TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn: “Đại dịch Covid-19 là đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử kể từ năm 1870 đến nay, với nhiều biến thể và có xu hướng còn tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng nặng nề sự phát triển kinh tế-xã hội của bất kể quốc gia nào.”
Đại dịch Covid-19 tác động không hề nhỏ đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, gây ra nhiều đứt đoạn trong chuỗi giá trị. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là một cơ hội để thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, thương mại điện tử, nhiều hoạt động của con người như mua bán, hội họp hay học tập đã dịch chuyển dần qua hình thức trực truyến.
Trong tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, mỗi quốc gia lại có một cách tiếp cận khác nhau, tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Một thí dụ điển hình, Thụy Điển với tham vọng “miễn dịch cộng đồng” đã không yêu cầu người dân tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là không đeo khẩu trang, và quốc gia này đã phải “trả giá đắt”. Một số nước khác như Pháp và Tây Ban Nha phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai, thứ ba... và ngay lập tức tiến hành giãn cách cục bộ trở lại sau khi đã quá vội vàng “mở cửa”.
Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khác, trong đó có sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ kinh tế và cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn - Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cuộc đối đầu Mỹ - Trung sẽ có còn kéo dài phức tạp với nhiều động thái gia tăng áp lực.
Tại thời điểm hiện tại, nền kinh tế toàn cầu nói chung và của Việt Nam nói riêng đã dần nhìn thấy nhiều dấu hiệu khả quan, phải kể đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu, dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động đàm phán, ký kết các FTA nhằm đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường,...
Lao động giá rẻ là điểm thu hút của thị trường Việt Nam đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng cũng cần nhấn mạnh, đây sẽ không phải là một yếu tố bền vững. Động lực cho sự phát triển của kinh tế-xã hội phải là tri thức, đổi mới-sáng tạo, khoa học-công nghệ và năng lượng. Kinh tế số sẽ là “nước đi” phù hợp trong thời điểm này, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 192,55 tỷ kWh, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoài, trong đó năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 22,68 tỷ kWh, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Năng lượng tái tạo đang là xu thế và đạt được những chỉ số tăng trưởng đáng ghi nhận trong thời gian qua, ông Vũ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết.
Cùng với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai một loạt các chương trình nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các hoạt động thường nhật và sản xuất. EVN cũng yêu cầu các đơn vị điều tiết, giảm thiểu việc sử dụng điện tại các trụ sở làm việc đến mức tối đa. Cụ thể như, tiết giảm ít nhất 50% điện cho điều hòa nhiệt độ, tiết giảm 100% điện chiếu sáng tại khu vực công cộng và giảm 50% điện chiếu sáng tại các khu vực làm việc. Các biện pháp này là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định
Bên cạnh đó, cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về tiết kiệm điện” với khẩu hiệu “Tiết kiệm điện thành thói quen”, do Bộ Công thương phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, là hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ.
Ngoài ra, trong tương lai, EVN sẽ phối hợp Bộ Công thương để nghiên cứu mô hình công nghệ nhà máy điện ảo tại Việt Nam. Công nghệ nhà máy điện ảo (Virtual power plant - VPP) là một trong những công nghệ lưới điện thông minh đang nổi lên như một công cụ hữu hiệu để quy tụ, tổng hợp các nguồn năng lượng tái tạo phân tán thành một nhà máy điện (ảo) duy nhất. Nhà máy điện ảo có thể lưu trữ điện năng khi công suất phát năng lượng tái tạo lớn, qua đó hạn chế cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo. Ngược lại, nhà máy điện ảo có thể phát điện năng được lưu trữ để bù cho lưới điện khi đang thiếu nguồn.
Chia sẻ với diễn đàn, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế. Bên cạnh báo cáo kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015 (VNEEP 1 và 2), ông Vũ cũng trình bày định hướng của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP 3).
Mục tiêu của Chương trình là đạt mức tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, tương đương 50-60 triệu TOE. Bảo đảm sự cung ứng đầy đủ về nhu cầu năng lượng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân là nhiệm vụ không chỉ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà còn là của Bộ Công thương, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh,