Ngày 11/1, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chính thức thông xe dự án đường vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy-ngã tư Vọng (cả đường trên cao và đường dưới thấp), hoàn thành toàn bộ trục giao thông quan trọng của Thủ đô.
Với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, đường dưới thấp của dự án có quy mô từ tám đến 10 làn xe, vỉa hè mỗi bên rộng từ 4m đến 6m, đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đường trên cao dài hơn 5km, rộng 19m, chạy qua bốn quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Toàn tuyến có tám nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, ngã tư Vọng (trên phố Đại La và phố Trường Chinh) cùng lối lên, xuống ở ngã tư Sở không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông, mà còn tạo nên diện mạo đô thị hiện đại cho Thủ đô.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Dự án đi vào hoạt động sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường, tạo sự thông suốt, thuận lợi cho người và phương tiện khi lưu thông trên tuyến; góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị và hoàn thiện theo quy hoạch một trong những tuyến đường vành đai quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông khung của thành phố.
Cùng với dự án đường vành đai 2, một dự án quan trọng khác là đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài cũng đã hoàn thành, kịp phục vụ việc đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Sau Tết, tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao Nhổn-Kim Mã.
Trong khi đó, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đang chạy đua tiến độ từng ngày để kịp hoàn thành trong tháng 10/2023. Trên công trường, hàng trăm công nhân cùng nhiều máy móc hiện đại nỗ lực không ngừng nghỉ đưa dự án chạy đua với tiến độ. Phó chỉ huy công trường Đặng Xuân Đại cho biết: “Chúng tôi đang triển khai đồng thời bảy mũi thi công làm việc liên tục ba ca/ngày. Mặc dù thời tiết rét buốt, gió to, nhưng chúng tôi vẫn huy động công nhân thi công với tiến độ bảy ngày một đốt dầm. Dự kiến đến đầu tháng 3/2023, sẽ hợp long toàn bộ các đốt dầm”. Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 khi đưa vào sử dụng sẽ tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố.
Trước đó, năm 2022, hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng đã được thành phố hoàn thành như hầm chui Lê Văn Lương, cầu sông Lừ, hạng mục cầu xe máy đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Trong đó tại nút giao từng bị ùn tắc kinh niên, giờ là hầm chui Lê Văn Lương hiện đại, với hai hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75m, có hai làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5m.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án không chỉ giải quyết xung đột giao thông tại nút giao đường Lê Văn Lương-vành đai 3 theo hướng đường Lê Văn Lương-Tố Hữu, mà còn từng bước hoàn chỉnh giao thông theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, thành phố đồng thời khởi công ba dự án trọng điểm: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai, dự án hầm chui nút giao giữa đường vành đai 2,5 và đường Giải Phóng, dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho tuyến đường sắt đô thị số 3. Trong đó, dự án cải tạo quốc
lộ 6 với tổng kinh phí hơn 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, thời gian thi công từ năm 2022-2027. Toàn đoạn nâng cấp, mở rộng có chiều dài 21,7km, bắt đầu từ nút giao Ba La (Hà Đông) đến thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ). Từ mặt cắt đường hiện có rộng từ 6m đến 10m, tuyến đường sẽ được nâng cấp, mở rộng đến 60m, tương đương bốn đến sáu làn xe. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, dự án góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối với quốc lộ 21A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường vành đai 4-Vùng thủ đô đang được triển khai.
Đối với dự án đường vành đai 4, những ngày này, không chỉ có bảy quận, huyện có tuyến đường đi qua, mà cả hệ thống chính trị của thành phố đang cùng vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp xuống kiểm tra, thị sát và chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc. Nhờ đó, dù khối lượng giải phóng mặt bằng phải thực hiện rất lớn, nhưng tính đến đầu tháng 1, các địa phương đều bảo đảm tiến độ đề ra; phấn đấu hoàn thành 70% số diện tích phải thu hồi vào tháng 6 để khởi công và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023.
Cùng với hàng loạt dự án khác đang triển khai, dự án đường vành đai 4-Vùng Thủ đô sẽ không chỉ tạo thêm diện mạo mới khang trang, hiện đại cho hạ tầng giao thông, mà còn là xung lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.