm chí khu vực cảng Hải Phòng chỉ khoảng 30 USD/công-ten-nơ 20 feet,… Trong khi đó, các quốc gia trong khu vực, giá dịch vụ này đều từ hơn 50 đến 130 USD/công-ten-nơ 20 feet.

Trong hệ thống các cụm cảng biển hiện nay, chỉ có một số cảng được xây dựng với mức đầu tư lớn, trang thiết bị hiện đại như: Tân Cảng Sài Gòn, cảng Cát Lái tại TP Hồ Chí Minh, cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu,… số còn lại có quy mô nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ chưa cao. Với việc thực hiện khung giá dịch vụ cách đây bốn đến năm năm khiến hoạt động của nhiều cảng chỉ ở mức cầm chừng, không hiệu quả trong dịch vụ cung cấp cho các hãng tàu chở hàng hóa. Do đó, Bộ GTVT đề xuất hai phương án điều chỉnh: Phương án 1, giá dịch vụ sẽ điều chỉnh theo hướng khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 2,5 USD/người/lượt, tối đa là 5 USD/người/lượt; Khung giá dịch vụ bốc dỡ công-ten-nơ xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực I tăng khoảng 10% so với khung giá hiện hành, từ 30 USD/ công-ten-nơ 20 tấn, 45 USD/công-ten-nơ 40 tấn lên 33 USD/công-ten-nơ 20 tấn và 55 USD/công-ten-nơ 40 tấn. Phương án 2, giá dịch vụ được điều chỉnh theo hướng tiếp cận dần với mức giá chung của khu vực và thế giới. Cụ thể, khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 5 USD/người/lượt, tối đa là 15 USD/người/lượt; Khung giá dịch vụ bốc dỡ xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng bằng giá khu vực 3, áp dụng theo lộ trình năm 2019 là 37 USD/ công-ten-nơ 20 tấn và 56 USD/ công-ten-nơ 40 tấn (tăng 20%), năm 2030 là 41 USD/ công-ten-nơ 20 tấn và 62 USD/ công-ten-nơ 40 tấn (tăng 30%).

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam Lê Huy Hiệp, khung giá dịch vụ thấp khiến các DN cảng biển khó có thể đầu tư nâng cấp công nghệ bốc xếp, ảnh hưởng đến thời gian lưu hàng của DN. Điều này sẽ kéo dài thời gian bốc xếp, gây tốn kém cho các DN vận tải. Từ khó khăn đó, các DN phải tính toán lại chi phí vận hành. Ngoài ra, việc biểu giá dịch vụ tại cảng biển thấp cũng “vô tình” làm lợi cho các hãng tàu nước ngoài khi họ đang thu phí của chủ hàng rất cao nhưng chỉ phải trả một khoản phí theo quy định rất thấp tại cảng. Trong khi đó, nhiều hãng tàu cũng đồng ý sẽ trả phí dịch vụ cảng biển cao nếu như chất lượng, dịch vụ tại các cảng biển được cải thiện tốt hơn. Phó Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn Nguyễn Quốc Hưng cho biết: Hiện, hạ tầng của cảng Sài Gòn đã di dời ra khu vực Hiệp Phước, với tổng kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho nên đơn vị cũng đồng ý với đề xuất tăng mức phí của dịch vụ cảng biển để sớm bù đắp nguồn vốn đã bỏ ra để xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho cảng Sài Gòn nói riêng và các DN khác nói chung, các cơ quan chức năng cần cải thiện hạ tầng hệ thống giao thông thủy như triển khai nạo vét luồng sông Soài Rạp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường vành đai 3, vành đai 4 để cải th

Nêu ý kiến trước đề xuất của Bộ GTVT, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Công ty InterLog tại TP Hồ Chí Minh cho rằng: Điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển sẽ hỗ trợ các DN logistics và DN hoạt động ngành dịch vụ cảng biển có cơ hội tái đầu tư để phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ tại cảng. Ông Tâm cũng băn khoăn trước thực trạng hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển hiện nay chưa đồng bộ, nhất là nạn kẹt xe khiến các DN vận tải phải chịu thêm nhiều loại phí, phụ thu khác phát sinh. Việc phát huy vai trò hệ thống giao thông thủy, cảng biển đang là một trong những hướng đi mới trong quy hoạch vận tải của ngành giao thông cho nên việc đầu tư, cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông đường thủy cần phải được đẩy nhanh tiến độ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN.